Thứ tư, 07 Tháng 10 2015 14:33

Bị 2 gái mại dâm là nhân viên cũ khai đi bán dâm theo chỉ đạo, ông Nam bị bắt, kết án 4 năm tù.


Ngày 3/9, TAND tỉnh Bắc Giang đã mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án Môi giới mại dâm đối với ông Đào Văn Nam (SN 1971, trú huyện Hiệp Hòa) - chủ quán karaoke Nam Hải. HĐXX đã tuyên hủy án, trả hồ sơ điều tra bổ sung.


Bị nhân viên cũ 'đổ tội', bất ngờ bị bắt


Theo cáo trạng ngày 27/12/2014 của VKSND huyện Hiệp Hòa, ngày 10/8/2014, tổ công tác Công an huyện Hiệp Hòa kiểm tra Nhà nghỉ Trang Linh (thôn Ngọc Thành 2, xã Ngọc Sơn) phát hiện 2 đôi nam nữ đang có hành vi mua bán dâm.


Hai nữ bán dâm là Trần (SN 1990, ở Phổ Yên, Thái Nguyên) và Hà (SN 1987, ở Sóc Sơn, Hà Nội).


Cáo trạng xác định, sau khi bị bắt, Trần và Hà khai đang là nhân viên của quán karaoke Nam Hải do Đào Văn Nam làm chủ.


Việc đi bán dâm cho khách đã được Trần, Hà, Nam thống nhất từ trước. Công an huyện Hiệp Hòa đã tiến hành khám xét và bắt khẩn cấp đối với Đào Văn Nam.


Ngày 11/4/2015, TAND huyện Hiệp Hòa đưa vụ án ra xét xử. Tại phiên tòa, ông Nam phản cung, kêu oan nhưng không được chấp nhận.


Ông Nam cho rằng, tại CQĐT, công an chỉ căn cứ vào lời khai của Trần và Hà khi họ tự nhận là nhân viên của quán và đi bán dâm; căn cứ vào tin nhắn 2 người này nhắn vào máy ông Nam.


Ông Nam khẳng định, trưa ngày 9/8/2014, Trần và Hà đến xin việc lại (cả 2 là nhân viên cũ) nhưng đã bị ông từ chối. Tối cùng ngày 2 người này tự ý đi bán dâm ở một nơi khác thì làm gì có chuyện ông tham gia môi giới.


Ông Nam cũng đề nghị xem lại dữ liệu hình ảnh từ camera an ninh của quán vì mọi diễn biến sự việc đều được camera này ghi lại.

 

092115 1

 

Ông Đào Văn Nam bỗng dưng bị 4 năm tù vì... tin nhắn bán dâm


Xét thấy đây có thể là chứng cứ quan trọng nên tòa hoãn xử, đồng thời, yêu cầu CQĐT công bố dữ liệu trong camera an ninh của quán.


Ngày 13/4, tòa tiếp tục phiên xét xử. Tuy nhiên, khi camera được mở thì ổ cứng không có dữliệu. Dù không có bằng chứng từ chiếc camera, sau 3 ngày nghị án, TAND huyện Hiệp Hòa vẫn quyết định tuyên phạt ông Nam 4 năm tù giam về hành vi Môi giới mại dâm.

 

Tại phiên phúc thẩm ngày 3/9/2015, ông Nam vẫn tiếp tục kháng cáo; Trần cũng không thừa nhận các lời khai của mình ở cơ quan điều tra, do bị ép cung nên mới khai như vậy.
Luật sư bào chữa cho bị cáo cho rằng, cơ quan tiến hành tố tụng vi phạm nghiêm trọng nguyên tắc tố tụng trong việc thu giữ vật chứng, bắt giữ người, không đủ căn cứ chứng minh có việc mua bán dâm.


HĐXX đã quyết định hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, giao hồ sơ vụ án cho VKSND huyện Hiệp Hòa để điều tra lại.


Chứng cứ không thuyết phục


Luật sư Nguyễn Đăng Quang (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), Trưởng Văn phòng Luật sư Đăng Quang nhận định, căn cứ vào cáo trạng của VKSND huyện Hiệp Hòa và bản án sơ thẩm của TAND huyện Hiệp Hòa cho thấy, việc CQĐT chỉ căn cứ vào lời khai của 2 gái bán dâm để kết tội bị cáo Nam là không đủ.


Theo luật sư Quang, muốn khẳng định Trần và Hà có phải nhân viên quán karaoke của ông Nam hay không thì CQĐT phải chứng minh được họ đang làm việc tại quán đó, ít nhất phải có chứng cứ như hợp đồng lao động của 2 người này tại quán, không thể chỉ căn cứ vào lời khai của họ.


Kể cả lời nhận tội của bị cáo, trong Luật Tố tụng hình sự đã quy định, lời nhận tội của bị cáo không phải là chứng cứ duy nhất để buộc tội bị cáo mà lời nhận tội đó phải phù hợp với các chứng cứ khách quan khác.


Ví dụ CQĐT phải có bằng chứng sổ sách ông Nam ghi lại việc thỏa thuận với 2 gái bán dâm này.


Trong hồ sơ vụ án có nói đến việc 1 trong 2 gái bán dâm nhắn tin xin phép ông Nam nhưng rõ ràng ông Nam không nhắn tin trả lời thì tại sao lại căn cứ vào đó để kết tội?


Tại phiên tòa phúc thẩm xuất hiện tình tiết mới là cả bị cáo và nhân chứng đều phản cung, cho rằng mình bị ép cung nhưng việc CQĐT và VKSND yêu cầu họ phải chứng minh việc bị ép cung thì không khác gì 'đánh đố', bởi chắc chắn không ai có thể chứng minh việc bị ép cung.


'Trước kia, trong vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn, cũng có những lần kiểm sát viên và điều tra viên cùng ngồi hỏi cung, lấy lời khai nhưng cuối cùng vẫn để xảy ra oan sai.
Vì vậy, không thể mặc định có mặt kiểm sát viên nghĩa là việc lấy lời khai diễn ra khách quan', luật sư Quang dẫn chứng.


Bên cạnh đó, Luật sư Quang cũng cho rằng, vụ án này có nhiều câu hỏi nghi vấn được đặt ra: Tại sao 2 thanh niên mua dâm lại bỏ trốn khỏi CQĐT?


Tại sao CQĐT đã bắt giữ, lấy lời khai của họ mà không kiểm tra căn cước để xác minh tên tuổi, địa chỉ của họ? Để những người có liên quan đến vụ án bỏ trốn khỏi CQĐT, lại không xác định được tung tích của họ thì CQĐT phải chịu trách nhiệm trong việc này.


Bên cạnh đó, phải làm rõ tại sao khi bị cáo đòi xem lại hình ảnh do camera ở quán của mình ghi lại thì bỗng dưng dữ liệu lại không còn?...


'Tóm lại, quá trình thu thập tài liệu, chứng cứ của CQĐT trong vụ án này còn nhiều thiếu sót, căn cứ kết tội lỏng lẻo, không đủ cơ sở kết tội.


Việc thiếu chứng cứ mà vẫn kết tội ông Nam là sai luật, có thể gây oan sai cho người vô tội', luật sư Quang nhận định.


Thiếu nhân chứng quan trọng vẫn tiến hành xét xử


Tại buổi làm việc với PV về đơn kêu oan của ông Nam, cả 2 cơ quan TAND và VKSND huyện Hiệp Hòa đều khẳng định mình làm đúng.


Trước câu hỏi: 'Tại sao thiếu nhân chứng quan trọng là 2 gái bán dâm trong vụ án mà phiên sơ thẩm vẫn tiếp tục xét xử?'.


Ông Hoàng Văn Quý, Viện trưởng VKSND huyện Hiệp Hòa cho biết: 'Trong phiên xử sơ thẩm, nếu người làm chứng vắng mặt mà có lời khai rõ ràng ở CQĐT trước đó thì HĐXX có thể công khai lời khai của nhân chứng tại tòa và dựa vào đó để xét xử'.


Trong khi đó, ông Trần Văn Tám, Chánh án TAND huyện Hiệp Hòa cho biết, trước khi phiên tòa sơ thẩm diễn ra, các cơ quan chức năng đã đến tận địa phương để áp giải 2 người này nhưng họ không có mặt ở địa phương.


Theo Giaothongvantai

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi