Thứ hai, 28 Tháng 3 2022 11:15

Khởi đầu là ý tưởng cá nhân do Trà Hồng Lê, bí thư chi đoàn Trung tâm Hỗ trợ thanh niên công nhân TP.HCM (YEAC), thực hiện, đến nay nỗ lực hỗ trợ các trẻ này đã trở thành những dự án cụ thể.

 

Những gia sư của trẻ em nghèo - Ảnh 1.

Thời gian đầu, để làm quen với việc học trực tuyến, trẻ em trong cùng khu trọ được tập trung lại học cùng nhau

Cách đây 4 năm, Hồng Lê ở cùng khu trọ tại quận 2 với hai bé Lý Văn Nhân (10 tuổi) và Lý Thị Bích Nhẫn (11 tuổi). Nhân và Nhẫn là hai trong số 5 anh em có cha mẹ ly thân, hiện ở cùng mẹ và ông bà ngoại (đều làm công nhân vệ sinh rác). 

Cả gia đình ba thế hệ không ai biết chữ. Do không có giấy khai sinh, 5 đứa trẻ cũng không có cơ hội được đến trường. Là hai trẻ lớn nhất, Nhân và Nhẫn phải ở nhà chăm em để mẹ và ông bà đi làm.

Không chỉ Nhân và Nhẫn, số lượng trẻ có hoàn cảnh nghèo khó khăn khiến các em không thể đến trường mà phải cùng cha mẹ đi làm hồ, gom rác, bán vé số hay ở nhà trông em khá nhiều.

Trăn trở về học vấn của những đứa trẻ nghèo, Hồng Lê đã rà soát các chương trình đào tạo đang triển khai và hiện có tại YEAC. Cô đặc biệt chú ý đến "Gia sư áo xanh" - chương trình được khởi động năm 2018 do Trung tâm Hỗ trợ học sinh, sinh viên (SAC) phối hợp với YEAC tổ chức cho con em thanh niên công nhân sinh sống tại các khu lưu trú văn hóa trực thuộc đơn vị này.

"Những ngày đầu tiên các bạn gia sư xuống dạy, nhiều phụ huynh lại không đồng ý, các bé ngủ trưa cũng không chịu dậy. Nhiều lúc phụ huynh tụ tập nhậu nhẹt vào thời gian rảnh, đánh đập trẻ… khiến không gian vô cùng ồn ào, ảnh hưởng đến quá trình dạy học", Lê nói.

Mỗi lần nghe các gia sư phản ánh, Lê lại chạy xuống gặp phụ huynh trao đổi, tâm sự. Cô quan tâm đến cuộc sống của người dân tại đây, thỉnh thoảng cùng các bạn trong chi đoàn mang quà và nhu yếu phẩm tặng. 

 Mặt khác, Hồng Lê cũng động viên gia sư để các bạn sẵn sàng tinh thần. Lê trải lòng nhiều lúc cô rất buồn khi thấy mọi nỗ lực của mình và các gia sư tình nguyện bị phụ huynh và các bé từ chối, không hợp tác. Tuy nhiên, nhìn thấy tương lai mờ mịt của chúng, những người trẻ này lại tiếp tục cố gắng vì tình thương.

Dịch bệnh khiến chương trình "Gia sư áo xanh" tạm dừng. Không muốn để các em nhỏ tiếp tục dở dang việc học, Hồng Lê lập ra dự án "Gia đình cùng học" triển khai lần đầu vào tháng 4-2021. Cô thấy vui mừng khi có nhiều bạn trẻ và cả giáo viên giàu kinh nghiệm tình nguyện tham gia giảng dạy, sau đó kết nối với cả giáo viên bản xứ. 

Một trong những thành viên đầy tâm huyết với lớp là cô Võ Đăng Uyên - người đã quyết định bỏ công việc thuyết minh viên tiếng Anh tại Bảo tàng Tôn Đức Thắng để "đầu quân" về YEAC, tập trung tình nguyện hỗ trợ dạy học cho con em và thanh niên công nhân, người lao động.

"Tụi mình tổ chức dạy tiếng Anh giao tiếp cho các gia đình, khóa học kéo dài 6 tháng. Có 11 gia đình đăng ký tham gia, trong đó ít nhất là 2 người và nhiều nhất là 4 người. Việc học cùng nhau giúp các thành viên trong cùng một nhà tự tin và thoải mái hơn khi tương tác với giáo viên. Khi kiến thức tương đối vững, học viên được tạo điều kiện để trò chuyện với người bản xứ", Lê nói.

Bà Thạch Thị Hồng Gấm, bà ngoại bé Nhân và Nhẫn, cho biết trong ba năm qua kể từ khi tham gia lớp học do YEAC mang đến, giờ đây cả hai em đều đã biết đọc. Dù không biết chữ, bà Gấm cũng tạo điều kiện cho cháu được học bằng cách cho Nhân và Nhẫn mượn điện thoại vào lớp trực tuyến. 

Trong khi đó, hai giáo viên người bản xứ, ông Hervey Taylor (người Mỹ) và Darren Smale (người Anh), đều đánh giá cao tinh thần ham học của các trẻ. Họ cho biết dù sống trong hoàn cảnh nghèo khó nhưng các em nhỏ đều rất nhiệt tình, phấn khởi và chủ động nắm bắt lấy cơ hội được trau dồi kiến thức.

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi