Thứ tư, 30 Tháng 10 2019 10:29

Phấn đấu đến năm 2025, Đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

 

Đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo

 

Chiều 29/10, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Khoa học và Công nghệ, Công ty TNHH MTV Đầu tư và phát triển công nghệ Bách Khoa (BK Holdings) đồng tổ chức Hội thảo công bố Đề án hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo và các chính sách thúc đẩy khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2019-2025.

 

Theo đó, mục tiêu của đề án nhằm thay đổi nhận thức và phát huy tinh thần về khởi nghiệp sáng tạo đến cộng đồng nhất là sinh viên, thanh niên và đội ngũ trí thức thành phố; Kết nối các thành phần của hệ sinh thái để hình thành mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo của thành phố; Hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và Khởi nghiệp của thành phố để thực hiện vai trò kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế, thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp và dẫn dắt hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Thủ đô.

 

Đề án sẽ hỗ trợ hình thành 3 đến 5 Vườn ươm doanh nghiệp hoặc không gian khởi nghiệp chung, để phục vụ hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội. Phấn đấu đến năm 2025, Đề án sẽ hỗ trợ phát triển 500 dự án khởi nghiệp sáng tạo; 150 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo thương mại hóa được sản phẩm, trong đó ít nhất 20% doanh nghiệp gọi được vốn thành công từ các quỹ đầu tư mạo hiểm, thực hiện mua bán và sáp nhập với tổng giá trị ước tính khoảng 500 tỷ đồng.

 

Đối tượng của Đề án là cá nhân, nhóm cá nhân có dự án khởi nghiệp, khả năng tăng trưởng nhanh dựa trên khai thác tài sản trí tuệ, công nghệ, mô hình kinh doanh mới, sáng tạo thuộc các ngành, lĩnh vực có lợi thế, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (có thời gian hoạt động không quá 5 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu), các vườn ươm doanh nghiệp, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học và các tổ chức trung gian trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo và các quỹ đầu tư, nhà đầu tư trong nước và quốc tế cũng là đối đối tượng được tham gia đề án.

 

Điều kiện tham gia Đề án là người đứng đầu tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp có ít nhất 1 năm kinh nghiệm hoạt động tư vấn đầu tư, tài chính và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp. Tổ chức có ít nhất 1 năm hoạt động, cung cấp dịch vụ cho ít nhất 10 doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo và đã đầu tư hoặc gọi vốn đầu tư được ít nhất 1 tỷ đồng cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam.

 

Các chính sách hỗ trợ của Đề án sẽ tập trung vào những nội dung chính như: Tăng cường, đẩy mạnh truyền thông khởi nghiệp sáng tạo và xây dựng văn hóa khởi nghiệp; phát triển nguồn nhân lực cho khởi nghiệp sáng tạo; phát triển cơ sở hạ tầng, kỹ thuật, mặt bằng cho hoạt động khởi nghiệp sáng tạo; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp sáng tạo, liên kết, kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao công nghệ và sản xuất thử nghiệm, thương mại hóa sản phẩm; hỗ trợ tài chính và thúc đẩy hoạt động đầu tư cho khởi nghiệp sáng tạo; hình thành Trung tâm Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp Hà Nội...

 

Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, các tổ chức, cá nhân đáp ứng điều kiện tham gia Đề án có thể tiếp cận và liên hệ trực tiếp với Cơ quan thường trực của đề án là Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) hoặc Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội để được hướng dẫn, nộp hồ sơ xin hỗ trợ hoặc tuyển chọn đơn vị thực hiện, triển khai các nhiệm vụ của đề án.

 

* Ngay từ năm 2016, hưởng ứng tích cực tinh thần Quốc gia khởi nghiệp, chính quyền Thành phố đã quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành với phương châm “lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm để phục vụ”. Thành phố đã và đang xây dựng nhiều giải pháp đột phá nhằm góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn.

 

Năm 2017, thành phố Hà Nội đã chính thức khai trương Cổng thông tin Hệ sinh thái khởi nghiệp (StartupCity.vn).

 

Năm 2018, Thành phố đã ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp, và triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp và doanh nghiệp trên địa bàn Thủ đô như: Hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp thành lập mới; Hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng, ngân hàng; Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực cho doanh nghiệp trên địa bàn; Hỗ trợ về mặt bằng sản xuất; Hỗ trợ về khoa học và công nghệ; Tổ chức nhiều sự kiện kết nối cung cầu, liên kết các vùng; Tổ chức các chương trình xúc tiến đầu tư, thương mại để giới thiệu các sản phẩm tại các hội trợ trong và quốc tế; Hỗ trợ doanh nghiệp tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài...

 

Ngoài nguồn lực của Thành phố, hàng loạt các trung tâm sáng tạo, các chương trình ươm tạo, không gian làm việc chung ra đời đã đáp ứng nhu cầu khởi nghiệp của cộng đồng; nhiều dự án, công ty khởi nghiệp của Thành phố bước đầu gặt hái những thành quả nhất định, trong đó một số dự án đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp toàn quốc. Nhiều sản phẩm sáng tạo của doanh nghiệp khởi nghiệp đã được sử dụng làm tặng phẩm biểu trưng của Thành phố trong các sự kiện lớn.

 

Với mục tiêu xây dựng Hà Nội thành Trung tâm khởi nghiệp sáng tạo của cả nước, nơi kết nối các nguồn lực của hệ sinh thái, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp sáng tạo trong cộng đồng, ngày 9/9/2019 vừa qua, UBND Thành phố đã phê duyệt và ban hành Đề án Hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2019-2025 tại Quyết định số 4889/QĐ-UBND.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi