|
Ông Trung (đeo kính, hàng đầu) và các bị cáo tại tòa. Ảnh: Hải Duyên |
Ông Hồ Đăng Trung (62 tuổi, nguyên giám đốc Agribank Chi nhánh 6 - Ngân hàng Nông nghiệp và phát triển nông thôn) cùng 4 thuộc cấp bị TAND TP HCM đưa ra xét xử do mắc hàng loạt sai phạm, làm thất thoát gần 1.000 tỷ đồng. Đến tòa trong đồng phục áo xanh của trại giam, các bị cáo đều tỏ ra bình tĩnh, riêng ông Trung có vẻ suy sụp.
Ngoài ông Trung, bị cáo Hồ Văn Long (nguyên trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh 6) và ba cựu cán bộ khác của đơn vị này là Trương Quốc Bảo, Trương Nhật Quang và Nguyễn Hoàng Quốc Thụy bị cáo buộc về tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng.
Bị cáo Dương Thanh Cường, Thái Cường (nguyên tổng giám đốc và giám đốc Công ty TNHH đầu tư xây dựng Tấn Phát) cùng Lê Sơn Hùng, Phạm Hoàng Thọ (đều là nguyên phó giám đốc Công ty TNHH sản xuất xây dựng thương mại Thanh Phát) bị truy tố tội Lừa đảo và Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng của Agribank Chi nhánh 6.
Liên quan đến vụ án, các bị cáo Lê Thành Công (nguyên tổng giám đốc Công ty Dệt kim Đông Phương), Đỗ Trọng Nhân (nguyên giám đốc Công ty TNHH Siêu mẫu Việt) phạm các tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.
Đây là một trong 8 đại án được Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống tham nhũng đề nghị đưa ra xét xử trước Đại hội Đảng lần thứ XII. Chủ toạ phiên toà là Phó Chánh toà Hình sự - Thẩm phán Vũ Phi Long. Khoảng hơn 20 luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo và bảo vệ quyền lợi cho các đương sự.
|
Bị cáo Dương Thanh Cường bị tuyên phạt tù chung thân về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong vụ án khác. Ảnh: Hải Duyên. |
Cáo trạng xác định, năm 2007, Công ty Đông Phương hợp tác với các công ty của Dương Thanh Cường xây dựng dự án Trung tâm thương mại, dịch vụ và chung cư cao tầng trên nền đất hơn 17.000 m2 tại số 10, đường Âu Cơ (quận Tân Phú, TP HCM).
Để có tiền thực hiện phi vụ làm ăn này, Dương Thanh Cường đặt vấn đề với giám đốc Trung về việc vay vốn. Được ông này đồng ý, tháng 9/2007, Thanh Cường chỉ đạo cấp dưới lập hồ sơ vay, tài sản thế chấp là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại số 10 Âu Cơ và trụ sở công ty của Cường tại 44 An Dương Vương, quận 8.
Ông Trung giao cho Long cùng các nhân viên tín dụng thực hiện việc thẩm định. Dù biết dự án chưa được phê duyệt, tài sản thế chấp lô đất số 10 Âu Cơ là giấy chứng nhận tạm thời, không đủ điều kiện thế chấp cho vay... Trung và thuộc cấp vẫn ký duyệt cho công ty của Cường 170 tỷ đồng. Do hạn mức phân quyền của chi nhánh chỉ được phép cho vay tối đa 80 tỷ nên để hợp thức hóa khoản vay của Cường, Trung đã sử dụng mức phân quyền cho vay của dự án khác.
Một tháng sau đó, Cường tiếp tục chỉ đạo cho cấp dưới lập hồ sơ vay của Agribank 628 tỷ đồng để thực hiện dự án khu biệt thự nhà vườn Thanh Phát tại xã Phong Phú, huyện Bình Chánh. Tài sản thế chấp là 23 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà Cường thu mua của người dân trong quá trình giải phóng mặt bằng cho dự án trên cùng với 3 bất động sản khác.
Tương tự, dự án lần này của Cường cũng chưa được cấp phép, tài sản thế chấp chưa sang tên công ty của Cường nhưng lãnh đạo và cán bộ tín dụng của Agribank vẫn phê duyệt cho vay.
Số tiền vay được, Cường dùng để trả các khoản nợ trước đó và đầu tư bất động sản dẫn đến mất khả năng thanh toán. Đến tháng 9/2012, Agribank bị thiệt hại hơn 966 tỷ đồng. Trong vụ án này, Cường còn sử dụng hành vi gian dối lừa đảo ngân hàng khác vay rồi chiếm đoạt số tiền hàng trăm tỷ đồng.
Dự kiến phiên toà diễn ra đến ngày 28/10
Theo VNE