Thứ tư, 24 Tháng 1 2024 05:54

Cuộc chiến toàn cầu chống bệnh sốt rét vừa ghi nhận một bước tiến lớn với việc Cameroon triển khai chương trình tiêm vaccine định kỳ đầu tiên trên thế giới để phòng ngừa căn bệnh do muỗi truyền này. Dự kiến, chương trình này sẽ giúp ngăn ngừa hàng chục nghìn ca tử vong ở trẻ em mỗi năm trên khắp châu Phi.

Bước tiến lớn trong cuộc chiến toàn cầu chống sốt rét- Ảnh 1.

Sau các cuộc thử nghiệm thành công tại một số nước như Ghana và Kenya, Cameroon là nước đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng định kỳ - Ảnh: Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa sốt rét cho trẻ em tại Cape Coast, Ghana 

Loại vaccine được sử dụng là RTS,S (Mosquirix) của hãng dược GlaxoSmithKline (GSK, trụ sở ở Anh).

Đây là một trong 2 loại vaccine sốt rét được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến nghị. WHO khuyến cáo sử dụng vaccine này để phòng ngừa sốt rét do Plasmodium falciparum (loại ký sinh trùng sốt rét nguy hiểm nhất toàn cầu và rất phổ biến ở châu Phi), tiêm 4 liều theo lịch cho trẻ từ 5 tháng tuổi.

Trong 40 năm qua, vaccine RTS,S đã được triển khai cùng với các công cụ như màn chống muỗi để chống lại bệnh sốt rét. 

Sau các cuộc thử nghiệm thành công tại một số nước như Ghana và Kenya, Cameroon là nước đầu tiên triển khai chương trình tiêm chủng định kỳ. 

Theo liên minh vaccine toàn cầu Gavi, 19 quốc gia khác cũng đặt mục tiêu thực hiện chương trình tương tự trong năm nay. Chương trình tiêm phòng sốt rét giai đoạn 2024-2025 sẽ nhắm đến khoảng 6,6 triệu trẻ em tại các nước này.

Theo WHO, trong những năm gần đây, đại dịch COVID-19, tình trạng kháng thuốc gia tăng và nhiều vấn đề khác đã cản trở các nỗ lực chống bệnh sốt rét, khiến số ca mắc bệnh sốt rét năm 2022 tăng khoảng 5 triệu ca so với năm trước đó. Tại châu Phi, sốt rét là căn bệnh cướp đi sinh mạng của gần 500.000 trẻ em dưới 5 tuổi mỗi năm.

Hiện có hơn 30 quốc gia châu Phi muốn triển khai vaccine nói trên, trong khi mối lo ngại về nguồn cung hạn chế đã giảm đi kể từ khi WHO khuyến nghị vaccine thứ hai phòng sốt rét vào năm 2023. WHO cho biết vacicne thứ hai - R21 - dự kiến sẽ bảo đảm đủ nguồn cung để đáp ứng nhu cầu cao của người dân. Theo Gavi, vaccine do Đại học Oxford bào chế này khả năng sẽ được triển khai trong tháng 5 hoặc 6 tới./.

 

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi