Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt

 Sáng 19/12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự khai mạc Triển lãm Quốc phòng quốc tế...
Thứ hai, 21 Tháng 10 2019 09:27

Theo Quỹ nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), ngày càng nhiều trẻ em tại khu vực Đông Nam Á bị suy dinh dưỡng do ăn quá nhiều mì ăn liền thay thế các loại thực phẩm dinh dưỡng khác.

Theo các chuyên gia đến từ UNICEF, chế độ ăn uống thiếu khoa học và tiện lợi, bao gồm việc ăn quá nhiều mì ăn liền đang đẩy nhiều trẻ em ở Đông Nam Á rơi vào cảnh suy dinh dưỡng hoặc thừa cân.

 

Philippines, Indonesia và Malaysia là những quốc gia có nền kinh tế đang trên đà phát triển và mức sống ngày càng tăng. Tuy nhiên nhiều bậc phụ huynh thường mải bận rộn công việc và lo toan cuộc sống mà quên đi việc dạy trẻ tránh xa các loại thực phẩm ăn liền nhiều chất béo và ít dinh dưỡng như mì ăn liền.

Thậm chí nhiều bậc phụ huynh còn cho trẻ ăn mì ăn liền như một cách để chống đói trong lúc họ không có mặt ở nhà. Trong ba quốc gia này, trung bình 40% trẻ từ 5 tuổi trở xuống bị suy dinh dưỡng, cao hơn mức trung bình toàn cầu.

Hasbullah Thabrany, chuyên gia sức khỏe cộng đồng tại Indonesia chia sẻ với hãng tin AFP: "Cha mẹ tin rằng việc lấy đầy dạ dày cho con cái họ là điều quan trọng nhất. Họ thực sự không nghĩ đến việc bổ sung protein, canxi hoặc chất xơ cho trẻ".

UNICEF khẳng định, tác hại của việc tiêu thụ mì ăn liền ở trẻ phản ánh sự thiếu thốn về thu nhập và cũng là yếu tố dự báo về tình trạng nghèo đói trong tương lai. Trong khi đó, việc thiếu các vi chất như sắt làm giảm khả năng học hỏi của trẻ và làm tăng nguy cơ tử vong ở phụ nữ khi mang thai.

 

Báo cáo của UNICEF cho thấy, có khoảng 24,4 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng ở Indonesia. Con số này ở Philippines là 11 triệu người và Malaysia là 2,6 triệu.

Mueni Mutunga, chuyên gia dinh dưỡng thuộc UNICEF Asia cho biết, việc nhiều gia đình từ bỏ các bữa ăn truyền thống và chuyển sang ăn mì ăn liền vì nó tiện dụng, dễ tiếp cận. Mì ăn liền thường có giá rẻ, chế biến nhanh chóng và đủ để lấp đầy cái bụng đói của nhiều người.

Tuy nhiên Mutunga cho biết, một gói mì có giá 0,23 đô ở Manila, Philippines có rất ít chất dinh dưỡng và các vi chất thiết yếu như sắt và protein. Trong khi đó, hàm lượng chất béo và muối trong mì ăn liền lại cao.

Theo Hiệp hội Mì ăn liền thế giới, Indonesia là nước tiêu thụ mì ăn liền lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc, với 12,5 tỷ khẩu phần trong năm 2018. Con số này nhiều hơn cả tổng số mì ăn liền tiêu thụ tại Ấn Độ và Nhật Bản cộng lại.

 

Nghèo đói chính là nguyên nhân khiến người dân khu vực Đông Nam Á tích cực tiêu thụ mì ăn liền

Mặc dù theo Ngân hàng thế giới, Philippines, Indonesia và Malaysia đều được coi là quốc gia có thu nhập trung bình. Tuy nhiên tỷ lệ dân số có mức sống nghèo đói vẫn còn khá nhiều.

Theo Jayabalan, một chuyên gia y tế công cộng ở Malaysia cho biết: "Nghèo đói là vấn đề cốt lõi". Các gia đình có thu nhập thấp thường phải dè sẻn phần ăn và nấu bữa ăn càng nhanh càng tốt để tiếp tục lao động.

Các hộ gia đình có thu nhập thấp ở Malaysia phụ thuộc phần lớn vào mì ăn liền, khoai lang và các sản phẩm làm từ đậu nành cho bữa ăn chính. Các chuyên gia y tế khẳng định, chính phủ các nước sẽ cần phải can thiệp để đẩy lùi ảnh hưởng của mì ăn liền đối với sức khỏe của người dân Đông Nam Á.

Mặc dù không được nhắc tới nhưng Việt Nam chắc chắn cũng là một quốc gia tiêu thụ mì gói lớn tại Đông Nam Á và tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ do mì ăn liền có lẽ cũng rất cao. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội mì ăn liền thế giới trong năm 2018, Việt Nam đang đứng thứ 5 trong danh sách các quốc gia tiêu thụ mì ăn liền lớn nhất thế giới.

Trung Quốc hiện đứng thứ nhất với 40 tỷ gói mì ăn liền được tiêu thụ trong năm 2018. Xếp thứ hai là Indonesia với 12,5 tỷ gói, Ấn Độ là 6 tỷ gói, Nhật Bản là 5,7 tỷ gói và Việt Nam là 5,2 tỷ gói. Tuy nhiên xét trên quy mô dân số 95 triệu dân vào năm 2018, mỗi người Việt trung bình tiêu thụ gần 55 gói mì/năm, một con số khá lớn.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi