Thứ năm, 21 Tháng 3 2019 09:53

Đó là tâm sự của Bác sĩ Đinh Huỳnh Linh, người đã có nhiều năm công tác trong lĩnh vực tim mạch cũng như tham gia giảng dạy bộ môn tim mạch tại Đại học Y Hà Nội.


ThS.BS Đinh Huỳnh Linh khám bệnh cho bệnh nhân

 

Đối với vị bác sĩ trẻ này, việc khám chữa bệnh và nghiên cứu các phương pháp phẫu thuật cải tiến mỗi ngày là niềm vui, là ý nghĩa cuộc sống.

 

Là thủ khoa đầu vào năm 2000 đồng thời là thủ khoa đầu ra năm 2006 của ĐH Y Hà Nội, ThS.BS Đinh Huỳnh Linh chọn con đường trở thành bác sĩ nội trú, sau đó được ĐH Y Hà Nội giữ lại làm giảng viên Bộ môn Tim mạch. Vừa làm giảng viên ở trường, BS. Linh vừa làm việc tại Viện Tim mạch Quốc gia Việt Nam.

 

Mong cống hiến cho y học Việt Nam

 

BS. Đinh Huỳnh Linh cũng đã hoàn thành khoá học Bác sĩ nội trú chuyên ngành Tim mạch can thiệp tại Trung tâm Tim mạch Quốc gia Singapore nên rất muốn áp dụng những kiến thức mới giúp bệnh nhân vượt qua những khoảnh khắc sinh tử. Học giỏi là thế, cơ hội du học và làm việc tại nước ngoài luôn mở rộng trước mắt BS. Linh nhưng anh vẫn chọn con đường gắn bó với ngành y Việt Nam. “Đặc thù của ngành y khác hẳn các ngành khác, những trải nghiệm phải trên thực tế bệnh nhân. Đối với tôi sự trải nghiệm này ở Việt Nam tốt hơn những nơi khác. Tôi yêu đất nước mình, muốn gắn bó và cống hiến cho nền y học Việt Nam, cứu chữa cho đồng bào”, BS. Linh chia sẻ.  

 

BS. Linh cho rằng với ngành y, 13 năm là khoảng thời gian ngắn nên anh còn phải học hỏi rất nhiều mới hoàn thiện năng lực chuyên môn, bản lĩnh nghề nghiệp để trở thành một thầy thuốc giỏi. BS. Linh không ngừng nghiên cứu và tìm ra các phương pháp phẫu thuật tiên tiến mới trong chuyên khoa tim mạch, mở ra đường sống cho nhiều bệnh nhân trên cả nước.

 

Cho đến nay, ThS.BS Đinh Huỳnh Linh đã có 4 công trình nghiên cứu về phẫu thuật tim mạch được công bố trên các trang báo quốc tế và đưa vào sử dụng rộng rãi.

 

Đam mê là vậy, nhưng cũng khó tránh khỏi những căng thẳng trong công việc, BS. Đinh Huỳnh Linh chia sẻ, áp lực lớn nhất không phải từ bệnh nhân hay công việc, mà đó là thời gian làm việc. Mỗi tuần, anh phải làm việc hơn 60 giờ. Có hôm phải mổ 10 ca, suốt ngày đứng mổ. 

 

“Nhiều khi muốn có thời gian nghỉ ngơi để chợp mắt sau những ca mổ nguy hiểm nhưng cứ nghĩ đến số ca bệnh đang từng phút, từng ngày ngoài hành lang bệnh viện chờ các bác sĩ giải cứu, tôi lại phải cố gắng vực lại tinh thần vì bệnh nhân. Thú thật những lúc như vậy cũng chỉ ước thời gian một ngày có nhiều hơn 24 tiếng để có thể khám chữa bệnh và nghiên cứu được nhiều tài liệu hơn nữa.

 

Áp lực là vậy nhưng rồi cũng thành thói quen, tôi thường tự nhủ với bản thân, thế hệ các bác sĩ, giáo sư đầu ngành cũng trải qua một ngày làm việc liên tục như vậy thì không có lý gì một người trẻ như mình lại chịu thua”, BS. Linh tâm sự.

 

Sở hữu nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhưng BS. Đinh Huỳnh Linh cho rằng như vậy không bao giờ là đủ, sự tiến triển của Y học là liên tục, dù đây là ngành có lịch sử lâu đời hàng chục nghìn năm nhưng cho tới thời điểm hiện tại, nó cũng không ngừng hoàn thiện và nâng lên tầm cao mới mỗi ngày.

 

Đơn cử như chuyên khoa tim mạch anh đang phụ trách, gần như các kỹ thuật khám chữa bệnh thay đổi theo từng năm một, nên anh cũng phải không ngừng tự học tập mỗi ngày.

 

Theo BS. Đinh Huỳnh Linh, mỗi bác sĩ luôn luôn phải tự đào tạo lại chính mình mỗi ngày bằng cách đọc sách, trao đổi cùng đồng nghiệp và tham gia vào các nghiên cứu quốc tế. Dù thời gian rất eo hẹp phải tranh thủ từng tí một, nên giờ ăn trưa, giờ nghỉ trưa, trước khi đi ngủ, buổi sáng thức dậy… đều là lúc lí tưởng để đọc sách cập nhật kiến thức thường xuyên.

 

Không có nghề nghiệp nào trong xã hội được người dân hoàn toàn tin tưởng và giao mạng sống của mình như nghề bác sĩ. Khi các bác sĩ khoác áo blouse trắng lên người là đồng nghĩa với trách nhiệm cứu người, cứu hy vọng, “cho nên trong bất cứ trường hợp nào, nếu chỉ cần có rủi ro cho bệnh nhân là tôi sẽ không mạo hiểm”, BS. Linh tâm sự.

 

Người thầy của những người thầy

 

Có lẽ không có người thầy nào đặc biệt như những người thầy thuốc kiêm thầy giáo. Họ chính là người thầy của những người “thầy”, họ vừa tham gia vào sự nghiệp “trồng người” lại vừa tích cực công hiến trong công tác cứu người.  

 

BS. Đinh Huỳnh Linh cũng là một người thầy đặc biệt như vậy. Anh yêu thích công việc giảng dạy, chuẩn bị bài và tìm tòi các hướng tiếp cận để sinh viên dễ hiểu; luôn xây dựng thời gian biểu cho mình hằng tuần, hằng tháng để sắp xếp thời gian dạy cho sinh viên và khám chữa bệnh luôn khoa học, không bị chồng chéo.

 

Tự ý thức được trọng trách vừa là bác sĩ, vừa là thầy giáo trên giảng đường, hai nghề cao quý nhất trong xã hội, BS. Đinh Huỳnh Linh luôn là người truyền lửa yêu “nghiệp Y” cho sinh viên của mình. 

 

“Đối với học trò, tôi luôn quan niệm, bản thân người thầy là tấm gương phản chiếu hành động cho sinh viên. Không ít các bạn sinh viên hiện nay đang mệt mỏi trước guồng quay công việc, lấn át hết niềm yêu thích khi bắt đầu. Vì vậy, ngoài việc truyền dạy kiến thức và lòng yêu nghề tôi luôn giúp các bạn tự tìm ra điều thú vị trong công việc, để các bạn thấy thực sự đam mê nghiên cứu và khám chữa bệnh”.

 

Sinh viên ngành y là một trong những sinh viên chăm chỉ nhất, bởi thực tế công việc đã đưa các bạn trẻ vào khuôn phép. Trong 6 năm học, khối lượng kiến thức, công việc rất nhiều, thời gian biểu sáng học lâm sàng ở bệnh viện, chiều lên giảng đường, tối phải tự học trên thư viện, gần như hoạt động 15 giờ một ngày.

 

“Nhiều khi nhìn sinh viên của mình vất vả tôi cũng thương các em, nhưng không vì thế mà nuông chiều, càng nghiêm túc trong việc giảng dạy kiến thức lâm sàng cho các em bao nhiêu thì sẽ giảm được rủi ro nghề nghiệp cho các em sau này bấy nhiêu”, BS. Đinh Huỳnh Linh chia sẻ.

 

Người thầy là người truyền đạt tri thức cho người khác, cho thế hệ trẻ. BS. Linh hiểu rất rõ khi tri thức ấy chính là tính mạng, là sức khỏe của con người thì quá trình “truyền đạt” cần tâm huyết và sự nỗ lực lớn nhất. Người thầy thuốc, thầy giáo vừa phải làm sao cho học trò của mình hiểu được kiến thức mà phải hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu chắc và có thể thực hành tốt, vừa phải giúp các em hiểu được đạo đức nghề nghiệp và phát huy được nó trong công việc.

 

Cũng như BS. Đinh Huỳnh Linh, những thầy giáo, cô giáo đang tham gia giảng dạy truyền đạt kiến thức cho thế hệ tương lai trong các trường y, dược trên cả nước dù ở giảng đường hay bệnh viện đều xứng đáng được cả xã hội tôn vinh và trân trọng bởi những đóng góp hết sức quan trọng và nhân văn của họ.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi