Thủ tướng: Triển lãm Quốc phòng quốc tế Việt Nam có ý nghĩa đặc biệt
Suốt nhiều năm liền, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi luôn loay hoay với bài toán “nuôi con gì, trồng cây gì” để mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sự bứt phá. Đáng mừng là những năm gần đây, sản xuất nông nghiệp ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi đã có bước tiến dài, mở ra cơ hội làm giàu cho người dân.
Nhiều hộ đồng bào dân tộc người Dao ở xã Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ thoát nghèo nhờ ứng dụng các tiến bộ KH&CN trong chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh
Thay vì sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, giá trị kinh tế cây trồng thấp như trước đây thì nay bà con đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng có giá trị cao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, liên kết chặt chẽ giữa các nông hộ, hội viên, thành viên để sản xuất tập trung và tiêu thụ sản phẩm.
Thoát nghèo trên mảnh đất "khó"
Cách đây 8 năm, ông Quàng Văn Bi, xã Quài Nưa, huyện Tuần Giáo, tỉnh Điện Biên đã tận dụng diện tích đất đồi hoang hóa, bạc màu để cải tạo trồng thử nghiệm cây mắc ca. Thấy cây sinh trưởng và phát triển tốt, ông đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng.
Ngày mới trồng, ông Quàng Văn Bi được hỗ trợ phân bón, hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc, kiểm tra, theo dõi sát sao. Sau 5 năm, cây mắc ca đã bắt đầu ra hoa và cho lứa quả đầu tiên.
Hiện nay gia đình ông có hơn 5.000 m2 cây mắc ca đã cho thu hoạch được 3 năm. Trung bình thu hoạch được 700 kg quả/năm, bán được khoảng 25-30 triệu đồng. Với diện tích đất này, nếu trồng ngô, trồng sắn, chỉ được khoảng 3-5 triệu đồng, thấp hơn rất nhiều so với trồng cây mắc ca.
Cây mắc ca là loài cây 3 trong 1 (công, nông, lâm) tuổi thọ hàng trăm năm, có thể trồng trên đất dốc, đất nương bạc màu. Đặc biệt, cây có khả năng hạn chế rửa trôi xói mòn đất, có thể trồng thành rừng phòng hộ với mật độ trên 400 cây/ha, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, góp phần bảo vệ môi trường sinh thái và đem lại hiệu quả kinh tế ổn định.
Bà Phạm Thị Tuyên, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo cho biết, Tuần Giáo là địa phương đi đầu trong trồng cây mắc ca. Toàn huyện có khoảng 1.400 ha cây mắc ca do người dân góp đất với doanh nghiệp mắc ca trồng. Kể từ năm 2013, sau khi cây mắc ca được trồng thí điểm tại huyện Tuần Giáo, đến nay cây mắc ca đã và đang góp phần mang lại hiệu quả thiết thực, giải quyết 3 bài toán khó đối với huyện cửa ngõ Tuần Giáo là "kinh tế - xã hội - môi trường".
Những năm qua, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn trăn trở tìm cách khai thác vùng đất xấu, kém hiệu quả, chỉ trồng lúa, ngô, sang mô hình kinh tế mới hiệu quả hơn.
Tại xã miền núi Yên Sơn, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ, đời sống đồng bào dân tộc Dao vốn gặp nhiều khó khăn do thiếu nước sản xuất, tỉ lệ hộ nghèo cao.
Năm 2017, gia đình ông Đặng Văn Thư cùng 40 hộ khác được hỗ trợ chăn nuôi bò thịt theo hướng thâm canh. Các gia đình được tập huấn, trang bị những kiến thức đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản và bò thịt, một số biểu hiện của bò khi mắc bệnh, vệ sinh chuồng trại, phòng bệnh cho bò, kỹ thuật vỗ béo cho bò, xử lý ủ phân thành phân hữu cơ… theo phương thức "cầm tay chỉ việc". Trên diện tích đất xấu chỉ trồng được một vụ, ông Thư được hướng dẫn trồng cỏ VA06, thu hoạch 4 lứa/năm, tạo nguồn thức ăn thô cho đàn bò.
