Thứ năm, 02 Tháng 3 2023 13:32

Nạn ô nhiễm rác thải nhựa sử dụng một lần không thể phân hủy hoặc khó phân hủy - còn gọi là "ô nhiễm trắng" - đang trở thành vấn đề cấp thiết toàn cầu và được xem là thách thức môi trường lớn thứ hai thế giới, sau biến đổi khí hậu. 

 

Nguy cơ từ loại "than đá mới"

Nhựa được ví như loại "than đá mới" do những tác động về môi trường mà nó gây ra. Ngày càng trở nên phổ biến do tính ứng dụng cao và độ tiện lợi, nhựa sử dụng một lần là yếu tố góp phần khiến khủng hoảng khí hậu càng trở nên trầm trọng do đặc tính không thể phân hủy trong tự nhiên.

Tổ chức Beyond Plastics cho biết, quá trình sản xuất nhựa tiêu tốn nhiều năng lượng đến mức nếu ngành công nghiệp nhựa là một quốc gia thì nó sẽ là quốc gia phát thải khí nhà kính lớn thứ 5 trên thế giới. Theo báo cáo của Beyond Plastics, ngành công nghiệp nhựa phát thải ít nhất 232 triệu tấn khí nhà kính mỗi năm, tương đương với lượng phát thải trung bình của 116 nhà máy nhiệt điện than vào năm 2020. Kể từ khâu sản xuất cho đến khi kết thúc vòng đời, nhựa sử dụng một lần luôn phát thải khí nhà kính, do đó các nhà môi trường cho rằng "cái giá phải trả" đối với khí hậu do sử dụng nhựa sẽ là quá đắt. 

Thế giới đối mặt khủng hoảng 'ô nhiễm trắng' - Ảnh 1.

Hình ảnh đáng kinh ngạc núi nhựa chai tại đảo Maldives. Nguồn: Internet

Tuy nhiên, việc tái chế nhựa dường như không đạt hiệu quả vì đa số rác thải nhựa cuối cùng vẫn bị chất đống ở các bãi rác, trong khi mọi kế hoạch tái chế đều không thể giải quyết được lượng khí phát thải từ khâu sản xuất. Trong khi đó, số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) cho thấy, mỗi năm chỉ khoảng 9% rác thải nhựa được tái chế trên toàn thế giới.

Riêng tại Bắc Cực, Viện Alfred Wegener của Đức cho hay, rác thải nhựa ở khu vực này có nguồn gốc từ khắp nơi trên thế giới, cụ thể là có tới 1/3 số rác thải nhựa vẫn còn các dấu hiệu hoặc nhãn mác đến từ châu Âu. Dựa trên thực tế này, Viện đưa ra kết luận "ngay cả các quốc gia công nghiệp phát triển thịnh vượng, có khả năng quản lý rác thải tốt hơn những quốc gia khác, cũng góp phần đáng kể vào sự ô nhiễm của các hệ sinh thái xa xôi như Bắc Cực".

Theo các kết quả nghiên cứu, sản lượng sản phẩm nhựa dùng một lần gây ô nhiễm môi trường đã tăng 6 triệu tấn mỗi năm trong giai đoạn 2019-2021, bất chấp các quy định khắt khe hơn trên toàn thế giới, khi các nhà sản xuất đạt được "rất ít tiến bộ" trong việc giải quyết ô nhiễm và thúc đẩy tái chế. Thực trạng tiêu thụ đồ nhựa sử dụng một lần trên thế giới đang ngày càng đặt ra các mối đe dọa cấp bách đối với môi trường, với lượng rác khổng lồ được chôn tại các bãi chôn lấp hoặc bị đổ trực tiếp không qua xử lý ra các con sông và đại dương. Quá trình sản xuất nhựa dùng một lần cũng là nguồn chính phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính - nguyên nhân gây ra hiện tượng Trái Đất nóng lên. Quỹ Minderoo của Australia cảnh báo cuộc khủng hoảng rác thải nhựa sẽ trở nên nghiêm trọng hơn trước khi lượng tiêu thụ nhựa nguyên chất dùng một lần trên toàn cầu giảm trên cơ sở hằng năm. Quỹ này nhận định sản lượng sản phẩm nhựa sử dụng một lần được sản xuất từ nhiên liệu hóa thạch trong năm 2021 đạt khoảng 137 triệu tấn và dự kiến sẽ tăng thêm 17 triệu tấn vào năm 2027.

Thế giới đối mặt khủng hoảng 'ô nhiễm trắng' - Ảnh 2.

Rác thải nhựa tràn ngập tại hồ Suchitlan ở El Salvador. 

Cần một nỗ lực toàn cầu 

Ước tính đến năm 2050, lượng nhựa ở biển có thể nhiều hơn cả cá, Liên hợp quốc (LHQ) đang nỗ lực đàm phán một thỏa thuận ràng buộc toàn cầu để kiểm soát ô nhiễm nhựa. Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres tuyên bố: "Hóa chất độc hại và hàng triệu tấn rác thải nhựa đang tràn vào các hệ sinh thái ven biển, giết chết hoặc làm bị thương cá, rùa biển, chim biển và động vật có vú ở biển, xâm nhập vào chuỗi thức ăn và chúng ta là điểm tiêu thụ cuối cùng".

Có một thực tế rằng trong khi thế giới đã ý thức được việc cắt giảm dần sử dụng năng lượng từ than đá - nhiên liệu hóa thạch gây ô nhiễm nhất, thì việc sử dụng nhựa có thể sẽ còn tồn tại lâu dài, trừ khi con người cắt giảm đáng kể việc tiêu thụ. Tuy nhiên, có nhiều ý kiện cho rằng ngay cả khi các biện pháp tiềm năng nhất về giảm tiêu thụ nhựa được triển khai cũng không ngăn chặn được sự gia tăng đáng kể trong sản xuất và sử dụng nhựa.

Thế giới đối mặt khủng hoảng 'ô nhiễm trắng' - Ảnh 3.

Các tình nguyện viên tham gia sự kiện làm sạch môi trường dọc khu vực bờ biển của Vịnh Manila, Philippines. 

Các nhà bảo vệ môi trường đã đưa ra một số khuyến nghị để đảm bảo hạn chế sử dụng nhựa, như nói "Không" với dao dĩa bằng nhựa, hạn chế tiêu thụ các loại nước đóng chai, sử dụng các túi mua hàng bằng giấy hoặc vải, lựa chọn các sản phẩm đóng gói bằng giấy thay vì nhựa… Song song với đó, nhiều tổ chức đang nỗ lực thúc đẩy việc thông qua các dự luật giúp hạn chế sử dụng nhựa dùng một lần, theo đó tạo ra những thay đổi ở cấp quốc gia. Nhiều nước trên thế giới cũng công bố các chính sách nhằm thắt chặt sử dụng chất liệu này. Tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng thế giới vẫn cần thay đổi trên quy mô lớn để có thể xử lý triệt để các tác động môi trường do ngành công nghiệp nhiên liệu hóa thạch và nhựa gây ra.

Trong bối cảnh các chính phủ và tổ chức đều coi cuộc khủng hoảng "ô nhiễm trắng" là một vấn đề vô cùng cấp bách, cần đến các giải pháp có ảnh hưởng lớn, giới chuyên môn nhận định chỉ có một hiệp ước táo bạo và đầy tham vọng của LHQ với những cải cách sâu rộng liên quan toàn bộ vòng đời của nhựa mới có thể ngăn chặn cuộc khủng hoảng "ô nhiễm trắng" trên thế giới.

Năm 2022, 175 quốc gia đã nhất trí chấm dứt cuộc khủng hoảng ô nhiễm nhựa thông qua việc xây dựng một hiệp ước mang tính ràng buộc của LHQ, dự kiến có thể ra đời vào cuối năm 2024. Theo đó, ba cách tiếp cận về mặt chính sách đang được thảo luận tại các cuộc đàm phán của LHQ, đề cập toàn bộ vòng đời của nhựa, từ khâu sản xuất cho đến khi bị thải bỏ. Những biện pháp chủ chốt đang được đề cập hiện nay là lệnh cấm sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, cơ chế phạt tài chính đối với hành vi gây ô nhiễm và thu thuế đối với hoạt động sản xuất nhựa. Theo chuyên gia Gillian Parker, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ và người tiêu dùng có thể sẽ phản đối một số hoặc tất cả các biện pháp trên. Tuy nhiên, với các biện pháp mang tính ràng buộc và thực thi đúng đắn, cũng như những sự khuyến khích về kinh tế, ô nhiễm nhựa là "vấn đề có thể giải quyết được".

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi