Nếu tỷ phú Donald Trump làm tổng thống Mỹ - điều khó tin nhưng rất có thể trở thành sự thực , các chính sách của chính quyền Mỹ về thương mại, vấn đề nhập cư hay đồng minh có thể cũng sẽ ít nhiều thay đổi.
Ứng viên tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Las Vegas Journal)
Sau đại thắng trong ngày "Siêu thứ Ba", giờ đây, Donald Trump - ứng viên khó đoán nhất - có thể trở thành vị tổng thống khó đoán nhất của nước Mỹ. Ông này được biết đến với nhiều danh tiếng khác nhau, một ông trùm bất động sản, một ngôi sao truyền hình thực tế, tác giả của "cuốn sách bán chạy nhất"... nhưng lại chưa bao giờ tham gia vào một cơ quan chính phủ hay một chính sách đối ngoại nào.
Christopher Hill, nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ, nhận định: "Tôi không cho rằng ông Trump là người có nhiều kiến thức về những lĩnh vực ngoại giao nhưng lại có những năng khiếu trội hơn hẳn những người khác".
Trump tuyên bố sẽ củng cố sức mạnh kinh tế và quân sự, "đưa nước Mỹ hùng mạnh trở lại". Nhưng liệu ông sẽ làm gì để thực hiện những tuyên bố nếu trở thành tổng thống của cường quốc này?
Dựng tường thành ở biên giới với Mexico
(Ảnh minh họa: FRE)
Một trong những tuyên bố gây bão dư luận trong chiến dịch tranh cử của ông Trump là kế hoạch xây một bức tường thành dọc biên giới Mỹ với Mexico nhằm ngăn chặn hoạt động nhập cư trái phép cũng như nạn buôn lậu và tội phạm.
"Chi phí để xây bức tường này là 8 tỷ USD, quá nhỏ so với số tiền mà chúng ta đang thua thiệt vì giao thương với Mexico. Chúng ta đang mất đi khoản tiền rất lớn vì thâm hụt thương mại. Mexico sẽ phải trả chi phí cho việc xây tường", ứng viên Trump phát biểu trong cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình MSNBC.
Chính phủ Mexico sau đó đã lên tiếng chỉ trích kế hoạch này và tuyên bố không có chuyện Mexico phải chi trả cho việc xây bức tường. Song dù lấy kinh phí ở đâu, thì rõ ràng dự án này sẽ phải ngốn hàng tỷ USD ngân sách của chính phủ Mỹ. Chỉ Quốc hội Mỹ mới có quyền phê chuẩn, trong khi các nhà làm luật của Mỹ cũng chẳng vội vàng xem xét thông qua dự án.
Cuộc chiến chống IS
Trump tuyên bố sẽ đánh bom các mục tiêu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS). (Ảnh: AP)
Trump tuyên bố sẽ đánh bom các mục tiêu Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), đặc biệt là các mỏ dầu mà chúng chiếm được ở Iraq nhằm ngăn chặn nguồn thu của nhóm khủng bố này.
Tại Syria, Trump nói rằng, ông sẽ để việc tiêu diệt IS lại cho chính phủ nước này đồng thời ông là ứng viên duy nhất hoan nghênh sự hỗ trợ của quân đội Nga đối với chính phủ Syria. Dưới thời Trump, chính phủ Mỹ cũng sẽ từ chối chấp nhận người tị nạn Syria và cấm người Hồi giáo nhập cư ít nhất là trong thời gian tạm thời. Thay vào đó, ông đề xuất một khu vực an toàn dành cho dân thường trong chính lãnh thổ Syria và Mỹ sẽ hỗ trợ tài chính, trong khi các nước khác chịu trách nhiệm thiết lập và bảo vệ khu vực này.
Thương mại
Trump vẫn cho rằng, Mỹ đang bị các đối tác thương mại lợi dụng, đặc biệt là Trung Quốc.
Trả lời phỏng vấn New York Times, ông cho biết, ông dự định sẽ áp thuế suất 45% đối với hàng hóa Trung Quốc. Sau đó, ông phủ nhận đã đưa ra bình luận như vậy. Nhưng không may cho ông là, New York Times đã kịp ghi âm và công bố đoạn ghi âm về cuộc phỏng vấn.
Ông Trump dường như cũng không phải là mẫu người ủng hộ các hiệp định thương mại tự do. Ông này từng nhiều lần lên tiếng chỉ trích các hiệp định mà Mỹ ký kết trong đó có Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông từng bình luận: "TPP là cuộc tấn công giới doanh nghiệp Mỹ. Nó không làm ngưng sự thao túng tiền tệ của Nhật Bản. Đó là sự thỏa thuận tồi tệ"
Đồng minh của Mỹ
Trump tỏ ra bất bình với cái giá mà Mỹ phải trả khi quân đội hiện diện ở châu Âu cũng như sức ép với Mỹ khi đứng đầu NATO. "Người Đức đâu? Nước nào đứng đầu châu Âu? Tôi chẳng ngại giúp họ. Tôi chẳng ngại hỗ trợ họ ngay từ phía sau", ông nói.
Trump muốn Hàn Quốc hỗ trợ thêm chi phí cho việc quân đội Mỹ bảo vệ nước này. (Ảnh: AFP)
Ông cũng muốn Hàn Quốc hỗ trợ thêm chi phí cho việc quân đội Mỹ bảo vệ nước này. "Chúng tôi chẳng nhận được gì cho việc này cả. Tôi không nói rằng Mỹ sẽ để mặc cho mọi sự diễn ra nhưng Hàn Quốc cũng phải giúp đỡ lại chúng ta chứ", ông nói. Thực tế, mỗi năm, Mỹ nhận về hơn 800 triệu USD từ Hàn Quốc để tiếp tục duy trì quân đội hiện diện ở đây, theo trang tin Politifact.com.
Với đồng minh Israel, Trump đưa ra những tuyên bố khá "nước đôi". Ông vừa tuyên bố trung lập trong việc thúc đẩy hòa bình giữa Israel và Palestine, nhưng mặt khác cũng tuyên bố hoàn toàn ủng hộ Israel.
Dù thế nào, đến nay, Trump vẫn là một ứng viên khó đoán và gây nhiều tranh cãi trong giới chuyên gia và ngoài kinh nghiệm điều hành kinh doanh và xuất hiện trên truyền hình thực tế, ông gần như không nhiều kinh nghiệm về chính trường.
Peter Navarro, chuyên gia kinh tế tại Đại học California cho rằng: "Dưới thời tổng thống Trump, chính sách ngoại giao sẽ mạnh mẽ, chắc chắn, giống như dưới thời Tổng thống Reagan, duy trì một sự hòa bình truyền thống thông qua sức mạnh quân sự và kinh tế thay vì những điểm yếu nguy hiểm hiện nay của Nhà Trắng".
Trong khi đó, Jamie Metzl, một cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, đánh giá: "Thế giới sẽ trở nên phức tạp hơn", nếu Donald Trump trở thành tổng thống Mỹ.
Theo Dân trí
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Bỉ công bố danh tính 3 nghi phạm đánh bom sân bay Brussels - 23/03/2016 09:20
- Kịch bản nào cho Syria sau khi Nga rút quân? - 23/03/2016 08:24
- Donald Trump và Hillary Clinton tiếp tục thắng áp đảo tại Michigan và Mississippi - 09/03/2016 06:19
- Tìm thấy mảnh vỡ thứ 2 nghi của MH370 ở đảo Reunion - 07/03/2016 03:19
- Triều Tiên dọa nhấn chìm căn cứ quân sự Mỹ trong biển lửa bằng vũ khí hạt nhân - 07/03/2016 03:15
Các tin khác
- Malaysia: Mảnh vỡ ở Mozambique khá giống với mẫu máy bay MH370 - 03/03/2016 08:50
- Triều Tiên phóng tên lửa đáp trả nghị quyết trừng phạt của Liên hợp quốc - 03/03/2016 07:23
- Cục diện cuộc đua vào Nhà Trắng sau ngày "Siêu thứ Ba" - 02/03/2016 08:30
- Putin khiến phương Tây "ngã ngửa" như thế nào? - 01/03/2016 07:01
- Mỹ bầu cử sơ bộ ngày "Siêu thứ Ba": Hillary Clinton và tỷ phú Trump có thể thắng lớn - 01/03/2016 03:41