Ngay trong đêm 24/6, Đoàn công tác của Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai do Ông Trần Quang Hoài, Ủy viên Thường trực - Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai dẫn đầu đoàn đã đến kiểm tra tình hình thực tế và chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ tại Lai Châu.''
Trong sáng ngày 25/6, đoàn đã đến làm việc tại xã Sơn Bình huyện Tam Đường tỉnh Lai châu và tiếp tục đi kiểm tra tình hình sạt lơt tại Quốc lộ 32 đoạn đi qua Huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu
Trao đổi với ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Lại Châu, ông Trần Quang Hoài đã đề nghị Ban chỉ huy PCTT và TKCN Lai Châu và các ban ngành liên quan các cấp thực hiện nghiêm công điện của Thủ tướng Chính phủ, đặc biệt là chỉ đạo kịp thời các cấp các ngành chủ động hỗ trợ, thăm hỏi, động viên gia đình có người thiệt mạng, cứu chữa người bị thương và tổ chức tìm kiếm người mất tích.
Trước nguy cơ lũ quyét và sạt lở đất tiếp tục diễn ra phức tạp các cấp các ngành cần tăng cường truyền thông cảnh báo đến người dân, đặc biệt là khu vực có nguy cơ cao để chủ động phòng tránh và kiên quyết di dời những hộ gia đình đang sống trong vùng nguy hiểm với nguy cơ lũ quyét và sạt lở đất.
Đoàn công tác tiếp tục di chuyển đến các địa bàn khác trong tỉnh đang xảy ra tình trạng sạt lở đất và lũ quyét nguy hiểm trên địa bàn tỉnh để kịp thời chỉ đạo, điều hành công tác ứng phó.
Lai Châu: 5 người chết, 12 người mất tích
Cổng TTĐT Lai Châu cho biết, đến sáng nay, mưa lũ đã làm 22 người thương vong trong đó: 5 người chết, 12 người mất tích và 5 người bị thương.
Về tài sản, đã có 54 nhà bị nước mưa, đất, đá trôi sạt vào trong nhà.
Về giao thông, 1 cầu treo, 1 cầu bê tông nội đồng huyện Than Uyên; 2 cầu treo, 2 cầu tạm huyện Tân Uyên bị lũ cuốn trôi.
Một số tuyến đường Quốc lộ bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Quốc lộ 4D đoạn qua bản Chu Va 12 xã Sơn Bình huyện Tam Đường; Quốc lộ 32 bị ngập một số đoạn tại bản 25 xã Trung Đồng và Hồ Noong Thăng; Quốc lộ 279 đoạn Than Uyên - Bảo Hà; Quốc lộ 4H.
Một số tuyến đường tỉnh lộ bị sạt lở gây tắc nghẽn giao thông: Tuyến đường tỉnh lộ 128 đoạn Chăn Nưa - Sìn Hồ qua xã Làng Mô; Tuyến đường Làng Mô - Tủa Sín Chải; Tuyến đường Mường Mô - Mường Tè.
Một số tuyến đường liên bản, liên xã khác trên địa bàn bị sạt, lở cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới giao thông.
Hệ thống thông tin liên lạc nhiều khu vực Sìn Hồ, Phong Thổ, Tân Uyên nhất là ở huyện Than uyên đang bị gián đoạn do đứt cáp truyền dẫn của mạng VINA PHONE, MOBIE PHONE gây ảnh hưởng lớn đến công tác chỉ đạo ứng cứu, khắc phục hậu quả.
20 hộ dân bị cô lập do tuyến đường đến bản Nậm Cầy xã Xà Dề Phìn bị sạt, lở đã được chính quyền nhanh chóng tiếp tế thực phẩm và nước uống.
Ước khối lượng đất, đá sạt lở trên các tuyến đường khoảng 600.000m3.
Ngoài ra, có 20 công trình thủy lợi và nước sinh hoạt bị hư hỏng, cuốn trôi; 10 cột điện bị đổ gãy; 1 trường THPT, trụ sở UBND xã Phúc Than huyện Than Uyên bị đổ tường bao.
Hiện nay, các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Ban chỉ huy PCTT & TKCN tỉnh Lai Châu vẫn đang có mặt tại hiện trường để chỉ đạo Ban chỉ huy PCTT & TKCN các huyện khẩn trương khắc phục các thiệt hại do mưa lũ gây ra theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, bị thương và mất tích.
Sở Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các nhà mạng huy động tối đa lực lượng ứng cứu khắc phục sự cố, kịp thời nối thông mạng lưới liên lạc phục vụ sự lãnh chỉ, đạo của cấp ủy chính quyền các cấp và liên lạc của người dân. Tuy nhiên, hiện do lũ lớn đường xá bị chia cắt nên nhiều điểm chưa thể tiếp cận để ứng cứu, khắc phục.
Sở Giao thông vận tải đã chỉ đạo, huy động các lực lượng phương tiện sẵn có và huy động nhân dân, các đơn vị liên quan trên địa bàn khẩn trương hót dọn khối lượng đất đá sụt sạt đảm bảo giao thông đi lại.
* Thủ tướng Chính phủ vừa có công điện về việc tập trung tìm kiếm cứu nạn, khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ.
Công điện nêu rõ: Từ đêm ngày 23 tháng 6 ở các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to. Mưa lũ lớn đầu mùa, đã gây sạt lở đất, thiệt hại về người và tài sản tại các tỉnh miền núi, nhất là tại các tỉnh Lai Châu và Hà Giang, một số người hiện còn đang mất tích.
Thủ tướng Chính phủ gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân các gia đình có người bị thiệt mạng.
Để chủ động đối phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu: Ủy ban nhân dân các tỉnh và các Bộ, ngành, cơ quan liên quan tập trung chỉ đạo ứng phó, khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ; tổ chức tìm kiếm người còn mất tích, cứu chữa người bị thương, thăm hỏi, động viên, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại, mai táng người bị thiệt mạng; hỗ trợ chỗ ở, lương thực, thực phẩm, không để người dân bị đói.
Tiếp tục kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ trượt lở đất, lũ quét để chủ động sơ tán, di dời dân cư đảm bảo an toàn. Tăng cường tuyên truyền, cảnh báo, hướng dẫn người dân chủ động phòng ngừa; cử người canh gác, hướng dẫn giao thông tại các khu vực có nguy cơ bị sạt lở, ngập sâu, nước chảy xiết, nhất là qua các ngầm, tràn, hạn chế thiệt hại do mưa lũ.
Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an chỉ đạo các lực lượng đóng chân trên địa bàn tham gia hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn và khắc phục hậu quả mưa lũ, hỗ trợ lực lượng, phương tiện cho địa phương khi có yêu cầu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương chỉ đạo rà soát, kiểm tra, vận hành đảm bảo an toàn đê điều, hồ đập.
Bộ Giao thông vận tải chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, khắc phục nhanh các sự cố sạt lở, đảm bảo giao thông thông suốt trên các tuyến quốc lộ, kịp thời hỗ trợ địa phương khắc phục sự cố trên các trục giao thông chính.
Bộ Tài nguyên và Môi trường chỉ đạo Tổng cục Khí tượng Thủy văn tiếp tục theo dõi diễn biến của mưa lũ; thường xuyên cập nhật thông tin để nhân dân biết chủ động phòng, tránh.
Các Bộ, ngành khác theo chức năng, nhiệm vụ của mình có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp, hướng dẫn các địa phương triển khai ngay các phương án đối phó với mưa lũ; đồng thời chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư cần thiết để khắc phục nhanh hậu quả mưa lũ, hỗ trợ địa phương khi có yêu cầu.
Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng ở Trung ương và địa phương tăng thời lượng phát sóng; thường xuyên thông báo diễn biến mưa lũ để các Bộ, ngành, địa phương và nhân dân biết, chủ động phòng tránh.
Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai tổ chức thường trực theo dõi, tổng hợp diễn biến mưa lũ, đôn đốc, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các biện pháp cụ thể đối phó với mưa lũ; đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo khi vượt thẩm quyền./.
Tin mới
- Thủ tướng ra công điện triển khai thực hiện tha tù trước thời hạn có điều kiện - 20/07/2018 03:00
- Chiều tối nay, bão số 3 ảnh hưởng trực tiếp vào Thái Bình - Hà Tĩnh - 18/07/2018 06:59
- Những tín hiệu vui, nhưng cần thêm nhiều gắng gỏi - 03/07/2018 07:59
- Thủ tướng chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6 - 03/07/2018 03:23
- Tổng Bí thư nhấn mạnh 6 giải pháp trọng tâm phòng chống tham nhũng - 26/06/2018 02:19
Các tin khác
- Không có vùng cấm trong xử lý tham nhũng - 25/06/2018 02:56
- Thủ tướng chỉ đạo khắc phục hậu quả mưa lũ tại các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ - 25/06/2018 02:41
- Mưa lũ làm 8 người chết và mất tích, thiệt hại hơn 56 tỷ đồng - 25/06/2018 02:38
- Đề xuất phối hợp trong thanh tra lao động, an toàn, vệ sinh lao động - 22/06/2018 03:24
- Đề xuất 2 phương án về quản lý lao động, quỹ tiền lương của SCIC - 21/06/2018 02:42