Người ghi âm, ghi hình phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng có thể bị phạt tiền 7-15 triệu đồng; với nhà báo lên đến 30 triệu đồng.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình
Sáng 15/8, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp, cho ý kiến về việc ban hành Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng.
Dự thảo đề xuất phạt tiền từ 7 đến 15 triệu đồng với người ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh phiên tòa và phát trực tiếp trên không gian mạng.
Với nhà báo, nếu ghi âm, ghi hình hoặc ghi hình có âm thanh Hội đồng xét xử, người tham gia tố tụng khi không được sự cho phép và livestream sẽ bị phạt từ 15 đến 30 triệu đồng.
Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra dù đã được yêu cầu sẽ bị phạt từ bốn đến tám triệu đồng và có thể tăng đến 15 triệu đồng nếu nội dung tiết lộ làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
Pháp lệnh cũng quy định mức phạt từ 100.000 đồng đến một triệu đồng với một số vi phạm nội quy phiên tòa như: sử dụng điện thoại; không đứng dậy khi HĐXX vào phòng xử án, tuyên án; không chấp hành việc kiểm tra an ninh; hút thuốc, ăn uống, mặc trang phục không nghiêm túc...
Giải thích vi phạm trong lĩnh vực tư pháp thường bị xử lý nặng hơn so với các lĩnh vực khác, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết do "đây là đặc thù của ngành". Nhưng các mức phạt đều nằm trong khung, đảm bảo thấp hơn mức tối đa, không vượt quá thẩm quyền của luật hiện hành.
Ông dẫn chứng, việc đánh người gây thương tích đã được nêu trong Bộ luật Hình sự nhưng công an, kiểm sát viên đánh người thì đấy là "hành vi buộc phải xử nặng". TAND Tối cao sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện dự thảo pháp lệnh để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng tình với việc tăng mức phạt. Tuy nhiên để đồng bộ với hệ thống pháp luật, ông đề nghị cơ quan soạn thảo rà soát các luật chuyên ngành để "tránh một hành vi mà hai văn bản quy phạm pháp luật lại xử lý khác nhau".
Dự thảo Pháp lệnh Xử phạt vi phạm hành chính với hành vi cản trở hoạt động tố tụng, gồm 4 chương, 45 điều. Mức phạt tối đa với cá nhân là 40 triệu đồng; với tổ chức 80 triệu đồng.
Theo TAND Tối cao, các hành vi cản trở hoạt động tố tụng xảy ra ngày càng nhiều, có xu hướng tăng. Trong khi đó, quy định xử phạt chưa cụ thể, nằm rải rác trong các luật.
Việc xây dựng Pháp lệnh nhằm xử phạt nghiêm những hành vi cản trở hoạt động tố tụng; tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong tố tụng, giữ gìn sự tôn nghiêm của tòa án...
Tin mới
- NSNN hỗ trợ kinh phí đào tạo nhân lực văn hóa nghệ thuật ở nước ngoài - 23/08/2022 00:36
- Hỗ trợ lãi suất 2%: Thêm 11 dự án NƠXH đủ điều kiện vay vốn - 19/08/2022 03:46
- Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, thanh niên làm kinh tế - 18/08/2022 09:05
- Rà soát thông tin báo nêu 95% người khuyết tật nhẹ chưa được cấp thẻ BHYT - 18/08/2022 00:47
- Khắc phục những bất cập trong thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng - 16/08/2022 01:26
Các tin khác
- Hỗ trợ người lao động nghèo đi làm việc ở nước ngoài - 13/08/2022 07:20
- Từ 1/9, người gửi hàng xe khách phải cung cấp đầy đủ, chính xác 6 thông tin - 08/08/2022 01:55
- Đơn giản hóa thủ tục cấp GCN đủ điều kiện hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục nghề nghiệp - 08/08/2022 01:47
- Ban hành Chương trình Giáo dục thường xuyên mới cấp THPT - 04/08/2022 00:53
- Quy định về nghỉ hưu ở tuổi cao hơn đối với viên chức - 03/08/2022 02:11