Học sinh trung học cơ sở ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021-2022 được miễn học phí.
Ảnh minh họa |
Đây là đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo tại dự thảo Nghị định quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo để thay thế Nghị định 86/2015/NĐ-CP.
Quy định về đối tượng miễn, giảm học phí; hỗ trợ chi phí học tập, dự thảo bổ sung một số đối tượng mới, cụ thể như sau: Khoản 5 Điều 99 Luật Giáo dục năm 2019 đã quy định: “Trẻ em mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở được miễn học phí theo lộ trình do Chính phủ quy định”. Thực hiện quy định này tại Luật Giáo dục năm 2019, dự thảo Nghị định dự kiến bổ sung thêm các đối tượng được miễn học phí theo lộ trình, cụ thể:
- Học sinh trung học cơ sở ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2021-2022 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2021) được miễn học phí.
- Trẻ em mầm non 05 tuổi ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2023-2024 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2023) được miễn học phí.
- Học sinh trung học cơ sở ngoài đối tượng ở thôn, xã đặc biệt khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng bãi ngang ven biển, hải đảo kể từ năm học 2025-2026 (từ ngày 01 tháng 9 năm 2025) được miễn học phí.
Việc thực hiện chính sách miễn học phí theo lộ trình cho toàn bộ trẻ mầm non 05 tuổi và học sinh trung học cơ sở sẽ đảm bảo điều kiện thực hiện đúng chủ trương của Đảng, pháp luật của nhà nước về mục tiêu từng bước phổ cập giáo dục từ cấp học mầm non đến trung học cơ sở. Đồng thời tạo cơ hội cho học sinh giữa các vùng miền trong độ tuổi đều được tiếp cận với giáo dục, giảm bớt khó khăn cho gia đình và xã hội, hạn chế tình trạng bỏ học và tăng tỷ lệ trẻ em đến trường, góp phần thực hiện mục tiêu phổ cập giáo dục.
- Về mức hỗ trợ chi phí học tập: Tại khoản 3, Điều 11, Nghị định số 86/2015/NĐ-CP đã quy định mức hỗ trợ chi phí học tập là 100.000 đồng/học sinh/tháng để mua sách, vở và các đồ dùng học tập khác. Thời gian được hưởng theo thời gian học thực tế và không quá 9 tháng/năm học. Tuy nhiên, do Nghị định số 86 được ban hành từ năm 2015, đến nay mức hỗ trợ này không còn phù hợp, nhiều ý kiến cử tri các địa phương cũng đã phản ánh mức hỗ trợ này thấp so với mức chi tiêu hiện nay; vì vậy Bộ GDĐT đề xuất nâng mức hỗ trợ lên 150.000 đồng/học sinh/tháng (tính theo tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng từ năm 2015 đến 2020 là khoảng 49%) để phù hợp với mức chi tiêu thực tế hiện nay, giúp học sinh đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn được hỗ trợ thêm kinh phí để mua sắm đồ dùng và dụng cụ học tập
Tin mới
- Chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh đến năm 2030 - 16/12/2020 08:11
- Chính sách về hưu trước tuổi mới áp dụng từ 1/1/2021 - 16/12/2020 06:58
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam ban hành thẻ BHYT mới - 04/12/2020 06:57
- Khởi tố vụ án hình sự lây lan COVID-19 gây hậu quả nghiêm trọng - 04/12/2020 03:48
- Bộ Tài chính bãi bỏ hơn 30 Thông tư về lĩnh vực hải quan, thuế, phí - 04/12/2020 03:47
Các tin khác
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020 - 02/11/2020 07:36
- Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 11/2020 - 31/10/2020 00:12
- Hà Nội xử phạt người dân không đeo khẩu trang ở nơi công cộng - 24/10/2020 10:17
- Đề xuất mở rộng đối tượng tuyển sinh cao đẳng nghề - 17/10/2020 09:23
- Vi phạm quy định về cải chính trên báo chí bị phạt đến 20 triệu đồng - 12/10/2020 02:49