Thứ ba, 18 Tháng 5 2021 06:46

húng ta đang trong năm đại dịch COVID-19 thứ hai và năm 2021 dự kiến chết chóc hơn nhiều so với năm trước" – trích phát biểu của Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus.

 

Các ca bệnh tiếp tục gia tăng mạnh trên toàn cầu 

Theo cảnh báo mới nhất của các quan chức của WHO, năm 2021 sẽ là một năm "nguy hiểm hơn nhiều" đối với COVID-19, vì các ca bệnh bắt đầu gia tăng trên toàn cầu.

“Nạn nhân” mới nhất của COVID-19 là Nhật Bản. Nước này đã phải mở rộng hơn nữa tình trạng khẩn cấp về virus corona từ 6 khu vực, bao gồm cả Tokyo, lên thành 9 khu vực, trong khi Thủ tướng Yoshihide Suga vẫn lặp lại quyết tâm tổ chức Thế vận hội Olympic Tokyo chỉ trong hơn hai tháng tới. Tình trạng lây nhiễm COVID-19 đang gia tăng nhanh chóng ở các khu vực đông dân cư tại Nhật Bản.

Các nhà virus học cảnh báo rằng Malaysia có thể trở thành nơi bùng phát và lây lan một số biến thể "siêu lây nhiễm" của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, các biến thể này hiện vẫn chưa được các cơ quan y tế nước này chú ý đến. Singapore bất ngờ mức ca nhiễm theo ngày cao nhất từ giữa tháng 9/2020 tới nay trong bối cảnh đảo quốc sư tử áp dụng trở lại các biện pháp kiểm soát dịch khắt khe. Các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malaysia vẫn ghi nhận ca nhiễm mới ở mức 4 con số.

Dữ liệu mới cho thấy số người chết vì COVID-19 trong ngày ở Ấn Độ vẫn ở mức cao nhất thế giới với hơn 4 nghìn trường hợp tử vong mới được ghi nhận. Những nước gần đó như Nepal, Sri Lanka và Maldives, đang chứng kiến số ca mắc COVID-19 gia tăng mạnh. Tình hình tương tự cũng đang diễn ra ở những nước xa hơn như Argentina và Brazil….

 

Cán cân vắc xin nghiêng lệch

Ông Tedros lên tiếng về việc các nước giàu bắt đầu tiêm chủng vắc xin COVID-19 cho người ở độ tuổi thanh thiếu niên, trong khi nhiều nước thu nhập thấp đến nay mới chỉ nhận được số vắc xin nhỏ giọt. "Hồi tháng 1, tôi đã cảnh báo về nguy cơ thảm họa đạo đức xảy ra. Không may, chúng ta lúc này đang chứng kiến thảm kịch ấy. Ở một số nước giàu, những nước đã mua phần lớn nguồn cung vắc xin, những người ít có nguy cơ hiện được tiêm vắc xin" - ông Tedros nói.

"Tôi hiểu tại sao một số quốc gia muốn tiêm chủng cho trẻ em và thanh thiếu niên của họ, nhưng ngay bây giờ tôi kêu gọi họ xem xét lại và thay vào đó tài trợ vắc xin cho COVAX. Lúc này ở các nước thu nhập thấp và trung bình thấp, nguồn cung vắc xin thậm chí không đủ để miễn dịch cho nhân viên y tế, trong khi các bệnh viện quá tải số người cần chăm sóc " – ông Tedros kêu gọi.

Chương trình COVAX do WHO khởi xướng tới nay mới chỉ phân phát được 60 triệu liều vắc xin COVID-19, cách xa mục tiêu ban đầu. COVAX hiện gặp khó trong tiếp cận nguồn cung vắc xin, sau khi Ấn Độ - nhà cung cấp chủ yếu của COVAX - ngừng xuất khẩu vắc xin AstraZeneca bởi cuộc khủng hoảng trong nước. Hiện tại, khoảng 44% trong tổng số 1,4 tỉ liều vắc xin ngừa COVID-19 đã được tiêm ở những nước có thu nhập cao, chiếm 16% dân số toàn cầu. Chỉ 0,3% liều vắc xin đã được tiêm ở 29 quốc gia có thu nhập thấp nhất, chiếm 9% dân số thế giới.

Theo một nghiên cứu của Công ty Airfinity (Anh), 7 quốc gia giàu nhất thế giới và các nước thành viên EU có thể giúp thu hẹp khoảng cách về vắc xin trên thế giới bằng cách chia sẻ chỉ 20% dự trữ vắc xin của mình trong tháng 6, 7 và 8 cho COVAX.

Ngày 17/5, Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết Nhóm các nước công nghiệp hàng đầu thế giới (G7) và Liên minh châu Âu có khả năng viện trợ hơn 150 triệu liều vắc xin ngừa COVID-19 cho những nước đang thiếu vắc xin mà không ảnh hưởng tới mục tiêu tiêm chủng của mình.  Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore nêu rõ: "Các nước (G7 và EU) có thể làm được việc này trong khi vẫn hoàn tất cam kết tiêm chủng cho dân số nước mình". 

UNICEF kêu gọi G7 và EU cần nhanh chóng chia sẻ vắc xin cho đến khi đạt được mô hình sản xuất vắc xin bền vững. UNICEF nêu rõ: "Việc chia sẻ ngay lượng vắc xin dư thừa có sẵn là biện pháp tối thiểu, quan trọng và cấp thiết nhằm chấm dứt khoảng cách về vắc xin và cần được làm ngay".

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi