Nhiều yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết
Bộ Tài chính cho biết, theo báo cáo tại một số thành phố lớn (TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng, Cần Thơ...) tại các chợ truyền thống, sức mua tăng từ 5 - 10% so ngày thường, đặc biệt trong ngày 27 - 29 tháng Chạp sức mua tăng mạnh từ 20% - 30% tại các chợ lẻ do đây là thời điểm bắt đầu nghỉ Tết; đối với hệ thống siêu thị tăng 20% - 25% so với ngày thường cùng với nhiều chương trình khuyến mại giảm giá của nhiều doanh nghiệp. Tuy vậy, sức mua vẫn thấp hơn so với quy luật nhiều năm do những ảnh hưởng chung của dịch bệnh đến tình hình kinh tế - xã hội làm giảm thu nhập của người dân.
Sang những ngày đầu năm mới Nhâm Dần, hầu hết các chợ, siêu thị đều chỉ đóng cửa vào ngày mùng 1 và mở cửa rải rác từ ngày mùng 2 đến mùng 4 Tết (Saigon Co.op mở cửa vào mùng 2, Hapromart, Winmart mở cửa từ sáng mùng 4).
Sang ngày mùng 4 Tết, hầu hết các chợ truyền thống, siêu thị đều đã mở cửa trở lại để để phục vụ nhu cầu mua sắm Tết của người dân, nhiều cửa hàng nhỏ cũng dần mở cửa để bán “lấy ngày” đầu năm, hoạt động mua bán hầu như trở về bình thường, nhu cầu tiêu dùng chủ yếu tập trung vào một số mặt hàng thiết yếu như nhóm thực phẩm tươi sống thủy hải sản, rau củ quả tươi, hàng ăn và dịch vụ ăn uống. Bên cạnh đó, dịch vụ du lịch, vui chơi, giải trí, dịch vụ trông giữ xe chịu ảnh hưởng nhất định từ tình hình dịch bệnh.
“Qua theo dõi, nắm bắt của Bộ Tài chính, về cơ bản diễn biến giá cả thị trường các mặt hàng tiêu dùng những ngày trước, trong và sau Tết không có biến động bất thường, một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết tăng theo quy luật hoặc theo diễn biến giá thế giới”, đại diện Bộ Tài chính cho biết.
Tuy nhiên, Bộ Tài chính cũng dự báo một số yếu tố gây áp lực lên mặt bằng giá sau Tết như: Giá các mặt hàng xăng dầu và LPG đang ở mức cao do chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong kỳ điều hành ngày 11/2/2022, giá xăng dầu dự báo sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng rất lớn từ giá thế giới. Từ đó, gây sức ép lớn đến mặt bằng giá nói chung và giá các mặt hàng sử dụng xăng dầu là đầu vào cho sản xuất. Bên cạnh đó, giá nhiều mặt hàng nguyên liệu, vật tư vẫn chịu áp lực lớn từ xu hướng tăng giá trên thế giới. Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ, kích thích kinh tế cũng sẽ có tác động nhất định lên mặt bằng giá cả.
Ở chiều ngược lại, một số yếu tố chính giảm áp lực lên mặt bằng giá như: Nguồn cung các mặt hàng tiêu dùng, lương thực, thực phẩm trong nước vẫn dồi dào, đáp ứng được nhu cầu của người dân nên giá cả dự kiến không có nhiều biến động, sớm trở lại bình thường sau Tết. Ngoài ra, thực hiện chủ trương chung phòng chống dịch Covid-19, các địa phương cũng hạn chế tổ chức các hoạt động lễ hội vui chơi ngày Tết và các lễ hội đầu năm; do đó, các dịch vụ ăn uống ngoài gia đình, vui chơi, đi lại sẽ không có diễn biến bất thường về giá.
Đồng thời, từ ngày 1/2/2022, thuế giá trị gia tăng (VAT) của nhiều hàng hóa, dịch vụ giảm từ 10% xuống còn 8% theo Nghị định số 15/2022/NĐ-CP của Chính phủ quy định chính sách miễn, giảm thuế theo Nghị quyết số 43/2022/QH15, từ đó cũng góp phần giảm áp lực lên mặt bằng giá.
Giảm thuế VAT góp phần kiềm chế mức tăng của chỉ số giá tiêu dùng
Theo nhiều chuyên gia kinh tế, nếu như trước đây việc giảm giá thuế VAT chỉ được thực hiện với một số hàng hóa thì nay đã mở rộng ra hầu hết các đối tượng sản xuất kinh doanh nên hiệu ứng với nền kinh tế là rất lớn. Việc giảm thuế này được kỳ vọng sẽ giúp giảm giá thành dịch vụ, từ đó, kích thích tiêu dùng, thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động. Chính vì vậy, đây được xem là chính sách cần thiết để vực dậy nền kinh tế đang khó khăn do dịch bệnh Covid-19.
Theo Bộ Tài chính, dự kiến chính sách giảm thuế VAT sẽ có tác động giảm thu ngân sách nhà nước của năm 2022 khoảng 49.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, TS. Vũ Đình Ánh cũng nhận định, việc giảm thuế VAT sẽ giúp kiềm chế, kiểm soát tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI).
“Việc giảm 2% thuế VAT sẽ giúp đạt 2 mục tiêu là hỗ trợ tăng trưởng kinh tế từ phía sản xuất kinh doanh, từ phía tiêu dùng và ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát. Có thể nói, đây là một lựa chọn chưa từng có trong việc hỗ trợ thông qua việc giảm sắc thuế phổ biến nhất, tác động rộng rãi nhất, rõ ràng nhất đến thị trường”, TS. Ánh nhấn mạnh.
Tuy nhiên, GS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân cũng lưu ý, do không đưa ra quy định ai là người được hỗ trợ mà chỉ ra đối tượng nào không được hỗ trợ, do đó, sẽ có tình trạng cùng thuộc đối tượng nhưng có người tiếp cận được dễ dàng và được hỗ trợ nhiều nhưng có người không tiếp cận được hoặc được hỗ trợ không đáng kể. Vì vậy, phải có một phương thức hành động khác đi trong kiểm soát các chương trình hỗ trợ.
“Hiện nay, chúng ta có thể thấy được lợi thế của chuyển đổi số, của không dùng tiền mặt. Đây là cơ hội tốt để ta làm mạnh hơn việc kiểm soát nghiêm ngặt các giao dịch không dùng tiền mặt. Chúng ta phải thay đổi căn bản các phương thức quản lý, quản trị, kiểm soát chính sách”, ông Cường nêu ý kiến./.