Thứ ba, 17 Tháng 1 2017 15:24

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp nhất định phải đẩy mạnh tự chủ cho các trường nghề, gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp và theo đúng xu hướng quốc tế.

 

 
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, để đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN nhất định phải đẩy mạnh tự chủ cho các trường nghề, gắn kết chặt chẽ với DN và theo đúng xu hướng quốc tế. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Phó Thủ tướng đánh giá cao những công việc đã được Bộ LĐTB&XH triển khai ngay sau khi được giao quản lý Nhà nước về giáo dục nghề nghiệp (GDNN) với quyết tâm thay đổi căn bản công tác đào tạo nghề, trong đó có việc tổ chức hội nghị “Đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN” ngày hôm nay (16/1); bước đầu xây dựng đề án về đổi mới GDNN...

 

Lắng nghe ý kiến từ các hiệu trưởng trường nghề, đại diện hiệp hội, doanh nghiệp (DN), địa phương tại hội nghị, Phó Thủ tướng nhấn mạnh quyết định việc chuyển chức năng quản lý GDNN về Bộ LĐTB&XH phải theo hướng ổn định và thuận lợi hơn cho các trường cao đẳng (CĐ), trung cấp.

 

Đặt câu hỏi làm thế nào để đổi mới GDNN, đổi mới các trường CĐ và trung cấp, Phó Thủ tướng cho rằng, không có cách nào khác là phải tự chủ. 

 

Thực tế cho thấy, quá trình thực hiện tự chủ đại học (ĐH) có rất nhiều khó khăn, sự lưỡng lự, lo lắng và cả lực cản, nhưng với chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, các bộ chủ quản và các trường, đến nay chúng ta đã có 17 trường ĐH và 3 trường CĐ tự chủ, đạt được kết quả bước đầu rất tích cực, tốt hơn rất nhiều.

 

Phó Thủ tướng khẳng định, tự chủ là chủ trương chung của giáo dục ĐH, GDNN và hiểu theo đúng nghĩa là tự quản, đây là thuộc tính của giáo dục, nhất là giáo dục bậc cao. Ngân sách Nhà nước không cắt ngay, nhưng sẽ đổi mới cơ chế phân bổ, không thể duy trì tình trạng bao cấp cào bằng từ ngân sách Nhà nước. Trường CĐ tuyển sinh vài chục sinh viên cũng nhận được ngân sách như trường tuyển được cả nghìn sinh viên. Quan trọng hơn nữa là quyền tự quyết định, tự chịu trách nhiệm về chuyên môn, mở ngành đào tạo, bộ máy tổ chức của các trường.

 

“Chúng ta không thể để tình trạng có những trường được đầu tư hàng chục tỷ đồng, xây cơ sở hoành tráng, hằng năm vẫn nhận trợ cấp từ ngân sách Nhà nước mà không có người học, chỉ tuyển được vài chục cháu”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

 

Phó Thủ tướng cho biết, khi đi thăm một số trường CĐ, trung cấp nghề, ông được nghe về những băn khoăn, kiến nghị từ chuyện đổi tên, đến quy định mở ngành, nghề đào tạo mới.

 

“Việc đổi tên là quyền của các trường, hay đối với việc mở ngành, nghề đào tạo mới, cơ quan quản lý chỉ cần quy định khung về cơ sở vật chất, giáo viên, thiết bị… còn thủ tục đăng ký, giải quyết phải rất nhanh gọn. Tương tự như vậy, chúng ta không thể giao nhiệm vụ cho trường, nhưng lại quyết định tất cả về bộ máy nhân sự. Vấn đề này các đồng chí phải đổi rất mạnh”, Phó Thủ tướng nói và đề nghị các trường, các bộ, các địa phương quán triệt tinh thần “hãy để cho các trường tự chủ, tự tìm thấy cách sắp xếp tự nhiên, hợp lý nhất. Các trường làm tốt có quyền đàm phán, liên kết, sáp nhập với những trường không tốt để sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất đã đầu tư".

 

Như ý kiến của rất nhiều hiệu trưởng trong hội nghị, Phó Thủ tướng cho rằng nếu “chìa khóa” đối với ĐH là đẩy mạnh nghiên cứu, thì GDNN là phải gắn chặt với DN. Nhận thức này phải thực hiện triệt để, thấm sâu vào tất cả các khâu trong GDNN, từ tìm hiểu nhu cầu việc làm, định hướng nghề nghiệp, đến đào tạo, sử dụng lao động.

