Thứ tư, 02 Tháng 12 2015 10:55

Thổ Nhĩ Kỳ đã buộc các tàu Nga phải đợi nhiều giờ mới cho phép đi qua Eo biển Bosporus, kết quả là hàng chục tàu đã phải chờ để đi qua eo biển này. Điều dư luận đang quan tâm hiện nay là, nếu hai bên không ngừng trừng phạt – trả đũa thì kết cục sẽ đi tới đâu?

 

Tuần Việt Nam xin giới thiệu cuộc trò chuyện với PGS. TS Hoàng Anh Tuấn, Nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu chiến lược, Bộ Ngoại giao.

 

Tuần Việt Nam: Báo chí vừa đưa tin Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành "giam" các tàu Nga ở Eo biển Bosphore, ông bình luận gì về việc này?

 

PGS. Hoàng Anh Tuấn: Mấy ngày vừa qua một số hãng tin của Nga và Phương Tây đưa tin một số tàu hải quân và dân sự treo cờ Nga đã bị "làm khó dễ", phải đi đường vòng và chờ hàng giờ đồng hồ để làm thủ tục qua eo biển Bosphorus nối giữa Biển Đen và Địa Trung Hải vào đêm 28, sáng ngày 29/11/2015.

 

NguyCo.nhandao

Ảnh minh họa: panteres.com

 

Cần nhớ rằng, Thổ Nhĩ Kỳ đang quản lý hai eo biển hết sức quan trọng về chiến lược và kinh tế đối với Nga là Dardanell và Bosphorus. Đây là những yết hầu chặn đường ra duy nhất của Hạm đội Biển Đen Nga từ Biển Đen ra Địa Trung Hải. Và Quân cảng Sevastopol trên Bán đảo Crimea cũng là quân cảng nước ấm duy nhất của hải quân Nga và nếu bị "nhốt" trong Biển Đen thì sức mạnh hải quân Nga sẽ giảm khoảng 1/3.

 

Về mặt thương mại, toàn bộ hoạt động kinh tế khu vực Đông Nam của Nga sẽ bị ảnh hưởng nếu thông thương giữa biển đen với bên ngoài bị cắt đứt. Việc này diễn ra khi quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đột ngột trở nên căng thẳng sau khi máy bay F16 của Thổ Nhĩ kỳ bắn rơi chiến đấu cơ Su-24 của Nga ngay sát biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.

 

Tiếp đó, ngày 28/11, Tổng thống Putin đã ký sắc lệnh trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ với hàng loạt biện pháp từ việc hạn chế công dân hai nước du lịch, làm việc, đến cấm nhập khẩu một số nông sản từ Thổ Nhĩ Kỳ vào Nga.

 

Việc Thổ Nhĩ Kỳ "gây khó dễ" cho tàu Nga khi đi ra Địa Trung Hải từ Biển Đen qua hai eo biển Bosphorus và Dardanell mà nước này đang quản lý cho thấy:

 

Một, không chỉ Nga có khả năng gây phương hại với Thổ Nhĩ Kỳ về mặt kinh tế, mà Thổ Nhĩ Kỳ cũng có những con át chủ bài, có đủ khả năng gây phương hại cho Nga cả về kinh tế lẫn chiến lược.

 

Hai, nếu bị chặn đứt con đường biển huyết mạch này thì toàn bộ các hoạt động quân sự, hậu cần, tác chiến, hỗ trợ, chỉ huy... của Nga trong chiến dịch tiêu diệt khủng bố và bảo vệ chính quyền Al-Assad ở Syria sẽ bị ảnh hưởng.

 

Ba, việc làm của Thổ mới chỉ dừng lại ở mức "gây khó dễ", hàm ý Thổ Nhĩ Kỳ chỉ gửi đi lời cảnh báo, muốn giải quyết vấn đề với Nga thông qua con đường ngoại giao chứ không muốn làm quan hệ hai bên xấu thêm nữa.

 

Tuần Việt Nam: Theo luật tổ chức hàng hải quốc tế (thuộc LHQ) thì Thổ Nhĩ Kỳ không có quyền đơn phương đóng cửa eo biển này? Vậy tại sao họ dám làm?

 

PGS. Hoàng Anh Tuấn: Luật quốc tế mà chị đề cập ở đây chính là Công ước Montreux được các nước lớn và có lợi ích liên quan ký vào năm 1936.

 

Các điều khoản của Công ước Montreux khẳng định hai eo biển Bosphorus và Dardanelle nằm trên lãnh thổ của Thố Nhĩ Kỳ và nước này thực hiện quản lý để cho tàu bè dân sự và quân sự các nước được qua lại vô hại qua hai eo biển này (Điều từ 10-18).

 

Đáng chú ý là các quy định của Điều 20 và 21. Điều 20 ghi rõ: Trong thời kỳ chiến tranh và Thổ Nhĩ Kỳ là một bên tham chiến thì Chính quyền Thổ toàn quyền quyết định các điều từ 10-18, tức cho hay không cho tàu bè các nước qua lại. Còn điều 21 quy định, nếu Thổ Nhĩ Kỳ thấy có nguy cơ chiến tranh đe dọa trực tiếp thì có quyền áp dụng điều 21 của Công ước này.

