Nỗ lực cũng như cam kết của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người thời gian qua đã được quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Mặc dù phải tập trung đối phó với dịch COVID-19, nhưng Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương vẫn luôn coi công tác phòng, chống mua bán người là một nhiệm vụ trọng tâm, triển khai nhiều giải pháp nhằm từng bước ngăn chặn, đẩy lùi loại tội phạm này, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội của đất nước và cuộc sống bình yên, hạnh phúc
của nhân dân.
Muôn vàn chiêu trò mua bán người trong đại dịch COVID-19
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 diễn biến hết sức phức tạp, hoạt động của tội phạm mua bán người không giảm mà còn có chiều hướng gia tăng, với nhiều phương thức, thủ đoạn hoạt động mới. Lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để mua bán phụ nữ và trẻ em gái; môi giới cho-nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; thậm chí cho nạn nhân sử dụng chất ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động trên các tàu đánh cá trên biển…
Cán bộ, chiến sĩ Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP) giải cứu thành công nạn nhân là trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi trong chuyên án A321.2. Ảnh: Cục Phòng chống ma túy và tội phạm (BĐBP) cung cấp. |
Nhiều thủ đoạn
Sau khi thâm nhập các hội, nhóm “Cho nhận con nuôi”, “Hỗ trợ phụ nữ mang thai” trên mạng xã hội, trinh sát của Cục Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Tư lệnh BĐBP) nắm được hoạt động của một đường dây mua bán phụ nữ có thai và trẻ sơ sinh từ Việt Nam sang Trung Quốc. Chuyên án mang bí số A321.2 ra đời.
Nhớ lại chuyên án này, Đại tá Phạm Long Biên, Trưởng phòng Phòng Chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm cho hay, thủ đoạn của các đối tượng là tuyển mộ, lừa gạt phụ nữ có thai ngoài ý muốn hoặc có thai nhưng hoàn cảnh khó khăn, không có khả năng nuôi con để đưa sang Trung Quốc sinh, sau đó bán trẻ sơ sinh với vỏ bọc cho-nhận con nuôi (trẻ em là nam sẽ được 80-90 triệu đồng, trẻ em nữ sẽ được 50-60 triệu đồng). Trường hợp chưa kịp sang Trung Quốc mà sản phụ đã sinh con thì chúng đưa trẻ sơ sinh sang Trung Quốc bán.
Ròng rã hơn 3 tháng triển khai đồng bộ các biện pháp công tác nghiệp vụ, qua nhiều địa bàn (Hà Nội, Lạng Sơn, Cao Bằng và Quảng Ninh), ngày 18/3/2021, tại biên giới thuộc Đồn Biên phòng Hoành Mô, huyện Bình Liêu, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng đấu tranh chuyên án bắt quả tang 3 đối tượng; giải cứu 1 phụ nữ có thai và 1 trẻ sơ sinh 10 ngày tuổi. Mở rộng điều tra, lực lượng đấu tranh chuyên án đã phối hợp với Công an Hà Nội, BĐBP tỉnh Thái Bình bắt tiếp 2 đối tượng trong đường dây.
Trong nhiều chuyên án mà Đại tá Phạm Long Biên kể với phóng viên có cả những vụ việc hết sức đau lòng khi chính mẹ đẻ bán con ruột.
Tháng 2/2020, qua công tác điều tra cơ bản về mua bán người tuyến trọng điểm: Các tỉnh miền Tây Nam Bộ - Hà Nội - các tỉnh biên giới Việt Nam-Trung Quốc, trinh sát Phòng Phòng chống mua bán người, Cục Phòng chống ma túy và tội phạm nắm được thông tin nạn nhân L.H.Y, sinh năm 2004, trú tại thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu bị bán sang Trung Quốc vì mục đích kết hôn trái pháp luật từ tháng 5/2019 (khi bị bán, Y mới 15 tuổi).
Cục đã điều tra, xác minh, phối hợp với “Tổ chức Trẻ em Rồng xanh” giải cứu nạn nhân Y tại tỉnh An Huy, Trung Quốc và chỉ đạo BĐBP tỉnh Bạc Liêu xác lập chuyên án BL321 để đấu tranh. Qua 5 tháng triển khai điều tra, xác minh nhân thân, hoạt động của các đối tượng ở nhiều địa bàn (TPHCM, Đồng Nai, Bạc Liêu, Kiên Giang…), ngày 10/5/2021, BĐBP tỉnh Bạc Liêu đã tổ chức phá án, bắt 3 đối tượng.
“Trong 3 đối tượng bị bắt giữ, có cả mẹ đẻ nạn nhân Y. Thật sự rất bất ngờ, chua xót”, Đại tá Phạm Long Biên chia sẻ.
Theo Cục Phòng chống tội phạm và ma túy (Bộ Tư lệnh BĐBP), hiện nay, trọng điểm về mua bán người vẫn là tuyến biên giới Việt Nam-Trung Quốc và các tỉnh Tây Nam Bộ.
Các đối tượng cư trú trong nội địa câu kết với các đối tượng ở khu vực biên giới và đối tượng là người Việt Nam cư trú ở nước ngoài tạo thành đường dây khép kín nhằm tuyển mộ, đưa nạn nhân ra nước ngoài bán.
Phương thức nổi lên là lợi dụng môi giới hôn nhân, môi giới lao động để mua bán phụ nữ và trẻ em gái; môi giới cho - nhận con nuôi, mang thai hộ để mua bán trẻ sơ sinh; “cò ngư phủ” môi giới việc làm để lừa bán nam thanh niên xuống các tàu đánh cá trên biển... Thủ đoạn hoạt động của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, triệt để lợi dụng các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo, Wechat…) tạo tài khoản ảo để dụ dỗ, lừa gạt nạn nhân.
Đáng chú ý, thủ đoạn mới của các đối tượng là lừa cho nạn nhân sử dụng chất ma túy, sau đó khống chế, ép buộc lao động trên các tàu đánh cá trên biển (bao gồm cả đánh bắt trộm hải sản trên vùng biển nước ngoài). Tuyển mộ phụ nữ có thai đưa ra nước ngoài sinh đẻ, sau đó bán trẻ sơ sinh. Trong quá trình tập kết, nếu sản phụ sinh đẻ, ngay sau khi xuất viện, các đối tượng sẽ đưa trẻ sơ sinh ra nước ngoài bán.
Nạn nhân chủ yếu là phụ nữ, trẻ em gái độ tuổi từ 15-28, trình độ dân trí thấp, nhận thức xã hội và pháp luật hạn chế, người có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, một số muốn có việc làm thu nhập cao, muốn lấy chồng nước ngoài… nên dễ bị các đối tượng dụ dỗ, lừa gạt hoặc đe dọa, khống chế. Ngoài ra, đối tượng lợi dụng một số nam thanh niên có nhu cầu cao về việc làm, dụ dỗ, cho ứng trước tiền lương sau đó bán cho các chủ tàu, ép làm “ngư phủ” để cưỡng bức lao động trên các tàu đánh bắt hải sản trên biển.
Một số hoạt động mới nổi lên từ cuối năm 2020 đến nay là các đối tượng còn dụ dỗ, lừa gạt, ép buộc phụ nữ và cả nam thanh niên sang Campuchia nhằm bóc lột tình dục, cưỡng bức lao động hoặc làm việc tại các sòng bạc online. Đối tượng cho nạn nhân sử dụng ma túy, sau đó khống chế, cưỡng bức lao động hoặc mua bán người kết hợp với mua bán, vận chuyển trái phép ma túy.
Theo thống kê sơ bộ, 6 tháng đầu năm 2021, các đơn vị Bộ đội Biên phòng đã bắt giữ, xử lý 19 vụ/28 đối tượng/giải cứu 33 nạn nhân bị mua bán (tăng 8 vụ/9 đối tượng so với cùng kỳ).
Nạn nhân hận đời, hám tiền lại trở thành tội phạm
Với nhiều năm kinh nghiệm triệt phá các vụ mua bán người, Đại tá Phạm Long Biên cho biết, công tác phòng, chống mua bán người đã và đang gặp nhiều khó khăn, thách thức, bởi trên cả phương diện lý luận và thực tiễn, tội phạm mua bán người có tỉ lệ ẩn rất cao do đặc thù của loại tội phạm này.
Các đường dây tội phạm hoạt động có tổ chức rất chặt chẽ, các đối tượng cầm đầu thường ở sâu trong nội địa hoặc ở nước ngoài, chủ yếu dùng điện thoại, Facebook, Zalo ảo để chỉ đạo, điều hành đường dây nên việc phát hiện rất khó khăn. Phần lớn các đối tượng bị lực lượng BĐBP phát hiện, bắt giữ là đối tượng “đưa dẫn”, đó là một trong những mắt xích quan trọng trong đường dây tội phạm.
Hơn nữa, pháp luật hình sự quy định về tội mua bán người và mua bán người dưới 16 tuổi vẫn còn một số bất cập. Đây là kẽ hở để tội phạm mua bán người lợi dụng hoạt động.
Đa số nạn nhân không dám khai báo, tố giác tội phạm do sợ bị trả thù, mặc cảm, tự ti, sợ ảnh hưởng đến danh dự của gia đình và tương lai của bản thân. Trong khi đó, một số đã “học” được phương thức, thủ đoạn dụ dỗ, lừa gạt của bọn tội phạm và có tư tưởng hận đời hoặc mờ mắt vì tiền nên đã trở thành tội phạm khi có điều kiện (quay về lừa các nạn nhân khác ngay trên quê hương của mình, thậm chí cả người thân của mình để bán ra nước ngoài).
Ngoài ra, do nước ta có đường biên giới dài, địa hình hiểm trở, các đối tượng “đưa dẫn” thường là dân bản địa, rất thông thạo địa bàn, nắm được quy luật hoạt động của lực lượng BĐBP nên đã lợi dụng sơ hở để đưa nạn nhân ra nước ngoài.
Trong khi đó, lực lượng phòng chống ma túy và tội phạm của BĐBP còn mỏng, không có lực lượng chuyên trách về phòng, chống tội phạm mua bán người ở địa phương nên cũng ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đấu tranh với loại tội phạm này. Hiện nay, nhiều chuyên án, vụ án của Cục Phòng chống ma túy và tội phạm phải kéo dài do không thể tiếp cận đối tượng vì tình hình dịch bệnh COVID-19 phức tạp tại địa phương.
Cũng do tình hình dịch COVID-19 nên nhiều quốc gia đã đóng cửa biên giới, nhu cầu tìm việc làm để ổn định đời sống của một bộ phận quần chúng nhân dân gặp khó khăn. Đây chính là điều kiện thuận lợi để các đối tượng triệt để lợi dụng lừa gạt, dụ dỗ nạn nhân ra nước ngoài để mua bán.
Trong khi đó, công tác quản lý hành chính ở nước ta còn nhiều bất cập, nhất là quản lý lưu trú của người nước ngoài; quản lý về lĩnh vực hợp tác lao động, kết hôn với người nước ngoài, cho - nhận con nuôi… nên số người bị lừa đưa ra nước ngoài rồi bị bán có nguy cơ tiếp tục tăng nhanh. Đây chính là thách thức lớn đối với công tác phòng chống mua bán người, là mối lo ngại của toàn xã hội.
Tin mới
- TP. HCM siết chặt quản lý dịch vụ shipper - 27/07/2021 01:02
- Bộ Y tế thu hồi văn bản về việc “Tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và sản phẩm từ dược liệu” - 26/07/2021 08:07
- Hà Nội công bố mức xử phạt 16 hành vi vi phạm phòng, chống dịch COVID-19 - 25/07/2021 08:53
- Từ 06h00 ngày 24/7/2021, Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 - 24/07/2021 02:22
- Siết chặt thực hiện Chỉ thị 16, TPHCM tăng cường một loạt biện pháp mạnh - 23/07/2021 08:13
Các tin khác
- Hà Nội: Không tổ chức khảo sát học sinh theo hình thức trực tiếp - 13/07/2021 23:37
- Từ 6h ngày 14/7, người dân muốn vào Hà Nội phải mang theo giấy tờ gì? - 13/07/2021 23:36
- Chỉ mạng xã hội có giấy phép mới được cung cấp dịch vụ livestream - 11/07/2021 11:33
- Hà Nội tạm dừng các hoạt động thể dục, thể thao ngoài trời từ 18h ngày 8/7 - 08/07/2021 10:05
- Mức trợ giúp xã hội cho người khuyết tật tăng mạnh từ 1/7/2021 - 07/07/2021 06:46