Thứ năm, 01 Tháng 9 2016 14:08

Trong căn nhà xuống cấp ấy, bà Phan Thị Hồng Nga (ấp 2, xã Lộc Điền, Lộc Ninh, Bình Phước) hàng ngày phải chăm nuôi cho 3 người con khuyết tật cùng với người cha già gần 100 tuổi và người chị bệnh tật, đau yếu triền miên.

ở cái tuổi bên kia bờ dốc cuộc đời, nhiều người cùng tuổi với bà Phan Thị Hồng Nga đã được hưởng hạnh phúc, an nhàn bên con cháu, thế nhưng người phụ nữ ấy vẫn từng ngày, từng giờ canh cánh nỗi lo cơm áo gạo tiền, những mong có thêm điều kiện phụng dưỡng cha già, lo lắng cho đàn con khuyết tật đều ở độ tuổi trưởng thành.

DCC11GD

Gia đình bà Nga

Sau tiếng nấc nghẹn, đôi mắt nhòa đi theo dòng lệ, bà chia sẻ về hoàn cảnh éo le của mình. Bà Nga vốn là người quê gốc Quảng Ngãi, theo gia đình vào Bình Phước sinh sống, lập nghiệp từ những năm 50. Thời chiến tranh, bà Nga hăng hái tham gia quân ngũ, trở thành một nữ du kích năng nổ, nhiệt huyết, sẵn sàng hy sinh sức trẻ cho nền độc lập nước nhà.

Cũng trong thời gian tham gia quân ngũ, bà Nga đã tìm được bến đỗ hạnh phúc bên người đồng đội và tiếp tục công tác trong ngành công an tại biên giới Campuchia sau khi hoàn thành nhiệm vụ. Nhớ lại kỷ niệm thời thanh xuân, đôi mắt bà ánh lên niềm vui khi nhắc đến kỷ niệm bà biết mình có thai, hồi hộp, mong đợi từng ngày để chào đón đứa con đầu lòng, trái ngọt tình yêu đầu tiên của vợ chồng bà. Nhưng rồi gương mặt bà trùng xuống khi kể đến bao biến cố gia đình. Niềm vui đến thật nhanh nhưng đi cũng thật nhanh, bà Nga như ngã khuỵu khi cậu con trai đầu lòng sinh ra đã bị mù bẩm sinh và mắc thêm chứng bệnh tâm thần.

Nuôi dưỡng hy vọng, vợ chồng bà sinh thêm người con thứ hai, rồi thứ ba để tìm kiếm đứa con lành lặn, mong mỏi có được chút niềm vui, hạnh phúc làm người của các con, nhưng ngặt nỗi cả 3 người con đều mắc khuyết tật mù bẩm sinh. Khi đi khám thì bà vỡ lẽ các con bà bị khuyết tật do gen di truyền.

Trong suốt thời gian chiến tranh gian khổ, tuy cuộc sống thiếu thốn, cơ cực, vợ chồng bà vẫn chung sống hạnh phúc bên nhau, nhưng khi hòa bình, nhìn thấy các con đứa nào cũng tật nguyền, cuộc sống thiếu thốn, chồng bà đã bỏ đi và xây dựng hạnh phúc mới. Từ đó, một mình bà cáng đáng cả gia đình bệnh tật. 3 đứa con khuyết tật, thêm người cha già yếu và cả người chị ruột mắc bệnh tiểu đường nặng.    

Cuộc sống túng thiếu mọi bề, bởi thế, hàng ngày bà tranh thủ đi lượm ve chai, rồi ra chợ xem ai có thuê mướn bốc vác, dù vất vả, cơ cực mấy bà Nga cũng xin nhận làm, chỉ mong có tiền thuốc thang cho người thân và thêm đồng mua gạo, mua rau. Trong khi đó, sức khỏe của bà cũng thường xuyên đau yếu, tuổi đời đã ngoài 60, lại mắc chứng bệnh thái hóa cột sống nên một tuần, cố gắng lắm bà Nga cũng chỉ đi làm thuê, làm mướn được 3,4 ngày là cùng.

Được biết, chị bà Nga cũng đã từng có gia đình, nhưng chồng chết, con cũng bị mù. Nhìn người thân của mình như vậy, bà chịu sao đành nên cố gắng cáng đáng luôn cả người chị gái bệnh tật mà không một lời than vãn.

Mặc dù, những người thân của bà cũng được hưởng chế độ trợ cấp xã hội với số tiền 1,2 triệu đồng/tháng, nhưng gia đình 6 người, 5 người bệnh nặng không thể lao động, số tiền ấy chẳng thấm vào đâu. Tuy khó khăn như vậy, nhưng bà Nga cố gắng xoay xở chi tiêu để không phải mắc nợ. Có chăng chỉ là nợ cái nợ ân tình bà con hàng xóm giúp đỡ cho vài kg gạo trong lúc khó khăn ngặt nghèo.

Căn nhà gia đình bà đang ở là căn nhà tình thương, được xây dựng vào năm 2002, nhưng giờ đã xuống cấp, dột nát, không có tiền sửa sang. Bà chỉ dám ước một điều ước giản đơn, mong sao có được nguồn hỗ trợ để chăn nuôi, trồng trọt, tăng gia sản xuất, bởi sức bà đã yếu, không còn đủ sức làm thuê những việc nặng.

Hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà Phan Thị Hồng Nga cần lắm sự chung tay, giúp đỡ của các tấm lòng hảo tâm xa, gần. Mọi sự giúp đỡ xin gửi về địa chỉ: Phan Thị Hồng Nga, ấp 2, xã Lộc Điền, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước.

 

 

 

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi