Quảng Trị: Gấp rút hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho bà con vùng lũ

Hiện tại các khu vực ngập lụt nặng nhất là các xã Vĩnh Long, Vĩnh Lâm, Vĩnh Thủy, (huyện Vĩnh Linh), chính quyền đang gấp...
Thứ tư, 03 Tháng 6 2015 12:37

Hội thảo “Sống độc lập của người khuyết tật Việt Nam” vừa được tổ chức ngày 21/5 tại Hà Nội. Làm sao để người khuyết tật phát huy hết tiềm năng của mình, được đảm bảo quyền tiếp cận, hòa nhập cuộc sống một cách bình đẳng và hiệu quả của việc làm đó cũng như các vấn đề về cơ chế, chính sách, kinh phí hỗ trợ chương trình Sống độc lập của NKT… là những ý kiến, sự trăn trở mà các đại biểu đưa ra thảo luận.

 

TDTS - Song doc lap1

 

Dự Hội thảo có ông Nguyễn Đình Liêu, Chủ tịch Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam; bà Lê Tuyết Nhung, Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ Xã hội (Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội); ông Hiroaki Furihata, Quản lý chương trình Phát triển các Trung tâm Sống độc lập, Đại diện của Chủ tịch Tổ chức Người khuyết tật khu vực châu á – Thái Bình Dương; lãnh đạo và đông đảo hội viên là người khuyết tật của Trung tâm, Câu lạc bộ, nhóm Sống độc lập ở 5 thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng.

 

Sống độc lập – cơ hội thay đổi cuộc sống của NKT

Sau 7 năm hình thành và phát triển dưới sự tài trợ của Quỹ Nippon, phong trào Sống độc lập của người khuyết tật tại Việt Nam đã có những bước đi vững chắc và hiệu quả, tư tưởng và dịch vụ Sống độc lập đã được nhiều người khuyết tật nặng cả nước biết đến.

 

Theo bà Nguyễn Hồng Hà – Giám đốc TT hỗ trợ Sống độc lập Hà Nội thì sống độc lập không có nghĩa là người khuyết tật tự làm tất cả mọi việc hay sống một mình, mà đó là với sự trợ giúp của xã hội và cộng đồng, người khuyết tật có thể sống hòa nhập, có khả năng độc lập tự chủ và tự chịu trách nhiệm trong những vấn đề có liên quan đến cuộc sống của mình. Sống độc lập của NKT và tất cả những thể hiện của nó chính là quyền con người, vì họ được tự lựa chọn, tự quyết định mọi vấn đề có liên quan đến cuộc sống của chính mình và tự chịu trách nhiệm. Tất nhiên, vì sự hạn chế, khiếm khuyết của cơ thể nên họ cần có sự hỗ trợ của xã hội, cộng đồng để có thể làm được những điều kể trên.

 

Sống độc lập được khởi xướng năm 1972 bởi Ed Robert - một thanh niên Mỹ khuyết tật nặng. Nhận thấy sự cần thiết của việc hỗ trợ cá nhân đối với bản thân cũng như cộng đồng NKT, anh đã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp cùng bắt tay thành lập Trung tâm Sống độc lập đầu tiên tại Berkeley. Từ đó, chương trình Sống độc lập được nhân rộng và phát triển mạnh trên toàn cầu. Tại Việt Nam, Trung tâm Sống độc lập đầu tiên được thành lập tại Hà Nội vào năm 2009 với sự tài trợ của Quỹ Nhật Bản (Nippon Foundation). Một năm sau đó, Chương trình Sống độc lập tại thành phố Hồ Chí Minh được triển khai bởi Trung tâm Khuyết tật và Phát triển DRD. Tiếp đó, các nhóm, CLB Sống độc lập đã được thành lập tại các thành phố Cần Thơ, Đà Nẵng và Hải Phòng.

 

Chương trình Sống độc lập đã tổ chức các hoạt động: tham vấn đồng cảnh với mục tiêu lấy lại tự tin và ý thức về khả năng và giá trị của mình cho NKT; tập huấn về kỹ năng sống độc lập; nâng cao năng lực (kỹ năng quản lý, lập kế hoạch, điều phối, làm việc theo nhóm, vận động ủng hộ, tổ chức sự kiện); tập huấn và cung cấp người trợ giúp cá nhân; cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn về hệ thống phúc lợi xã hội, các văn bản chính sách, tiếp cận; tổ chức giao lưu về sống độc lập và thảo luận về những vấn đề của NKT; hỗ trợ những hoạt động nhóm, các buổi dã ngoại và giao lưu của các thành viên để thể hiện kỹ năng sống độc lập.

 

Có thể nói, Sống độc lập đã mang đến một cơ hội thay đổi cuộc sống cho NKT nặng, họ được hỗ trợ để được làm chủ cuộc sống, giúp họ nhận ra và thể hiện khả năng tiềm ẩn của mình. Cũng qua đó, tác động và thay đổi nhận thức của cộng đồng, xã hội về khả năng, quyền bình đẳng tham gia vào các lĩnh vực cuộc sống của NKT.

 

Cần sự tham gia, hỗ trợ của Nhà nước và xã hội

 

Bà Lưu Thị ánh Loan, quyền Giám đốc DRD cho rằng: Với những ý nghĩa tích cực mà chương trình Sống độc lập mang lại cho người khuyết tật, việc phát triển các trung tâm ở địa phương để tư vấn và hỗ trợ cho gia đình về chương trình và kỹ năng sống độc lập là rất cần thiết. Khi NKT nhận ra giá trị của mình và đủ tự tin hòa nhập xã hội, họ sẽ là những người đóng góp lại cho cộng đồng và giảm đi gánh nặng cho xã hội.

 

Tuy nhiên, trong thực tế, vẫn còn rất nhiều rào cản NKT đến với cuộc sống độc lập. Đó là vấn đề kinh phí hoạt động, điều kiện kinh tế và tâm lý e ngại của bản thân NKT, sự bao bọc của gia đình đối với con em mình, NKT nặng chưa được đánh giá đúng khả năng lao động, các công trình công cộng, phương tiện giao thông chưa thân thiện… Bà Nguyễn Hồng Hà, Giám độc TT Hỗ trợ sống độc lập Hà Nội khuyến nghị: “Nhà nước dành một phần ngân sách cho dịch vụ hỗ trợ sống độc lập, cộng đồng và gia đình đối tượng cũng cần có sự quan tâm, đóng góp cho dịch vụ”.

 

Đồng tình với ý kiến này, bà Bùi Thị Hồng Nga– Chủ tịch Hội NKT Cần Thơ đề xuất các tổ chức, nhóm thực hiện chương trình Sống độc lập cần chủ động vận động chính quyền địa phương hỗ trợ ngân sách cho chương trình, đồng thời tích cực vận động tài trợ để mở rộng việc cung cấp dịch vụ cho NKT nặng, tăng số lượng người hưởng lợi cũng như chất lượng của chương trình.

 

Phát biểu tại Hội thảo, ông Nguyễn Đình Liêu - Chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã bày tỏ sự vui mừng trước những kết quả đạt được của chương trình sống độc lập. Ông khẳng định: hỗ trợ người khuyết tật được sống độc lập, tự chủ, bình đẳng và hòa nhập là trách nhiệm của toàn xã hội. Thực tế đã chứng minh, rất nhiều tấm gương NKT nhờ sự hỗ trợ kịp thời, tích cực và đúng cách của gia đình, xã hội đã vượt qua khiếm khuyết, bằng sức lao động, trí tuệ của mình đã đóng góp trở lại cho xã hội. Đối với Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi, trong suốt chiều dài 23 năm hoạt động, bằng các chương trình trợ giúp của mình, đã luôn đồng hành, hỗ trợ, động viên NKT vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Hội đã và đang từng bước chuyển hướng trợ giúp từ nhân đạo sang trợ giúp dựa trên quyền của NKT. Điều đó thể hiện qua việc thực hiện và điều phối các chương trình trợ giúp bền vững như: hỗ trợ sinh kế, dạy nghề tạo việc làm, phẫu thuật phục hồi chức năng, tặng phương tiện trợ giúp… mà hệ thống Hội đang thực hiện hết sức hiệu quả với nguồn kinh phí và số lượng người được trợ giúp tăng lên theo từng năm. Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu cho biết, trong thời gian tới, Hội sẽ tiếp tục chủ động và tích cực tham gia góp ý, xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật về NKT; trợ giúp và hướng dẫn bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, nỗ lực thực hiện có hiệu quả các chương trình trợ giúp để Hội không chỉ là tổ chức hoạt động vì người khuyết tật mà còn mong muốn hòa vào hoạt động của người khuyết tật.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi