Ngày 30/10, 17 nước tham gia Hội nghị đa phương mở rộng về Syria đã ra tuyên bố chung kêu gọi các bên liên quan thực hiện lệnh ngừng bắn trên toàn lãnh thổ Syria, nối lại hòa đàm do Liên hợp quốc làm trung gian, để Syria có thể tiến hành các cuộc bầu cử mới.
Các ngoại trưởng tham gia hội nghị về Syria tại Vienna, Áo (Ảnh: AFP)
Trong tuyên bố chung đưa ra sau hội nghị ở thủ đô Vienna (Áo) với sự tham dự lần đầu tiên của Iran, các bên khẳng định tuy còn những bất đồng lớn nhưng cần đẩy nhanh nỗ lực ngoại giao để chấm dứt cuộc chiến ở Syria.
"Các nước tham gia đàm phán đã đề nghị LHQ tập hợp các đại diện của chính quyền Syria và phe đối lập nhằm khởi động một tiến trình chính trị dẫn đến một chính quyền đáng tin cậy, đa đại diện, phi giáo phái, sau đó là một bản hiến pháp mới và các cuộc bầu cử", tuyên bố viết.
Phát biểu tại họp báo sau hội nghị, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết ông cùng 2 người đồng cấp của Nga và Iran không thể đạt được nhất trí về tương lai của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Cụ thể, Washington tiếp tục giữ quan điểm cho rằng việc ông Assad từ bỏ quyền lực sẽ góp phần mở đường cho một thỏa thuận chấm dứt nội chiến và đánh bại tổ chức "Nhà nước Hồi giáo" (IS) tự xưng.
Tuy nhiên, cả Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif đều phản đối quan điểm này.
Theo người đứng đầu ngành ngoại giao Nga, do hội nghị đa phương không đạt được thỏa thuận về số phận của ông Assad nên người dân Syria sẽ quyết định tương lai nhà lãnh đạo này.
Dự kiến, các bên sẽ nối lại đàm phán trong 2 tuần tới để thảo luận về việc thiết lập chính phủ chuyển tiếp ở Syria, tiến hành các cuộc bầu cử mới và thực thi lệnh ngừng bắn để chấm dứt nội chiến.
Ngoại trưởng Nga hối thúc hợp tác quân sự nhiều hơn với Mỹ
Phát biểu sau cuộc họp đa phương về Syria diễn ở thủ đô Vienna của Áo, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác quân sự với Mỹ trong bối cảnh Washington vừa quyết định triển khai lực lượng đặc nhiệm đến Syria.
Ngoại trưởng Lavrov cho rằng việc Mỹ quyết định triển khai lực lượng đặc nhiệm tới Syria sẽ khiến cho việc hợp tác giữa các lực lượng vũ trang hai nước trở nên quan trọng hơn.
"Tôi tin tưởng rằng cả Mỹ và Nga đều không muốn (cuộc xung đột) trở thành cái gọi là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm", người đứng đầu ngành ngoại giao Nga nói với các phóng viên. "Nhưng rõ ràng đối với tôi, tình hình hiện nay khiến cho việc hợp tác giữa hai quân đội trở nên cần thiết hơn".
Ông cũng nói quá trình thảo luận về một lệnh ngừng bắn trong cuộc nội chiến ở Syria sẽ được tiếp tục và cuộc chiến chống các nhóm khủng bố sẽ không dừng lại.
Trước đó, tại cuộc họp đa phương, đại diện của 17 nước tham gia thảo luận đã đạt được nhất trí về việc thúc đẩy các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt cuộc chiến đã kéo dài hơn 5 năm qua ở Syria, trong đó có việc thực thi một lệnh ngừng bắn toàn quốc, tiến hành các cuộc bầu cử và thành lập một nhà nước thế tục thống nhất.
Tuy nhiên, trong cuộc đàm phán đa phương lần đầu tiên có sự tham dự của Iran, đồng minh thân cận nhất của Syria ở Trung Đông, các bên vẫn không đi tới nhất trí về tương lai chính trị của Tổng thống Syria Bashar al-Assad. Mỹ cho rằng việc ông Assad ra đí sẽ mở đường cho một thỏa thuận chấm dứt nội chiến và đánh bại IS. Tuy nhiên, cả Nga và Iran đều bác bỏ quan điểm này.
Theo Dân trí
Tin mới
- Sẽ có đụng độ vũ trang trên Biển Đông, nếu... - 01/11/2015 04:02
- Hải quân Mỹ-Nhật lần đầu tập trận chung trên Biển Đông - 01/11/2015 01:35
- Những hình ảnh đầu tiên về hiện trường vụ rơi máy bay Nga - 01/11/2015 01:31
- Nhật Bản hạ thủy tàu rà quét mìn hiện đại - 31/10/2015 08:03
- Hộp đêm phát nổ, thương vong hơn 170 người - 31/10/2015 03:55
Các tin khác
- Mỹ sẽ triển khai lính đặc nhiệm tới Syria - 31/10/2015 01:59
- Toà có thể phán quyết về vụ kiện 'đường lưỡi bò' vào giữa năm sau - 31/10/2015 01:24
- Thủ tướng Đức kêu gọi đưa vấn đề Biển Đông ra tòa án quốc tế - 30/10/2015 09:02
- Trung Quốc bãi bỏ chính sách 1 con - 30/10/2015 02:38
- Tòa quốc tế sẽ xét xử vụ Philippines kiện Trung Quốc ở Biển Đông - 30/10/2015 02:29