 

Đáng chú ý, ngay từ sau năm 1936, Liên Xổ đã thấy sự vô lý của Công ước này và nhiều lần phản kháng với Thổ Nhĩ Kỳ và đề nghị triệu tập Hội nghị quốc tế để đàm phán và ký Công ước mới, nhưng Thổ Nhĩ Kỳ và các nước phương Tây không tán đồng cho đây là ý đồ của Liên Xô mở rộng ảnh hưởng ở Thổ Nhĩ Kỳ và Trung Đông.

 

Chẳng hạn, trong thời ky Chiến tranh thế giới II, Liên Xô yêu cầu Thổ không cho tàu của các nước Phát xít qua để tấn công Liên Xô từ phía Nam. Tuy nhiên, Thổ viện dẫn yêu tố trung lập đề bác lại yêu sách của Liên Xô. Trong tình hình hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ không thể đơn phương đóng cửa hai eo biển này đối với tàu Nga mà không có lý do "chính đáng".

 

Nếu Nga tiếp tục trừng phạt kinh tế và đẩy mạnh các hoạt động quân sự của Nga thì Thổ Nhĩ Kỳ có thể viện dẫn mình là nước "bị đe dọa chiến tranh" (theo điều 21) hoặc là bên tham chiến trong đối đầu với Nga (điều 21).

 

Từ đây, tình hình sẽ diễn ra theo bước ngoặt mới:

 

Một, nếu Thổ viện dẫn điều 20 và 21 thì có thể dẫn đến đối đầu với Nga và khi đó Nga cũng buộc tuyên chiến chính thức với Thổ. Nếu điều này xảy ra thì chiến tranh không chỉ lan rộng ở Syria, Trung Đông, mà còn có thể dân đến chiến tranh toàn diện và cả chiến tranh hạt nhân giữa Nga với NATO (do Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên của Tổ chức này).

 

Hai, tình hình có thể sẽ bớt phức tạp hơn nếu có sự can dự của Liên hợp quốc. Khi đó, với vai trò của mình Liên hợp quốc sẽ tuyên bố việc xác định Thổ Nhĩ Kỳ có phải là bên tham chiến hay bị đe dọa chiến tranh không chỉ do nước này muốn tuyên bố là được. Và 15 nước thành viên HĐBA sẽ bỏ phiếu và lúc đó tuyên bố của Thổ Nhĩ Kỳ chỉ thực sự có giá trị khi có 2/3 phiếu tán thành và không có phiều phủ quyết.

 

Tuần Việt Nam:Vậy Hải quân Nga còn cách nào tiếp cận Syria mà không phải sử dụng eo biển Bosphorus và Dardanell không?

 

PGS. Hoàng Anh Tuấn: Có. Trong trường hợp Eo biển Bosphorus và Dardanell bị đóng thì Nga vẫn có thể sử dụng Hạm Đội biển Bắc và Hạm Đội Ban Tích để hỗ trợ cho các hoạt động ở Syria bằng cách vượt qua eo biển Gibralta để tiến vào Địa Trung Hải.

 

Tuy nhiên, rủi ro là quãng đường di chuyển sẽ dài gấp 4-5 lần và khả năng phòng thủ ở các khu vực khác sẽ bị suy giảm đáng kể.

 

Tuần Việt Nam:Nếu hai bên không ngừng trừng phạt – trả đũa thì theo ông kết cục sẽ đi tới đâu?

 

PGS. Hoàng Anh Tuấn: Mặc dù Nga đã đưa ra một số biện pháp trừng phạt đối với Thổ Nhĩ kỳ, nhưng Tổng thống Putin vẫn chừa lĩnh vực xuất khẩu khí đốt từ Nga sang Thổ, vốn đem lại cho Nga 10 tỷ USD trong năm 2014, và chưa đụng đến hàng chế tạo từ Thổ Nhĩ Kỳ xuất sang Nga.

 

Nếu hành động trừng phạt đơn phương hoặc trả đũa lẫn nhau không chấm dứt thì sẽ tiến dần hoặc xảy ra đồng thời thử cả ba cấp độ sau:

 

- Các biện pháp leo thang và trừng phạt kinh tế sẽ tiếp diễn, song hành với các căng thẳng trong quan hệ ngoại giao như triệu hồi Đại sứ, rút bớt nhân viên Sứ quán.

 

- Có khả năng dẫn đến đụng độ quân sự quy mô nhỏ giữa hai nước tại Syria do hiện hai nước vừa chống IS, vừa tham chiến trực tiếp để ủng hộ các lực lượng đối nghịch nhau tại Syria.

 

- Thổ Nhĩ Kỳ phong tỏa Eo biển Bosphorus và Dardanell đối với Nga, Nga và Thổ cũng tiến hành trả đũa – phản trả đũa nhau trên quy mô lớn, kéo theo sự can dự của NATO. Và lúc này rất khó để có thể kiềm chế các hành động vượt tầm kiếm soát.

 

Trên đây là các kịch bản tồi tệ nhất có thể diễn ra. Nếu hai bên đều nhận thức được các nguy hiểm có thể xảy ra và có các biện pháp xuống thang kịp thời, thì điều này không chỉ tốt cho cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, tốt cho cuộc chiến chống IS, mà còn giúp đưa đến sự hợp tác trong việc giải quyết vấn đề Syria và các vấn đề khác.

 

Tuần Việt Nam: Xin trân trọng cám ơn PGS. TS Hoàng Anh Tuấn.

 

Theo Vietnamnet

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi