Thứ ba, 19 Tháng 1 2016 14:38

Trang mạng Diplomat ngày 17/1 đã đăng tải bài phân tích cho rằng Mỹ cần thực hiện 6 nhóm giải pháp với thông điệp "hành động quyết liệt, kịp thời và toàn diện" để ngăn chặn một Trung Quốc bành trướng trên Biển Đông.

 

My.BDnhandao

Tàu khu trục USS Lassen (DDG-82) của Mỹ (Ảnh: sputniknews.com)


Theo bài báo, sau khi nhận ra tầm quan trọng của khu vực Biển Đông trong chính sách tái cân bằng, trong năm 2015 Mỹ đã có những bước đi cụ thể trong việc thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực.

 

Trong Chiến lược an ninh hàng hải tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định Trung Quốc là nguồn cơn chính cho mọi bất ổn và coi những nỗ lực của Mỹ là bình ổn tình hình trên Biển Đông. Cụ thể, Washington đã cử tàu khu trục USS Lassen (DDG-82) đi vào bên trong khu vực 12 hải lý của 5 thực thể địa lý (bãi đá ngầm), trong đó có bãi Xubi và điều máy bay ném bom B52 giám sát nhóm đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp và xây dựng phi pháp thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền của Việt Nam.

 

Các bước đi trên của Mỹ cho thấy Washington đang có hành động tích cực hơn trên Biển Đông. Tuy nhiên, bài báo cho rằng chừng đó là chưa đủ để ngăn chặn một Trung Quốc đang hung hăng trong khu vực và Mỹ cần phải có hành động mạnh mẽ hơn nữa.

 

Mỹ cần phải tính toán cẩn thận khi đi đến một giải pháp nhằm đối phó với một chủ nghĩa bá quyền mới trong khu vực. Mỹ cần quyết đoán và hành xử kịp thời hơn. Khái niệm "quyền bay và quyền di chuyển trên biển" lần đầu được đề cập đến là vào tháng 5/2015, sau đó được lãnh đạo Mỹ lý giải ở nhiều cấp độ khác nhau.

 

Tuy nhiên, Nhà Trắng đã phải mất quá nhiều thời gian trước khi đi đến quyết định điều tàu khu trục USS Lassen trong sứ mệnh tuần tra Biển Đông ngày 27/10/2015. Phản ứng chậm trễ là khó chấp nhận được với tư cách là một cường quốc hàng đầu thế giới và dẫn tới nhiều chỉ trích chính quyền Mỹ sau đó là yếu thế.

 

Sự chậm trễ trên vô hình trung đã tạo cơ hội cho Bắc Kinh làm chủ được tình hình và có đối sách khiến các nỗ lực của Mỹ không phát huy tác dụng nhiều. Cụ thể, Trung Quốc gần đây đã đáp trả chiến dịch tuần tra "an ninh hàng hải và hàng không" của Mỹ bằng việc tiến hành các vụ bay thử nghiệm dân sự tới bãi Chữ Thập. Điều này vi phạm Công ước quốc tế về hàng không dân sự, chủ quyền của các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam và dọn đường cho quá trình quân sự hóa trên Biển Đông trong tương lai.

 

Tác giả bài báo nêu ra 6 nhóm giải pháp xét trên 3 bình diện: ngoại giao-kinh tế-quân sự mà Mỹ có thể thực thi để ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông.

 

Về mặt ngoại giao, Mỹ cần đưa thực hiện 3 giải pháp nhằm nâng cấp quan hệ ngoại giao với các nước đối tác mới trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, lên cấp đối tác chiến lược. Thứ nhất, bởi vì đối tác chiến lược mới giúp giảm những mâu thuẫn về các vấn đề tự do và nhân quyền. Thứ hai, một khi quan hệ đối tác chiến lược được thiết lập thì "lòng tin chiến lược" sẽ được nâng cao và đồng thời mở ra cơ hội cho việc hợp tác chiến lược quốc phòng. Điều thứ ba quan trọng hơn cả đó là nếu Mỹ không tỏ rõ cam kết đủ mạnh để tăng cường quan hệ với các nước đồng minh và các nước đối tác gần gũi trong khu vực, thì Mỹ nhường dần "sân chơi" cho Trung Quốc. Trung Quốc hiện đang đầu tư nhiều nguồn lực để lôi kéo các quốc gia ASEAN thông qua sáng kiến Ngân hàng Đầu tư hạ tầng châu Á, Con đường Tơ lụa và Quỹ con đường tơ lụa.

 

Về kinh tế, tác giả bài báo đề xuất rằng Mỹ cần xem xét đưa ra thêm 2 sáng kiến: Thứ nhất, trong khi Hiệp định Xuyên Thái Bình Dương có tiềm năng mở ra một chương mới cho sự gắn kết về kinh tế của Mỹ đối với châu Á, thì Mỹ cần xây dựng một tuyến vận tải đường biển nhằm kết nối Mỹ với các cảng thương mại trong khu vực. Điều này thực sự quan trọng bởi gần 30% thương mại toàn cầu được chuyên chở qua khu vực Biển Đông mỗi năm, trong đó khoảng 1.200 tỷ USD giá trị hàng hóa là trao đổi bằng đường biển với Mỹ. Càng có nhiều tàu buôn của Mỹ giao dịch qua lại trên Biển Đông thì sự hiện diện của Mỹ sẽ gia tăng. Thứ hai, Mỹ cần hỗ trợ cho các công ty sản xuất dầu mỏ trong việc lập ra các liên doanh để khai thác dầu mỏ tại các vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của các nước có cùng tuyên bố chủ quyền, đặc biệt tại các khu vực nhạy cảm, nơi "đường 9 đoạn" vô căn cứ của Trung Quốc chồng lấn. Bằng cách làm như vậy, Mỹ không chỉ tăng cường tính liên kết với các nước trong khu vực mà còn làm suy yếu các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông. Các dự án khai thác nói trên là phù hợp với luật pháp quốc tế và quyền tài phán của các nước theo tinh thần của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

 

Về quân sự, nếu Bắc Kinh huy động các tàu cảnh sát biển và bán quân sự để thách thức các hoạt động khai thác của các công ty dầu khí Mỹ, Washington có thể đạt được đồng thuận của các nước có thể cùng lúc có thể triển khai lực lượng cảnh sát biển và hải quân, cả máy bay trên bầu trời để bảo vệ các lợi ích kinh tế. Mặc khác, điều này sẽ giúp Hải quân Mỹ tăng cường vị thế trong khu vực nhưng lại tránh được đối đầu bằng việc triển khai nhiều tàu chiến. Trên thực tế nếu làm như vậy, Mỹ sẽ giúp duy trì luật pháp quốc tế và khiến chính sách đường 9 đoạn trở nên vô giá trị và chứng minh nó (đường 9 đoạn) đi ngược lại tinh thần của UNCLOS. Để thực thi hóa mục tiêu nói trên, Lực lượng cảnh sát biển của Mỹ (USCG) cần được mở rộng hoạt động ở cấp độ hợp lý đủ để thực thi các nhiệm vụ trên Biển Đông bởi các tàu của USCG hiện đã kín lịch các sứ mệnh tuần tra trên cả một phạm vi rộng lớn là vùng đặc quyền kinh tế của Mỹ ở Bắc Cực.

 

Tóm lại, theo tác giả bài báo, nếu muốn chặn đứng sự bành trướng của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ cần mạnh mẽ, quyết đoán và ứng phó với tình hình một cách toàn diện hơn so với hiện nay.

 

Theo Diplomat

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi