Thứ ba, 10 Tháng 11 2015 13:51

Câu hỏi đặt ra trong lúc này là nếu NLD giành đa số ghế trong Quốc hội và giành quyền kiểm soát chính phủ, ai sẽ đứng ra lãnh đạo quốc gia Đông Nam Á này trong thời gian tới? Bà Aung San Suu Kyi, lãnh đạo NLD, không thể làm tổng thống theo hiến pháp Myanmar.

 

Myanmar.nhandao

Bà Aung San Suu Kyi phát biểu trước những người ủng hộ ngày 9/11 (Ảnh: AFP)


Theo các kết quả kiểm phiếu mới được công bộ, vị trí dẫn đầu với tỷ lệ áp đảo của đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ đối lập (NLD), do bà Aung San Suu Kyi dẫn đầu, tiếp tục được củng cố, trong khi đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển cầm quyền (USDP) bị thất cử tại nhiều khu vực bầu cử quan trọng.

 

Cho tới sáng ngày 10/11, có 54 ghế trong tổng số 330 ghế bầu của Hạ viện đã được công bố. Trong đó đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ của bà Aung San Suu Kyi giành được 49 ghế, trong số đó có 24 ghế tại khu vực bầu cử Yangoon và 10 ghế tại Mandalay, còn đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển cầm quyền chỉ giành được 3 ghế; 2 ghế còn lại thuộc về 2 đảng thiểu số khác.

 

Các quan sát viên quốc tế nhận định Myanmar đã có kỳ bầu cử tự do, công bằng, công tác kiểm phiếu đang diễn ra một cách minh bạch. Theo Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar, kết quả bầu cử đầy đủ sẽ được công bố trong vòng 10 ngày hoặc lâu hơn.

 

Theo Hiến pháp Myanmar, trong số 440 ghế Hạ viện và 224 ghế Thượng viện, có 1/4 số ghế thuộc về quân đội mà không cần qua bầu cử. Điều này có nghĩa rằng, để giành đa số ghế tại hai viện quốc hội, Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ cần phải giành được ít nhất 67% số phiếu bầu. Hiện đảng này đang rất tự tin với khả năng sẽ giành hơn 70% phiếu ủng hộ để tự mình thành lập chính phủ mà không phải liên minh với đảng khác. Giới phân tích cho rằng mục tiêu thắng cử lần này sẽ chỉ là bước đi đầu tiên đối với đảng của bà San Suu Kyi hướng tới việc hoàn toàn nắm quyền.

 

Sau cuộc bầu cử, các thành viên mới đắc cử và những tướng lĩnh quân đội trong Quốc hội được lựa chọn sẽ đề xuất 3 ứng cử viên và chọn ra 1 người trở thành tổng thống. Hai người còn lại sẽ trở thành phó tổng thống. Cuộc bỏ phiếu đó sẽ không được diễn ra trước tháng 2/2016.

 

Tuy nhiên, theo hiến pháp Myanmar sửa đổi, bà Suu Kyi không thể tranh cử tổng thống bởi bất cứ ai có vợ hoặc chồng hoặc con cái mang quốc tịch nước ngoài sẽ không được nắm quyền tổng thống. Do vậy, việc người chồng quá cố của bà và các con trai cũng mang quốc tịch Anh bị coi là "rào cản" với bà Suu Kyi.

 

Trong một tuyên bố hôm thứ Năm tuần trước, bà Suu Kyi cho biết sẽ điều hành đất nước ở vị trí "còn cao hơn tổng thống". Đây được coi là thông điệp ám chỉ về khả năng bà Suu Kyi chọn một "tổng thống được ủy nhiệm", qua đó điều hành gián tiếp đất nước.

 

Theo một số chuyên gia phân tích, trong danh sách ứng viên cho vị trí tổng thống Myanmar sắp tới có ông Tin Myo Win, bác sĩ riêng của bà Suu Kyi nhiều năm qua. Ông Tin Myo Win, một thành viên trung thành của Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ, là người từng được phép tới thăm bà Suu Kyi trong quãng thời gian bà bị quản thúc tại nhà. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên trang tin tức Irrawaddy của Myanmar, ông Tin Myo Win cho biết sẵn sàng nhận lời làm tổng thống vì "vận mệnh của đất nước".

 

Ngoài ra, Chủ tịch Quốc hội Myanmar, ông Thura U Shwe Man, cũng được đánh giá là một ứng cử viên tổng thống tiềm tàng. Theo đó, dù từng là thành viên của đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển cầm quyền nhưng ông Shwe Mann đã bị cách chức Chủ tịch đảng này từ tháng 8 vừa qua do đã tích cực hợp tác với bà Suu Kyi. Ông Shwe Mann cũng từng khiến giới quân đội không hài lòng khi ủng hộ đề xuất cải cách hiến pháp nhằm hạn chế quyền lực của quân đội với chính trị, được đưa ra trong cuộc họp hồi tháng Sáu.

 

Nhân vật thứ 3 được nhắc đến cho vị trí Tổng thống Myanmar trong thời gian tới là ông Tin Oo, cựu tổng tham mưu trưởng quân đội Myanmar và hiện giữ chức Chủ tịch đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ. Tuy nhiên, nhân vật xuất hiện liên tục bên bà Suu Kyi trong thời gian qua nay đã 88 tuổi.

 

Ba ứng viên trên nhiều khả năng sẽ chỉ điều hành Myanmar trong thời gian chính phủ do Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ kiểm soát sửa đổi Hiến pháp để mở đường cho bà Suu Kyi trở lại nắm quyền. Đây là lời khẳng định của ông Win Htein, một quan chức cấp cao của Đảng Liên minh Quốc gia vì dân chủ và là cố vấn thân cận của bà Suu Kyi, trong cuộc phỏng vấn với hãng Reuters hôm 7/11.

 

"Bà Suu Kyi có thể trở thành một Sonia Gandhi của Myanmar. Chúng tôi sẽ bổ nhiệm một tổng thống, người sẽ nhận được sự ủy nhiệm từ bà Suu Kyi. Sau đó, vị tổng thống đấy sẽ từ chức ngay khi hiến pháp được sửa đổi để bà Suu Kyi lên nắm quyền", ông Win Htein tuyên bố.

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi