Thứ tư, 06 Tháng 6 2018 13:50

Theo Bộ trưởng Bộ Công an, trong 5 tháng đầu năm 2018 đã xảy ra 682 vụ xâm hại trẻ em, trong đó số lượng vụ xâm hại tình dục chiếm 84%. Trong buổi chất vấn chiều nay đối với Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, Quốc hội dành phần lớn thời gian cho vấn đề bảo vệ trẻ em

 

cqh_0106
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung tiếp tục trả lời chất vấn của các Đại biểu chiều 5/6. (Ảnh: quochoi.vn).

 

Đại biểu “truy” trách nhiệm các cơ quan tư pháp

 

Sau giờ nghỉ trưa nay, phiên chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung tiếp tục vào chiều nay.

 

Trong phần tiếp tục trả lời chất vấn chiều nay, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, giải pháp khắc phục tình trạng bạo hành và xâm hại trẻ em, là một nội dung quan trọng trong chủ đề mà các đại biểu tập trung chất vấn Bộ trưởng LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung.

 

daongocdung-chatvan-15281758805191722714997
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung. (Ảnh: tuoitre.vn).
 

Tranh luận lại với Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, đại biểu Đinh Quang Tuấn nói những giải pháp mà bộ trưởng đưa ra để chống xâm hại trẻ em chưa thuyết phục. Theo vị đại biểu và là bác sĩ này, cần có biện pháp nhanh chóng xử lý, vì thời gian sẽ làm mất chứng cứ.

 

"Sự quan tâm của chính quyền, cơ quan tố tụng chưa được đảm bảo, chưa thống nhất, như vụ ông Nguyễn Khắc Thủy xâm hại tình dục trẻ em ở Vũng Tàu, dù lên tới giám đốc thẩm đã giữ nguyên 3 năm tù, nhưng bản án 18 tháng tù treo của phiên tòa phúc thẩm đã gây phản ứng mạnh trong dư luận", ông Tuấn nói.

 

nguyenquangtuan-hanoi1-1528183708700809522670
Đại biểu Đinh Quang Tuấn (Hà Nội). (Ảnh: tuoitre.vn).
 

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an và Chánh án TAND tối cao giải trình thêm về vấn đề này.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quang Tuấn (Hà Nội) về vấn nạn xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết có đến 59% thủ phạm là người thân của trẻ em.

 

Về giải pháp, ông Đào Ngọc Dung nêu, thứ nhất phải tăng cường quản lý nhà nước, cụ thể là Bộ Công an, Bộ LĐ-TB&XH, UBND các cấp, hai là tăng cường quản lý trong gia đình: bố mẹ, anh chị, người thân cùng với nhà trường và xã hội, và ba là tập trung xử lý những vụ việc xảy ra nghiêm minh, nhanh chóng nhất.

 

Tuy vậy, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thừa nhận là việc này thời gian qua còn chưa tốt. Ông Dung cũng cho rằng phải tăng cường rèn luyện kỹ năng tự bảo vệ cho các em.

 

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) nói, các vụ xâm hại tình dục trẻ em có vấn đề là chưa lắng nghe trẻ tối đa, có những vụ như ở Cà Mau khi cháu bé nói thì không nghe nhưng khi cháu đã tự tử rồi thì mới nghe.

 

Bản thân ông Nhưỡng rất quan tâm đến một vụ xâm hại trẻ em xảy ra ở Thủ Đức (TP.HCM) nên tha thiết kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ vụ việc này.

 

luubinhnhuong-qh-1528185605340651868319
Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre). (Ảnh: tuoitre.vn).
 

Một nữ đại biểu còn nêu tình trạng các nạn nhân xâm hại tình dục trẻ em lại bị "xâm hại lần hai" bởi các cơ quan tố tụng thiếu thân thiện với trẻ em.

 

Trả lời đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói hệ thống pháp luật để bảo vệ trẻ em là không thiếu, tuy nhiên ông đồng ý là có một số vụ việc xử lý chưa nghiêm minh. Nhiều vụ khi có ý kiến từ lãnh đạo cấp cao thì mới tiến hành, xử đúng người đúng tội.

 

"Đại biểu muốn chúng tôi lên tiếng mạnh hơn thì báo cáo là bộ đều chủ động, nhiều vụ tôi đã trực tiếp báo cáo lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ. Vụ ông Nguyễn Khắc Thủy sau khi tòa tuyên án tôi đã gặp Viện trưởng Viện KSND tối cao và Chánh án TAND tối cao nói việc tôi không đồng ý bản án. Sau đó hai lãnh đạo cơ quan này đã có biện pháp", ông Dung chia sẻ.

 

cqh_0090
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung trả lời chất vấn các Đại biểu. (Ảnh: quochoi.vn).
 

"Hoặc như vụ ông Hồng Quang Minh (Minh Béo) khi về nước sau khi bị kết tội dâm ô trẻ em tại Mỹ vẫn biểu diễn trong các chương trình có trẻ em. Tôi cũng đã có ý kiến".

 

Tiếp tục vấn đề, ông Lê Minh Trí - Viện trưởng Viện KSND tối cao - nói vấn đề xâm hại tình dục trẻ em đã gây ra bức xúc trong xã hội, những tháng đầu năm nay đã truy tố 753 vụ (có các vụ tồn từ năm trước).

 

Ông Trí nói vấn đề này phải được quan tâm đồng bộ, hoàn thiện hệ thống pháp luật để đảm bảo yêu cầu cuộc đấu tranh này không chỉ có quyết tâm mà pháp luật, giáo dục... Toàn xã hội phải lên án, khi có vụ việc phải xử nghiêm minh.

 

Về mặt cá nhân, ông Trí nói ông nhận thức là với trẻ em phải bảo vệ chống sự xâm hại trên tất cả mọi mặt chứ không chỉ là xâm hại tình dục. Pháp luật đã hoàn thiện nhưng cao hơn là đòi hỏi sự thực thi pháp luật.

 

vien-truong-le-minh-tri_zgdn_thumb
Ông Lê Minh Trí, Viện trưởng Viện KSND tối cao. (Ảnh: quochoi.vn).

 

Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình tiếp tục nội dung này, ông nói phải làm sao để các cơ quan tố tụng thất nghiệp vì không còn những vụ việc như vậy xảy ra nữa.

 

Ông Bình cho biết, có 93% số vụ xâm hại tình dục trẻ em xử đúng người đúng tội, hơn 6% là xử chưa đúng người đúng tội, tỉ lệ không nhiều nhưng đã gây bức xúc xã hội. Đây là những vụ việc khó khăn trong quá trình thu thập chứng cứ, vì nhiều lý do khác nhau, một phần do tâm lý xã hội, của nạn nhân và gia đình.

 

TAND tối cao đã xuất bản 3 tập giải đáp về nghiệp vụ, có bộ giáo trình riêng để tập huấn việc xét xử cho các tội về xâm hại tình dục trẻ em. Thứ hai là nâng cao năng lực cho cán bộ thực thi, tập huấn cho hơn 6.000 thẩm phán, ban hành những thông tư về hướng dẫn tòa thân thiện, tòa gia đình.

 

Hiện đã có mô hình xét xử thân thiện và triển khai trên toàn quốc trong năm nay, dành cho các vụ việc liên quan đến trẻ em, người chưa thành niên. Những trường hợp với các vụ xâm hại tình dục là phải xử kín, thậm chí thẩm vấn thông qua hệ thống âm thanh chứ không ra trước tòa.

 

ong-Binh-3912-1528188231_600x0
Chánh án TAND tối cao Nguyễn Hòa Bình. (Ảnh: Vnexpress.net).

Tuy vậy, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga không hài lòng. Bà ghi nhận cái khó của các cơ quan tư pháp là khó chứng minh tội phạm trong các trường hợp xâm hại tình dục trẻ em, nhưng cũng có những vụ rõ ràng là thiếu tích cực.

 

"Vụ cháu bé ở Cà Mau, Thủ tướng phải có ý kiến, vụ Nguyễn Khắc Thủy thì Chủ tịch nước phải có ý kiến. Vậy với các vụ không có ý kiến chỉ đạo thì sao?", bà Nga thắng thắn hỏi.

 

le-thi-nga-5925-1528182090_600x0
Bà Lê Thị Nga, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội. (Ảnh: Vnexpress.net).
 

Tham gia giải trình tại phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm khẳng định các vụ bạo hành, xâm hại trẻ em xảy ra rất bức xúc. Trong số đó, các vụ xâm hại tình dục chiếm tới hơn 84%.

 

Số liệu cho thấy 5 tháng đầu năm 2018 đã giảm khoảng gần 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, diễn biến rất phức tạp. Không chỉ trẻ em gái mà trẻ em trai cũng bị xâm hại, không chỉ người VN phạm tội mà người nước ngoài vào VN cũng phạm tội.

 

Công tác điều tra rất khó khăn do việc trình báo không kịp thời, vì tính nhạy cảm nên trẻ em, người thân thường ngại tố giác,không tố giác. Có những trường hợp xâm hại nhiều lần mới bị phát hiện. Nhiều vụ xâm hại không có nhân chứng trực tiếp. Tâm lý trẻ em bị xâm hại không ổn định, khai báo thiếu chính xác, không thống nhất… Do đó, việc điều tra, xử lý gặp rất nhiều khó khăn, có những vụ việc không thể củng cố chứng cứ để xử lý.

 

Giải pháp, theo Bộ trưởng Công an, quan trọng nhất là công tác phổ biến, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của mọi người dân về chăm sóc, bảo vệ trẻ em.

 

thumb-to-lam-1528189336337365860086-1528189968621764815234
Bộ trưởng Bộ Công an - Thượng tướng Tô Lâm. (Ảnh: VTV).

 

"Đối với ngành công an thì chúng tôi sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, lập đường dây nóng, động viên nhân dân cảnh giác, phát hiện và tố giác tội phạm. Chúng tôi cũng đề nghị áp dụng quy trình điều tra thật đặc biệt, xét xử đặc biệt đối với loại tội phạm này", ông Tô Lâm nói.

 

Cùng được mời giải trình, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ với phát biểu của các đại biểu rất bức xúc về tình trạng xâm hại trẻ em, phải đặt quyền lợi của trẻ em lên trên.

 

Tuy nhiên, ông cho rằng không chỉ đặt nặng vấn đề xử lý, mà phải chú trọng phòng ngừa, hỗ trợ trẻ em. Phó Thủ tướng cho biết, từ năm 1990 đã có công ước thế giới về quyền trẻ em, VN là một trong 2 nước đầu tiên ký công ước này.

 

Hệ thống pháp luật VN cũng rất đầy đủ. VN có tới 17 cơ quan có chức năng, nhiệm vụ liên quan đến chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Đặc biệt, luật quy định cụ thể trách nhiệm của chủ tịch UBND cấp xã về lĩnh vực này.

 

"Nhưng vấn đề của chúng ta là không thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật. Ví dụ, luật yêu cầu là phải quy định trách nhiệm người được phân công chịu trách nhiệm công tác bảo vệ trẻ em ở cấp xã, tuy vậy số tỉnh, TP thực hiện quy định này còn rất ít", ông Đam nói.

 

"Hay là việc thứ hai, bố trí nguồn lực để chăm sóc, bảo vệ trẻ em thì thông qua ngành y tế, giáo dục đã tốt, nhưng bố trí nguồn lực để ngành lao động, thương binh và xã hội làm việc này cũng mới chỉ một nửa số địa phương thực hiện…"

 

Nêu số liệu trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục ở VN, phó thủ tướng cho rằng con số 2.000 vụ bạo lực mỗi năm mới chỉ là phần nổi của tảng băng, bởi con số thực tế ở các quốc gia như Mỹ, Nhật, Hàn Quốc lớn hơn rất nhiều.

 

thum-vu-duc-dam-1528190317097898998421-15281910015491873968520
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. (Ảnh: VTV).
 

Phó thủ tướng kêu gọi toàn thể xã hội chung tay chăm sóc, bảo vệ trẻ em. "Không như ngày xưa nữa, yêu thì cho roi cho vọt, ghét thì cho ngọt cho bùi, bây giờ văn minh rồi", Phó thủ tướng nói.

 

Quá nhiều chất vấn, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng trả lời văn bản

 

Giống như phần chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên môi trường cuối buổi sáng, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã mời cùng lúc rất nhiều đại biểu nêu chất vấn để bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH trả lời bằng văn bản.

 

Trong số hàng chục chất vấn được nêu lên, có những chất vấn về những vấn đề, lĩnh vực khá "lạ" so với chủ đề bộ trưởng Đào Ngọc Dung đang giải đáp.

 

Cụ thể, đại biểu Ngàn Thị Phương Loan (Bắc Giang) nêu: "VN có hơn 200.000 trẻ em tự kỷ nhưng việc phát hiện trước 2 tuổi và điều trị hiệu quả chiếm tỉ lệ rất thấp. Xin bộ trưởng cho biết giải pháp và chính sách cho trẻ em tự kỷ?"

 

Câu hỏi này Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị bộ trưởng Bộ Y tế trả lời.

 

Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến đại biểu, khắc phục những tồn tại, hạn chế, hoàn thiện thể chế trong các lĩnh vực phụ trách.

 

Kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung có 51 đại biểu đặt câu hỏi, 18 đại biểu tranh luận. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đánh giá phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, thẳng thắn.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi