Theo Bộ Y tế, việc xây dựng dự án Luật Phòng bệnh nhằm kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm...
Tuổi thọ người Việt cao nhưng số năm sống với bệnh tật nhiều
Tại Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh gửi Chính phủ, Bộ Y tế cho biết, sau 30 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khoá VII và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân đã đạt được những kết quả to lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe: Tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi; các chỉ số về chăm sóc sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được cải thiện; tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi thể thấp còi cũng giảm tương ứng từ 33,9% năm 2007 xuống còn 18,9% năm 2022...
Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong ít quốc gia có mạng lưới y tế hoàn chỉnh, tổ chức rộng khắp tới tận thôn, bản và đang là mô hình mà nhiều nước trên thế giới quan tâm, học hỏi, làm theo. Mạng lưới cơ sở là nhân tố then chốt đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về y tế công cộng và để người dân Việt Nam được hưởng cuộc sống khỏe mạnh và lâu dài hơn so với các quốc gia khác có trình độ phát triển tương tự.
Trong 15 năm qua, Việt Nam đã đạt được thành tựu quan trọng về chăm sóc sức khỏe, trong đó tuổi thọ trung bình của người Việt Nam đã tăng từ 73,3 tuổi lên 73,7 tuổi.
Bên cạnh các thành công đã đạt được, công tác chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân cũng còn nhiều tồn tại, bất cập đó là chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật. Người dân Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều.
Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 10 quốc gia Đông Nam Á, tuổi thọ nam giới Việt Nam đứng thứ 5 và tuổi thọ phụ nữ Việt Nam đứng thứ hai, tuy nhiên số năm sống có bệnh tật lại cao so với các nước. Mỗi người Việt Nam trung bình có tới 10 năm phải sống với bệnh tật vì vậy ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng sống và làm giảm số năm sống khỏe mạnh.
Cần thiết có đạo luật mới để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng, nâng cao sức khỏe
Theo Bộ Y tế có một số yếu tố quan trọng dẫn đến số năm sống với bệnh tật của người dân Việt Nam còn ở mức cao là do chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc con người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm và sự gia tăng của yếu tố nguy cơ về môi trường.
Bộ Y tế cho hay, môi trường sống ở Việt Nam nhiều nơi đang bị ô nhiễm nặng bởi các chất thải sinh hoạt, sản xuất, bên cạnh đó ở một số vùng khó khăn nhiều hộ gia đình còn chưa tiếp cận được với các điều kiện vệ sinh cơ bản như nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh... Các vấn đề này đã tác động trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi người dân và cộng đồng.
Ngoài những nguyên nhân khách quan còn có yếu tố chủ quan là ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế. Nhiều hành vi có lợi cho sức khỏe chưa được người dân quan tâm và thực hiện thường xuyên dẫn đến nguy cơ bùng phát các dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm và gia tăng các bệnh tật. Bên cạnh đó, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng, hạn hán, bão lụt... ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Bên cạnh đó, tổng kết 15 năm thi hành Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm cho thấy công tác kiểm soát bệnh truyền nhiễm còn nhiều bất cập nhưng chủ yếu là các bất cập xuất phát từ khâu tổ chức thực hiện: Nhận thức của người dân tại một số nơi về bệnh truyền nhiễm và các biện pháp phòng chống bệnh truyền nhiễm còn nhiều hạn chế; Đội ngũ cán bộ y tế dự phòng còn thiếu về số lượng, chất lượng chưa cao, cơ cấu cán bộ chưa hợp lý; một số địa phương chưa thực hiện dành ít nhất 30% ngân sách y tế cho y tế dự phòng.
Các thách thức cũng như tồn tại nêu trên có nhiều nguyên nhân, trong đó tập trung vào hai nguyên nhân chủ yếu đó là: Vấn đề tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật và vấn đề thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Về vấn đề thiếu hành lang pháp lý cho việc tổ chức thực hiện các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, Bộ Y tế cho hay: Qua rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy, mặc dù có tới 47 văn bản cấp độ luật có quy định điều chỉnh các hoạt động có liên quan đến sức khỏe nhưng trên thực tế thì hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào 3 vấn đề chính là: Điều trị bệnh; Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; Quản lý một số hành vi có hại cho sức khỏe (rượu bia, thuốc lá, hủy hoại môi trường, bao lực gia đình,...)
Xuất phát từ các lý do nêu trên cho thấy việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh gồm các quy định về nâng cao sức khỏe (bao gồm các vấn đề về dinh dưỡng và dự phòng các rối loạn tâm thần); phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm và quản lý sức khỏe người dân để thể chế hóa quan điểm của Đảng và giải quyết các khoảng trống về pháp luật các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Mục tiêu chính sách khi xây dựng dự án Luật Phòng bệnh là góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam.
Theo Bộ Y tế, quan điểm chỉ đạo xây dựng Dự án Luật Phòng bệnh nhằm thể chế hóa đường lối, chính sách của Đảng về dự phòng và nâng cao sức khỏe đã được định hướng tại Nghị quyết số 20-NQ/TW của Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương XIII. Khắc phục được các tồn tại, bất cập liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe trên cơ sở kế thừa chọn lọc những quy định hiện hành về phòng, chống bệnh truyền nhiễm đang phát huy hiệu quả trong thực tiễn, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước ta và bổ sung các quy định nhằm khắc phục các khoảng trống pháp luật để tạo hàng lang pháp lý thuận lợi cho các hoạt động dự phòng và nâng cao sức khỏe.
Khuyến khích và huy động sự tham gia tích cực của toàn xã hội từ hệ thống chính trị, bộ máy nhà nước đến mọi người dân và các tổ chức xã hội dân sự vào công tác dự phòng và nâng cao sức khỏe. Bảo đảm tính dự báo trong tương lai, dự liệu những quan hệ xã hội nảy sinh liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe, bên cạnh đó phải phù hợp, hài hòa với xu hướng pháp luật quốc tế trong xu thế hội nhập sâu rộng với nền kinh tế toàn cầu.
Mục tiêu chính sách là góp phần nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Kiểm soát tốt bệnh truyền nhiễm, nâng cao năng lực cho hệ thống phòng, chống bệnh truyền nhiễm; khống chế tốc độ gia tăng tiến tới làm giảm tỷ lệ người mắc bệnh tại cộng đồng, hạn chế tàn tật và tử vong sớm do mắc các bệnh không lây nhiễm; quản lý sức khỏe cho tất cả người dân.
Bộ Y tế đề nghị xây dựng dự án Luật Phòng bệnh với 5 chính sách sau:
- Chính sách thứ nhất: Bắt buộc phải sử dụng vaccine, sinh phẩm y tế đối với người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng nguy cơ có dịch.
- Chính sách thứ hai: Dinh dưỡng với sức khỏe.
- Chính sách thứ ba: Phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần.
- Chính sách thứ tư: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm.
- Chính sách thứ năm: Quản lý sức khỏe đối với người dân.
Tin mới
- Trường hợp bắt buộc phải đổi Giấy phép lái xe trước ngày 15/10 - 10/10/2023 08:32
- Cải cách tiền lương sẽ có 6 nội dung trong lộ trình từ 1/7/2024 - 10/10/2023 06:26
- Xử lý nghiêm trường hợp dùng xe cá nhân kinh doanh vận tải qua mạng xã hội - 28/09/2023 22:45
- Đề xuất tăng mức phạt với vi phạm về bảo hiểm nhân thọ và bảo hiểm sức khỏe - 18/09/2023 04:35
- Phê duyệt Quy hoạch hệ thống cơ sở xã hội nuôi dưỡng, điều dưỡng người có công với cách mạng - 31/08/2023 03:20
Các tin khác
- Được đổi Căn cước công dân khi xác định lại giới tính hoặc chuyển đổi giới tính - 24/08/2023 04:37
- Những chính sách mới có hiệu lực từ 15/8 - 15/08/2023 04:55
- Bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của dự án Luật Tài nguyên nước (sửa đổi) - 14/08/2023 07:40
- Chính thức sử dụng VNeID với khách làm thủ tục đi máy bay - 02/08/2023 04:10
- Cảnh báo trang web giả mạo Cổng Thông tin điện tử Bảo hiểm Xã hội Việt Nam - 26/07/2023 05:50