Thứ tư, 28 Tháng 3 2018 14:10

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về bảo trợ, cứu trợ xã hội và bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Tại dự thảo, Bộ đề xuất phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Lợi dụng người khuyết tật, tổ chức của người khuyết tật, tổ chức vì người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật; lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.

 

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, các hành vi kỳ thị, phân biệt đối xử người khuyết tật; cản trở quyền kết hôn của người khuyết tật; cản trở quyền nuôi con của người khuyết tật; cản trở người khuyết tật sống độc lập, hòa nhập cộng đồng; cản trở người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội; cản trở người khuyết tật thực hiện quyền tiếp cận công nghệ thông tin; không thực hiện trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng.

 

Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Xâm phạm thân thể của người khuyết tật; xâm phạm nhân phẩm, danh dự của người khuyết tật; xâm phạm tài sản của người khuyết tật.

 

Đối với cơ sở khám chữa bệnh, nếu không tư vấn biện pháp phòng ngừa và phát hiện sớm khuyết tật; không ưu tiên khám bệnh, chữa bệnh cho người khuyết tật đặc biệt nặng và người khuyết tật nặng, trẻ em khuyết tật, người cao tuổi khuyết tật, phụ nữ khuyết tật có thai theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 1- 3 triệu đồng. Phạt tiền từ 3 – 5 triệu đồng đối với hành vi không xác định khuyết tật bẩm sinh đối với trẻ em sơ sinh. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi không thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất phục vụ khám bệnh, chữa bệnh chữa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật khi tiến hành cải tạo, sửa chữa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

 

Cơ sở giáo dục sẽ bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không thực hiện miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo và các khoản đóng góp khác theo quy định của pháp luật về giáo dục; không bảo đảm các điều kiện dạy và học phù hợp với người khuyết tật theo quy định của pháp luật; không cung cấp phương tiện, tài liệu hỗ trợ học tập dành riêng cho người khuyết tật trong trường hợp cần thiết; không cho phép người khuyết tật được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của người khuyết tật không thể đáp ứng; từ chối người khuyết tật nhập học ở độ tuổi cao hơn theo quy định của pháp luật; đặt ra điều kiện tuyển sinh có nội dung hạn chế người khuyết tật, trừ một số trường hợp theo quy định của pháp luật; không thực hiện ưu tiên tuyển sinh đối với người khuyết tật theo quy định của pháp luật; cản trở quyền học tập của người khuyết tật.

 

Cơ sở giáo dục nghề nghiệp không tư vấn việc làm cho người khuyết tật theo quy định của pháp luật sẽ bị phạt từ 3 – 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 10 – 15 triệu đồng đối với hành vi khai báo gian dối để đủ điều kiện thành lập cơ sở giáo dục nghề nghiệp cho người khuyết tật. Phạt tiền từ 15 – 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau đây: Không duy trì các điều kiện theo quy định của pháp luật sau khi được thành lập và hoạt động từ 6 tháng trở lên; không bảo đảm cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề cho người khuyết tật; không bảo đảm giáo trình, phương pháp và thời gian dạy nghề phù hợp với người khuyết tật; không bố trí giáo viên có chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng giảng dạy cho người khuyết tật; không cấp văn bằng, chứng chỉ, công nhận nghề đào tạo khi người khuyết tật có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật; thu phí tư vấn học nghề trái với quy định của pháp luật; không thực hiện miễn, giảm học phí cho người khuyết tật học nghề theo quy định của pháp luật.

 

Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng đối với hành vi từ chối tuyển dụng người khuyết tật có đủ tiêu chuẩn vào làm việc hoặc đặt ra tiêu chuẩn tuyển dụng trái quy định của pháp luật nhằm hạn chế cơ hội làm việc của người khuyết tật…

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi