Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Có nhiều thực phẩm lành mạnh ăn thường xuyên sẽ giúp đường ruột khỏe mạnh nhưng cũng có một số loại thực phẩm gây hại cho đường ruột của bạn.
Sức khỏe đường ruột đóng một vai trò to lớn đối với các chức năng thiết yếu của cơ thể bạn. Thức ăn đưa vào cơ thể được hệ thống tiêu hóa chuyển hóa và hấp thu để tạo nên các chất dinh dưỡng cung cấp cho cơ thể. Đây là lý do tại sao chế độ ăn uống hàng ngày rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe đường ruột.
Theo PGS.TS. Nguyễn Thị Lâm, nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng Quốc gia, đường ruột khỏe mạnh đóng góp tới hơn 70% hệ miễn dịch biểu mô của cơ thể. Khi đường ruột khỏe mạnh, không bị rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, táo bón... sẽ đảm bảo quá trình tiêu hóa, hấp thu chất dinh dưỡng diễn ra suôn sẻ giúp tăng cường sức khỏe, tăng cường miễn dịch trong cơ thể.
Để giúp bạn chăm sóc đường ruột một cách tối ưu, có một số loại thực phẩm không tốt đối với sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật đường ruột bạn cần tránh tiêu thụ. Nhiều loại thực phẩm và đồ uống trong danh sách này có thể sử dụng ở mức độ vừa phải, vì vậy bạn không cần phải kiêng hoàn toàn. Tuy nhiên, khi những thực phẩm này được tiêu thụ quá mức, chúng có thể làm thay đổi tiêu cực đối với sự cân bằng hệ vi sinh vật trong đường ruột.
1. Thức ăn nhanh gây mất cân bằng vi khuẩn đường ruột
Thức ăn nhanh với hương vị hấp dẫn và giúp bạn tiết kiệm thời gian, nhưng thật không may, thức ăn nhanh là một trong những loại thực phẩm tồi tệ nhất đối với sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật của bạn.
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu - Trường Đại học Y Hà Nội, do thành phần ít chất xơ, nhiều chất béo và đường nên những thực phẩm này gây ra nhiều tác động tiêu cực đến sức khỏe. Thành phần dinh dưỡng của các thực phẩm này có thể gây ra rối loạn hệ vi khuẩn đường ruột, thúc đẩy phản ứng viêm trong cơ thể.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí GUT (Hoa Kỳ) cho thấy thức ăn nhanh có liên quan đến việc tăng mức độ của một số vi khuẩn trong ruột (như vi khuẩn Blautia, Lachnospiraceae và Clostridium bolteae), dẫn đến sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trong ruột. Nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng do sự mất cân bằng này, việc tiêu thụ thức ăn nhanh cũng có liên quan đến bệnh Crohn, hội chứng ruột kích thích (IBS) và viêm loét đại tràng (cũng là một loại bệnh liên quan đến viêm ruột).
2. Thực phẩm chứa nhiều đường
Cùng với thức ăn nhanh, thực phẩm nhiều đường là một trong những thủ phạm hàng đầu gây ra các vấn đề về đường ruột liên quan đến chế độ ăn uống. Bạn nên hạn chế đồ nướng chứa đường đã qua chế biến chẳng hạn như bánh rán, bánh nướng xốp đóng gói, bánh quy, bánh ngọt,... Đây là cách tốt nhất cho sức khỏe đường ruột.
Một báo cáo năm 2020 được công bố trên tạp chí Dinh dưỡng Hoa Kỳ đã kết luận rằng ăn thực phẩm nhiều đường tạo ra nhiều hại khuẩn và làm giảm mức độ lợi khuẩn, gây mất cân bằng hệ vi sinh vật đường ruột của bạn.
Theo một đánh giá được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng châu Âu, đồ uống có đường có liên quan đến sự mất cân bằng của một số vi khuẩn trong ruột và có thể dẫn đến tăng nguy cơ ung thư đại trực tràng khởi phát sớm ở phụ nữ. Theo các nhà nghiên cứu, một trong những lời giải thích hàng đầu cho mối liên hệ này là do đường bổ sung có thể làm xói mòn hàng rào ruột và gây ra mức độ thẩm thấu ruột cao hơn.
3. Thức ăn quá mặn dễ dẫn đến viêm ruột
Ngày càng có nhiều nghiên cứu được công bố về tác động tiêu cực mà chế độ ăn tiêu thụ quá nhiều muối gây ra đối với sức khỏe. Chế độ ăn nhiều muối làm trầm trọng thêm các phản ứng tiền viêm, có liên quan đến sự phát triển của các bệnh tự miễn như viêm khớp dạng thấp, Lupus ban đỏ, bệnh đa xơ cứng và bệnh Crohn.
Theo BS. Phan Thị Hồng Diệu, các bằng chứng ngày càng chỉ ra rằng việc tiêu thụ quá nhiều muối có thể gây nhiều rủi ro đối với sức khỏe con người và ảnh hưởng không tốt đến chức năng của hệ miễn dịch.
Kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí Sinh lý học Hoa Kỳ cho thấy, chế độ ăn nhiều natri có thể dẫn đến tăng mô và viêm ruột, và quá nhiều natri có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột. Trên thực tế, nhiều chuyên gia đã tìm thấy mối liên hệ giữa hệ vi sinh vật đường ruột và tăng huyết áp.
4. Chất làm ngọt nhân tạo
Hiện nay nhiều người sử dụng chất làm ngọt nhân tạo thay thế đường để tiết kiệm calo và giúp giảm cân, nhưng những chất này có thể tác động tiêu cực đến sức khỏe đường ruột của bạn.
Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Nature cho thấy rằng việc tiêu thụ chất làm ngọt nhân tạo thực sự có thể liên quan đến việc phát triển chứng không dung nạp gluten do cách nó có thể làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột của bạn.
Theo một báo cáo mới năm 2023 được công bố trên tạp chí Độc học và Sức khỏe môi trường, sucralose (còn được gọi là Splenda) có trong chất làm ngọt nhân tạo được phát hiện là có khả năng làm tăng nguy cơ rối loạn chuyển hóa, cũng như gây tổn thương niêm mạc ruột và tăng tính thấm của nó.
5. Thực phẩm giàu chất béo bão hòa
Mặc dù là nguồn cung cấp protein dồi dào, nhưng các loại thịt chế biến sẵn như thịt xông khói hoặc xúc xích được biết là có khả năng gây ra các vấn đề cho sức khỏe đường ruột do hàm lượng chất béo bão hòa tương đối nhiều.
Một đánh giá từ tạp chí Dinh dưỡng lâm sàng Hoa Kỳ đã tìm thấy mối liên hệ giữa tổng lượng chất béo ăn vào (cụ thể là chất béo bão hòa) và việc giảm số lượng, sự phong phú và đa dạng của vi khuẩn có lợi trong ruột, tất cả đều là dấu hiệu của sức khỏe đường ruột kém.
Cũng cần lưu ý rằng, thịt chế biến sẵn có hàm lượng natri cao cũng có liên quan đến sức khỏe đường ruột kém hơn.
6. Uống rượu bia không tốt cho đường ruột
Đồ uống có cồn được chứng minh là làm gián đoạn quá trình tiêu hóa bình thường và những người nghiện rượu vừa phải đến nặng thực sự có ít vi khuẩn lành mạnh hơn trong hệ tiêu hóa của họ. Trên thực tế, việc sử dụng rượu kéo dài và với lượng nhiều có thể làm thay đổi sự đa dạng của ruột, tăng tính thấm và tăng viêm.
BS. Phan Thị Hồng Diệu thông tin: Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng uống quá nhiều rượu có thể làm suy giảm hệ miễn dịch, giảm khả năng phòng chống nhiễm trùng của cơ thể, gây tổn thương các cơ quan, tác động tiêu cực đến sức khỏe.
Cũng theo BS. Hồng Diệu, một trong những tác động của rượu là ảnh hưởng đến cấu trúc và tính toàn vẹn của đường tiêu hóa. Rượu làm thay đổi hệ vi sinh vật đường ruột, làm hỏng các tế bào biểu mô, tế bào T và bạch cầu trung tính trong hệ thống đường tiêu hóa.
Tin mới
- Hạnh nhân - loại hạt giàu dinh dưỡng - 25/07/2023 00:28
- Hạt vừng (mè) - Loại hạt nhỏ bé rất tốt cho sức khỏe - 20/07/2023 03:08
- 8 lợi ích không ngờ của cà chua - 17/07/2023 01:52
- 7 loại trái cây và rau quả giải nhiệt và bù nước tốt nhất trong mùa hè - 12/07/2023 03:52
- 3 loại trái cây là lựa chọn tốt cho người đái tháo đường - 11/07/2023 08:56
Các tin khác
- 5 công thức salad mùa hè thanh mát và giàu dinh dưỡng - 03/07/2023 06:41
- 10 cách giúp bạn kéo dài tuổi thọ - 26/06/2023 07:06
- Bổ sung Vitamin C là thứ để giải nhiệt vào mùa hè - 22/06/2023 10:01
- 3 bước trong chế độ ăn uống lành mạnh - 20/06/2023 07:31
- Thanh lọc, thải độc cơ thể theo cách đơn giản - 16/06/2023 04:18