Thứ tư, 06 Tháng 6 2018 10:29

Bộ trưởng Nhạ thừa nhận, chất lượng giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản thì chưa đạt yêu cầu.

 

Sáng nay 6/6, tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – ông Phùng Xuân Nhạ đang trả lời, làm rõ hàng loạt vấn đề mà các đại biểu quan tâm trong đó có vấn đề về chất lượng nguồn nhân lực và tình trạng sinh viên thất nghiệp

 

Báo cáo Quốc hội trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ cho biết thời gian qua, ngành đã nỗ lực thực hiện nhiều nhiệm vụ để đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục - đào tạo và đã đạt những kết quả bước đầu, tuy nhiên, cũng vẫn còn nhiều điều chưa làm được.

 

Ông Nhạ nhận trách nhiệm: “Với trách nhiệm của người đứng đầu ngành, tôi xin chịu trách nhiệm về những gì chưa làm được, và mong muốn tới đây sẽ cùng các bộ, ngành, với sự chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, Chính phủ thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của mình”. 

 

Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo - ông Phùng Xuân Nhạ. Ảnh: VTV

 

Nêu con số 200.000 sinh viên thất nghiệp gây lãng phí nguồn lực và bức xúc cho xã hội, Đại biểu Đào Tú Hoa (đoàn Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng giải quyết tình trạng này như thế nào?

 

Từ giác độ của ngành, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận định, đây là hiện tượng có thật, do đó thời gian tới để giải quyết vấn đề này thì cái gốc vẫn là chất lượng.

 

Chất lượng ở đây không phải là cái thầy cô chấm điểm, mà phải là đạt chuẩn quốc tế, đào tạo đúng chuẩn thị trường.

 

"Chúng tôi sẽ thực hiện các giải pháp để nâng cao chất lượng, từ đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất, phương pháp đào tạo đặc biệt là sự phối hợp giữa doanh nghiệp với thị trường lao động để đào tạo theo địa chỉ. 

 

Bộ cũng sẽ kiểm tra rất nghiêm công tác đào tạo, các trường không phải muốn mở ngành gì thì mở, mà phải gắn với thị trường, phải có trách nhiệm với học sinh, chứ không thể khi vào thì hứa rất nhiều nhưng khi ra thì bỏ mặc.

 

Đặc biệt, thời gian tới Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đẩy mạnh về hậu kiểm chứ không phải tiền kiểm như trước đây", ông Nhạ nói.

 

Đồng thời, Bộ trưởng Nhạ cũng thừa nhận, về chất lượng giáo dục đại học có một số trường, một số nhóm ngành tốt, nhưng về cơ bản thì giáo dục đại học chúng ta chưa đạt yêu cầu, đặc biệt trong thời đại 4.0.

 

Nguyên nhân trước hết là nội dung, chương trình còn lạc hậu, vẫn chủ yếu là do thầy cô xây dựng, chứ chưa dựa vào nhu cầu của thị trường. 

 

"Chúng tôi tham khảo các nước thì tỉ lệ tiến sỹ ở các trường đại học là 60-70%, trong khi ở ta mới chỉ 22-23%. Cơ sở vật chất thì còn hạn chế. Học phí của chúng ta còn rất là thấp so với các nước.

 

Tới đây chúng tôi sẽ phân loại, cơ cấu lại, những trường chất lượng cao thì giữ lại, những trường chất lượng thấp thì phải nâng cao chất lượng, thậm chí phải giải thể", ông Nhạ cho biết. 

 

Trước đó, trong phiên chất vấn của Quốc hội chiều 5/6, đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh trăn trở về tình trạng thanh niên ra trường không có việc làm.

 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung thừa nhận, việc sinh viên ra trường không có việc làm là vấn đề hệ lụy kéo dài.


 

Một năm có khoảng 700.000 sinh viên ra trường, trong đó khoảng 200.000 người thất nghiệp. Nhìn rộng ra một chút, tỉ lệ sinh viên toàn cầu thất nghiệp 13%. Riêng Châu Á Thái Bình Dương 11%.

"Nếu so với bên ngoài, chúng ta không băn khoăn mà lo về chất lượng nguồn nhân lực " - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Về giải pháp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, để giải quyết tình trạng sinh viên ra trường không có việc làm, trước hết cần thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5; Nâng cao chất lượng dự báo cung cầu trong khối giáo dục nghề nghiệp...

Xây dựng đề án hỗ trợ sinh viên khởi nghiệp, tuyên truyền giáo dục vận động thanh niên theo hướng đại học không phải là con đường duy nhất.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi