Thứ tư, 21 Tháng 10 2015 13:51

Đối mặt với nền kinh tế có dấu hiệu chững lại nhưng mong muốn tăng cường ảnh hưởng tới quốc tế vẫn tăng lên, Trung Quốc đang tìm cách tiếp cận mới để giải quyết vấn đề này. Đó là tàu cao tốc.

 

CaoToc1.nhandao

Hệ thống đường sắt cao tốc tại thành phố Vũ Hán (Ảnh NBC)


Kể từ khi bắt đầu hệ thống đường sắt cao tốc cách đây 12 năm, "gã khổng lồ châu Á" đã xây dựng được khoảng 16.000 km đường ray cho tàu cao tốc trong nước này, dài hơn cả mạng lưới đường sắt cao tốc trên toàn thế giới và đủ nối thẳng để đi từ New York tới Hawaii và ngược lại.

 

Giờ đây, với công nghệ và kinh nghiệm phát triển hệ thống này, Trung Quốc đang cố gắng bảo vệ vị thế của một trong những quốc gia dẫn đầu trong lĩnh vực đường sắt cao tốc.

 

Mới đây, "sức mạnh" của đường sắt cao tốc Trung Quốc đã tác động tới Mỹ. Tập đoàn đường sắt Trung Quốc, đơn vị lớn nhất thế giới dựa trên doanh thu, đã đạt được thỏa thuận xây dựng đường sắt cao tốc từ Los Angeles tới Las Vegas hồi tháng trước.

 

Tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có chuyến thăm chính thức Vương quốc Anh kéo dài 4 này. Đây là thời điểm Anh đang rất quan tâm tới dự án đường sắt cao tốc High Speed 2 nối giữa thủ đô London và các thành phố ở phía Bắc.

 

Trung Quốc, quốc gia có nền kinh tế có dấu hiệu chững lại sau sáu năm phát triển nhanh chóng, rõ ràng là cũng muốn tận dụng các lợi ích kinh tế khi xây dựng các tuyến đường sắt cao tốc ở nước ngoài.

 

Những thỏa thuận thời gian qua giữa Trung Quốc và Anh, ví dụ như việc London đề nghị Bắc Kinh tham gia thiết kế và xây dựng các lò phản ứng hạt nhân ở Hinkley, cho thấy quốc gia Đông Bắc Á có khả năng giành được dự án High Speed 2, qua đó cụ thể hóa cái gọi là "quyền lực mềm" bằng đường sắt cao tốc.

 

Khi tham gia quá trình mở thầu cho đề nghị 18 tỷ USD cho hợp đồng dự án High Speed 2 của Trung Quốc hồi tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Anh George Osborne đã tuyên bố hai nước đang bước vào "kỷ nguyên vàng của hợp tác".

 

Và trong chuyến thăm chính thức Anh đầu tiên của một nhà lãnh đạo Trung Quốc trong mười năm qua, Chủ tịch Tập Cận Bình cùng phu nhân đã được mời tới Cung điện Buckingham và dự yến tiệc do Nữ hoàng Elizabeth II chủ trì.

 

"Chủ tịch Tập Cận Bình đang được chào đón ở Anh. Đó là cả một sự kiện do Hoàng gai tổ chức. Đây rõ ràng là một thỏa thuận lớn với Chủ tịch Tập Cận Bình và chính phủ Trung Quốc", Giáo sư Michal Meidan, giảng viên tại Viện nghiên cứu Chatham House nhận xét.

 

Trong quá khứ, Trung Quốc từng có thời gian dài lép vế trước công nghệ sản xuất tàu cao tốc của Nhật Bản, quốc gia đã bắt đầu thử nghiệm hệ thống đường sắt cao tốc từ năm 1964.

 

Tuy nhiên, Trung Quốc đã có bước phát triển vượt bậc trong 10 năm qua. Mới đây, nước này đã đánh bại Nhật Bản để giành được gói thầu xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc đầu tiên cho Indonesia và cũng là quốc gia nước ngoài có công ty đầu tiên tham gia phát triển loại phương tiện này ở Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái.

 

Theo tờ China Times, ngành công nghiệp đường sắt của Trung Quốc đang bước vào quá trình đàm phán xây dựng với khoảng 30 quốc gia, với tổng đầu tư cho các dự án đường sắt cao tốc lên tới 470 tỷ USD.

 

Báo trên khẳng định những bước phát triển của đường sắt Trung Quốc đóng vai trò rất quan trọng trong bối cảnh phát triển kinh tế chung của nước này, đặc biệt là những gì liên quan tới hợp đồng xây dựng hệ thống đường sắt cao tốc nối Los Angeles và Las Vegas.

 

"Mỹ chưa bao giờ chấp nhận một thương vụ xây dựng lớn và công nghệ cao từ quốc gia đang phát triển như thế", ông Gary Wong, chuyên gia phân tích tại Tập đoàn đầu tư Guotai Junan của Trung Quốc, nhận định.

 

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, lợi thế của Trung Quốc là giá thành sản xuất các hệ thống đường sắt cao tốc có chi phí bằng một phần ba so với các nước khác.

 

Trong thông báo, ông Gerald Ollivier, chuyên gia phân tích cấp cao về vận tải của Ngân hàng Thế giới, cho biết Trung Quốc đã đạt được "thành tích đáng nể" khi xây dựng được hệ thống đường sắt cao tốc hơn bất cứ quốc gia nào trên thế giới mà lại có chi phí xây dựng rẻ.

 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến quan ngại về khả năng thành công trong tham vọng "tấn công châu Âu" bằng hệ thống đường sắt cao tốc của Trung Quốc.

 

"Trung Quốc có thể đang có màn trình diễn xuất sắc nhất trong lĩnh vực đường sắt cao tốc song tôi nghi ngờ về một tương lai tươi sáng cho đường sắt cao tốc mà nước này xây dựng ở châu Âu. Trung Quốc có thể không lo ngại trước sự cạnh tranh song tôi lo rằng châu Âu có thể tìm các biện pháp để bảo vệ thị trường của họ. Đừng quên rằng tập đoàn Siemens của Đức và tập đoàn Alstom của Pháp cũng đã bỏ thầu tham gia dự án High Speed 2", ông Zhao Jing, Giáo sư chuyên ngành vận tải tại Đại học Beijing Jiatong.

 

Theo NBC

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi