Hiện có trên 3 triệu người khuyết tật (NKT) trong số 6,2 triệu NKT đã được cấp thẻ BHYT miễn phí và không phải đồng chi trả khi sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh.
Ảnh minh họa |
Thêm vào đó, phạm vi chi trả BHYT đối với các dịch vụ y tế, phục hồi chức năng liên tục được mở rộng. Nếu như năm 2011 chỉ có 33 bệnh và 47 kỹ thuật phục hồi chức năng, thì năm 2016 đã tăng lên 252 kỹ thuật. Tất cả các dịch vụ phục hồi chức năng do Bộ Y tế ban hành đều được chi trả BHYT.
Mạng lưới chăm sóc y tế về phục hồi chức năng đã được củng cố với một bệnh viện (BV) phục hồi chức năng thuộc Bộ Y tế, một trung tâm phục hồi chức năng trực thuộc BV Bạch Mai, 39/63 tỉnh có BV phục hồi chức năng; 100% các BV đa khoa Trung ương và 98% BV đa khoa tuyến tỉnh có khoa phục hồi chức năng. Các khoa, tổ phục hồi chức năng ở các BV, trung tâm y tế tuyến huyện ngày càng được củng cố. Các bộ, ngành khác có 4 BV, 16 trung tâm phục hồi chức năng.
Hoạt động phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng cũng được triển khai rộng rãi ở nhiều địa phương. Ngày càng có nhiều kỹ thuật phục hồi chức năng được ứng dụng phục vụ người bệnh và NKT, góp phần làm giảm tỷ lệ khuyết tật, tăng khả năng hòa nhập và tái hòa nhập cộng đồng, nâng cao chất lượng cuộc sống của NKT.
Sự hỗ trợ về tài chính trong chăm sóc sức khoẻ cho NKT thuộc diện chính sách được thực hiện thông qua chính sách cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc hỗ trợ một phần chi phí mua thẻ BHYT.
Mặc dù chính sách chăm sóc sức khỏe cho NKT đã có sự thay đổi về chất và lượng rõ rệt, nhưng như ông Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho Báo SK&ĐS biết, vẫn đang tồn tại một số rào cản trong cung cấp dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng, cũng như trong tiếp cận và sử dụng dịch vụ của NKT.
Đó là vẫn còn trên 3 triệu NKT phải tự mua BHYT và phải đồng chi trả phí dịch vụ khám chữa bệnh. Đặc biệt, các dịch vụ về dụng cụ trợ giúp trong vận động rất cần đối với NKT nhưng lại chưa được BHYT chi trả. Theo Ủy ban Quốc gia về NKT, tỷ lệ tiếp cận và sử dụng dụng cụ trợ giúp còn thấp, chỉ ở mức 25%.
Khi không sử dụng dụng cụ trợ giúp, có 15,14% NKT gặp khó khăn trong đi bộ. Nếu được sử dụng dụng cụ trợ giúp, tỷ lệ này giảm xuống chỉ còn 1,94%. Do đó, nếu đáp ứng được việc cung cấp dụng cụ trợ giúp cho NKT có thể giúp họ tạo ra sự khác biệt lớn về khả năng tham gia các hoạt động kinh tế-xã hội.
Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng dần theo tuổi. Trong tương lai không xa, tỷ lệ khuyết tật sẽ tiếp tục gia tăng do Việt Nam đang chuyển sang quá trình già hóa dân số với tốc độ nhanh. Bởi vậy, cần thiết phải có nguồn tài chính bền vững chi trả cho việc khám chữa bệnh cho NKT, nhất là các dụng cụ trợ giúp NKT.
Tin mới
- Công nhận 30 sản phẩm công nghiệp chủ lực của Hà Nội năm 2019 - 16/12/2019 09:35
- Việt Nam tiến sát mức cao về phát triển con người - 16/12/2019 09:33
- Nghiêm cấm việc tăng giá thuốc dịp Tết - 16/12/2019 04:13
- Không khí Hà Nội đang ở ngưỡng nguy hại cho sức khỏe - 13/12/2019 06:38
- Cải thiện môi trường kinh doanh không dừng ở chỉ số, xếp hạng - 12/12/2019 03:48
Các tin khác
- Tôn vinh 100 doanh nghiệp bền vững năm 2019 - 27/11/2019 04:28
- Cần thực hiện tốt hơn nữa công tác quản lý đô thị - 27/11/2019 04:27
- Quốc hội họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8 - 27/11/2019 04:23
- Hội nghị lần thứ 11 của Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khóa X - 25/11/2019 04:11
- Hai giải pháp mấu chốt cho cải cách tiền lương - 22/11/2019 04:00