Ông Thư chia sẻ: "Nếu ở vùng đồng bằng hoặc các vùng có điều kiện thuận lợi khác, có thể những điều đó là không mới, nhưng với vùng đồng bào dân tộc miền núi, vùng khó khăn, chúng tôi được trang bị kiến thức này là rất quý".
Sau 3 năm thực hiện dự án, từ 2 con bò sinh sản được cấp, đàn bò của gia đình ông Thư đã phát triển lên 5 con với tổng giá trị 140 triệu đồng. Thu nhập từ nuôi bò cùng với một số khoản thu nhập khác của nhà nông đã giúp gia đình ông Thư thoát nghèo, trở thành hộ có thu nhập trung bình khá.
Theo Ủy ban Dân tộc, trong những năm qua, nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội nên đời sống của đồng bào các DTTS nhìn chung ổn định và ngày càng được cải thiện.
Năm 2022, tỉ lệ nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1-1,5%/năm; trong đó tỉ lệ hộ nghèo DTTS giảm trên 3%/năm; tỉ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm 4-5%/năm. Một số tỉnh ước tỉ lệ nghèo giảm nhanh như: Hà Giang giảm 4%/năm, Lào Cai giảm 6%/năm, Yên Bái giảm 4,05%, Quảng Ngãi giảm 4,7%/năm, Lạng Sơn giảm 3%.
Tình hình kinh tế, đời sống của người dân vùng DTTS và miền núi năm 2022 cơ bản ổn định nhờ kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 từ đầu quý II năm 2022 và thực hiện hiệu quả Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ. Sản xuất công - nông - lâm - ngư nghiệp vùng DTTS&MN có sự phục hồi, phát triển khá toàn diện cả về năng xuất, chất lượng, sản lượng; chuyển đổi cơ cấu ngành nghề, cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Phong trào xây dựng nông thôn mới đang được đẩy mạnh, bộ mặt nông thôn vùng DTTS&MN ngày càng khởi sắc... Một số địa phương vùng DTTS đạt mức tăng trưởng cao như: Lai Châu (9%), Tuyên Quang (8,8%), Hòa Bình (9,3%), Bình Phước (9,1%), Gia Lai (9%), Sóc Trăng (7,71%)...
Vườn cây giống mắc ca phát triển tại tỉnh Điện Biên
Gia tăng giá trị canh tác cho đồng bào dân tộc thiểu số
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết phát triển nông nghiệp là nhiệm vụ hàng đầu trong chính sách phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi.
"Một lĩnh vực hết sức quan trọng để giúp đồng bào dân tộc nhanh chóng thoát nghèo là nông nghiệp", Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định.
Theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, thời gian qua, Nhà nước rất quan tâm, dành nhiều nguồn lực để thực hiện các chính sách phát triển nông nghiệp ở vùng DTTS và miền núi, thể hiện trong các Nghị quyết của Đảng, cũng như Nghị quyết của Quốc hội và các chính sách của Chính phủ.
Tuy nhiên, hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp ở vùng đồng bào DTTS và miền núi có nhiều việc phải giải quyết. Trong đó, vấn đề đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và kết nối thị trường để bà con nhân dân chuyển đổi về tập quán canh tác, sản xuất là những trọng điểm ưu tiên.
"Một trong những mục tiêu hết sức quan trọng là phải giải quyết tình trạng thiếu đất sản xuất. Chỉ khi giải quyết được tư liệu sản xuất quan trọng này, mới phát triển được nông nghiệp, nông dân, nông thôn theo đúng tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng", Bộ trưởng Hầu A Lềnh nói.
Thứ hai là thiết kế lại mô hình sản xuất, thông qua các tổ hợp tác, hệ thống hợp tác xã, các mô hình về sản xuất nông nghiệp bảo đảm bền vững và có sự kết nối với thị trường.
Tuy nhiên, một khó khăn trong phát triển nông nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi là địa bàn hiểm trở, mặc dù diện tích đất rất rộng nhưng đất cho canh tác và sản xuất thiếu, nên tư liệu sản xuất về đất đai rất khó bảo đảm cho người dân. Điều này đòi hỏi phải nâng cao được giá trị sản xuất trên một đơn vị canh tác.
Muốn vậy, phải ưu tiên tăng cường nghiên cứu, chuyển giao KH&CN; chuyển đổi giống, nâng cao chất lượng, năng suất lao động, sản xuất để làm sao trên một đơn vị canh tác có nhiều vụ, làm ra nhiều sản phẩm khác nhau và tăng thu nhập cho người dân.
"Đây là vấn đề mà hiện nay Bộ NN&PTNT và Ủy ban Dân tộc đang tập trung nghiên cứu, thực hiện lồng ghép trong cả hai Chương trình mục tiêu quốc gia là: Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi và Chương trình xây dựng nông thôn mới. Và phải lồng ghép vào mới thực hiện hiệu quả được", Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết.
Cũng theo Bộ trưởng Hầu A Lềnh, việc kết nối thị trường để tiêu thụ sản phẩm cho bà con là một vấn đề khó bởi nhận thức của bà con dân tộc thiểu số trong quá trình canh tác, sản xuất chưa chú trọng làm thương hiệu sản phẩm, quảng bá, kết nối thị trường. Do đó, Nhà nước cần phải hỗ trợ tích cực.
Ngoài ra, vấn đề khó khăn nữa đó là sản xuất và tiêu thụ hàng hóa theo tiêu chuẩn xuất khẩu. Vùng đồng bào dân tộc thiểu số có những sản phẩm đặc hữu. Muốn nâng cao giá trị thì phải sản xuất và xuất khẩu chính ngạch, đa dạng các thị trường. Để làm được điều này, phải có quy hoạch hết sức bài bản và phải phổ biến, tuyên truyền, vận động , nhân rộng mô hình sản xuất tiên tiến, hiện đại cho đồng bào trong thời gian tới. Như vậy, mới tạo ra sản phẩm có thương hiệu, nguồn gốc rõ ràng, có chất lượng, hướng tới nhiều thị trường khác nhau, từ đó tăng thu nhập cho đồng bào.
Trong đó, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi đã thiết kế các dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp như Dự án 1: giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; Dự án 2: quy hoạch, sắp xếp, bố trí, ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; Dự án 3: Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị.
Ủy ban Dân tộc với chức năng, nhiệm vụ của mình sẽ cùng với các bộ, ngành có liên quan, đặc biệt là Bộ NN&PTNT và các địa phương đang cụ thể hóa những chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, Chính phủ về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi thành những hành động cụ thể trong thời gian tới.
Tin mới
- CẢI TẠO VƯỜN TẠP, PHÁT TRIỂN KINH TẾ HỘ, GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG Ở XÃ NIÊM TÒNG ( HUYỆN MÈO VẠC, TỈNH HÀ GIANG) - 02/03/2023 08:00
- Tín dụng chính sách xã hội “điểm sáng” trong chính sách giảm nghèo - 01/03/2023 09:00
- Tăng tuổi nghỉ hưu, lương hưu năm 2023 - 21/02/2023 03:49
- Thủ tục khám, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế năm 2023 người dân cần biết - 20/02/2023 06:29
- Chi tiết mức đóng bảo hiểm y tế tự nguyện năm 2023 - 13/02/2023 10:39
Các tin khác
- Đào tạo nghề gắn với thế mạnh địa phương để giảm nghèo bền vững - 13/12/2022 22:13
- Thách thức mới cho công tác chăm sóc sức khỏe người cao tuổi - 09/12/2022 06:59
- Lịch nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 - 05/12/2022 04:36
- Từ 1.1.2023 có thể tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trên Cổng Dịch vụ công quốc gia - 30/11/2022 10:02
- Chăm lo, hỗ trợ 1 triệu người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết - 30/11/2022 07:50