 

Đơn cử như nhu cầu việc làm, có nhiều nghề sẽ mất đi nhưng cũng hình thành những nghề mới, vì vậy các trường nghề chỉ có thể đáp ứng được nhu cầu thị trường lao động khi gắn kết chặt chẽ với DN, để DN cũng trở thành chủ thể trong quá trình đào tạo.

 

“Chúng ta cần ủng hộ, tạo điều kiện cho các trường nghề liên kết với DN, thậm chí có xưởng sản xuất hoạt động ngay ở trong trường nhưng tuân thủ đầy đủ các quy định của chính quyền địa phương về môi trường, công nghệ… Trong xếp hạng ĐH cũng có tiêu chí là sự hài lòng của DN, người sử dụng lao động”, Phó Thủ tướng nói.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu dự hội nghị về việc đổi mới, nâng cao chất lượng GDNN. Ảnh: VGP/Đình Nam

 

Điểm thứ ba được Phó Thủ tướng nhấn mạnh với hội nghị là xu hướng quốc tế hoá trong đào tạo nghề, bởi DN Việt Nam sản xuất hàng hóa không chỉ cho thị trường Việt Nam, mà cả thị trường thế giới. 

 

Dẫn chứng lại một thực tế đã được nhận rõ trong giáo dục ĐH là việc thành lập nhiều ĐH ở các địa phương có thể dẫn đến xu thế địa phương hóa thay vì quốc tế hóa ĐH, Phó Thủ tướng cho rằng, cần thống nhất quan điểm chỉ cần trường ở gần nhà khi học ngắn hạn hay vừa học vừa làm, còn học tập trung mấy năm ở bậc CĐ, ĐH không nhất thiết cứ phải tại địa phương. 

 

Hiện nay, hệ thống GDNN bước đầu đã theo xu hướng quốc tế từ các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Khung cơ cấu hệ thống giáo dục quốc dân (Quyết định 1981/QĐ-TTg), Khung trình độ quốc gia (Quyết định 1982/QĐ-TTg), đến việc Bộ LĐTB&XH “nhập” các bộ giáo trình đào tạo nghề từ các nước, xây dựng các nghề trọng điểm theo chuẩn khu vực và quốc tế…

 

Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐTB&XH cần triển khai rộng các chương trình, giáo trình quốc tế, đào tạo giáo viên, đầu tư trang thiết bị…, tạo đà cho các trường tư thục, trường trọng điểm tiếp tục triển khai công việc này. Cùng với đó hỗ trợ, đẩy nhanh thành lập các trung tâm kiểm định chất lượng GDNN của các hiệp hội.

 

“Quan trọng nhất là đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, huy động nguồn lực từ các trường, các chuyên gia, và cộng đồng thiết lập nên các kho học liệu mở cho tất cả các trường tham khảo. Tôi ví dụ nghề điện tử, nhiều nước có giáo trình rất tốt, sẵn sàng chuyển giao, và ngay trong nước cũng có những trường như vậy. Bộ nên dựa vào một số trường nòng cốt xây dựng cơ sở học liệu mở cho các trường tham khảo”, Phó Thủ tướng lưu ý.

 

Trao đổi thêm với đại diện các trường nghề về vấn đề nguồn tuyển, Phó Thủ tướng cho rằng, để thay đổi tâm lý bằng cấp cũng như tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” đòi hỏi cần phải có sự đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cả nước, phải sửa cả luật và những văn bản liên quan. Tuy nhiên, kinh nghiệm từ nhiều nước cho thấy, đào tạo liên thông có vai trò quan trọng để khắc phục tình trạng học sinh lựa chọn học phổ thông rồi lên ĐH thay vì trung cấp, CĐ nghề.

 

“Cơ hội học tiếp cho những người lựa chọn học nghề phải cởi mở hơn. ĐH theo hướng thực hành, ứng dụng phải song song với ĐH nghiên cứu. Các quyết định 1981, 1982 của Thủ tướng Chính phủ đã quy định học sinh khi học hết THCS có thể vào trung cấp rồi học liên thông lên cao, học tập suốt đời, nhưng chúng ta không thể ấn định chỉ có 30% học sinh phổ thông học ĐH, còn lại phải học CĐ. Vì vậy, để giải quyết vấn đề này thì ĐH phải liên kết chặt chẽ với CĐ, CĐ phải gắn chặt với trung cấp”, Phó Thủ tướng nói và mong muốn các trường nghề, các địa phương, các bộ, ngành bằng trách nhiệm của mình sẽ tạo ra những đổi mới thực sự, nâng cao chất lượng GDNN trong thời gian tới.

 

 

Nguồn: Chinhphu.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi