Thứ tư, 29 Tháng 7 2015 06:50

Họ là mẹ chồng, nàng dâu. Hai người phụ nữ sống cảnh lầm lũi với nỗi đau chất chồng khi 2 người đàn ông của họ đã ra đi mãi mãi. Đói nghèo, khổ cực... cuộc sống của cả hai mẹ con phụ thuộc hoàn toàn vào mọi người giúp đỡ.


Người vợ tàn tật chứng kiến con chết vì tai nạn, chồng chết vì ung thư

 

Về thăm chị, điều khiến tôi nhớ nhất có lẽ chỉ là nước mắt và những tiếng nấc nghẹn ngào, run rẩy. Bị di chứng của việc tổn thương não nên đã từ lâu chân, tay của chị không còn hoạt động được bình thường nữa, vì vậy mà đoạn đường ngắn củn chỉ vài mét từ ngoài sân vào trong nhà với chị cũng chật vật, loay hoay mãi không xong. Chị kể như chực khóc: "Sống khổ lắm em ơi khi trở thành gánh nặng cho mọi người nhưng không chết được bởi con gái chị đang nằm viện, mẹ chị thì hơn 90 tuổi già lắm rồi".

 

Noi dau01.nhandao
Bị di chứng của tổn thương não nên chân tay chị Lý run lẩy bẩy, không tự đi được.


Noi dau02.nhandao
Mẹ đẻ của chị phải sang nhà chăm con gái để con còn hương khói cho chồng, cho con.

 

Chị là người phụ nữ Phan Thị Lý (thôn 11, xóm Thái Bình, xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) với nỗi đau như có thể chết đi được khi cùng lúc mất đi 2 người thân yêu nhất. Chỉ lên tấm ảnh thờ của con trai, chị nghẹn lại, ngắt quãng từng từ: "Em nó mất năm 2013 vì tai nạn giao thông, khi ấy em nó đang học năm 2 trường ĐH Xây Dựng ở Hà Nội".

 

Noi dau03.nhandao
Nỗi đau mất chồng, mất con khiến chị nghẹn lại.

 

Nỗi đau mất con khiến vợ chồng chị hoàn toàn suy sụp, nhưng vẫn phải gắng gượng sống vì còn 1 cô con gái và mẹ già ngày ấy đã 90 tuổi. Ấy vậy nhưng liền ngay sau đó, chồng chị là anh Phạm Văn Đoan bất ngờ phát hiện căn bệnh ung thư phổi phải lên nhập viện gấp và liền sau đó là những đợt xạ trị dài ngày. Gắng gượng được gần 3 năm thì anh cũng mất với lời trăn trối sau cùng: "Em phải sống để làm chỗ dựa cho mẹ và con gái chúng ta. Anh xuống với con trai để nó không còn cô đơn nữa" – chị Lý nghẹn ngào nhớ lại.

 

Con không còn, chồng cũng đi khỏi, người đàn bà vốn tàn tật càng trở nên sợ hãi, hoang mang nhưng vẫn cố gắng gượng. Để đảm bảo mọi sinh họat đi đứng, ăn uống, mẹ đẻ của chị là bà Phan Thị Hợp năm nay đã 75 tuổi phải sang nuôi con gái với bữa rau, bữa cháo nhờ số tiền 300.000 đồng chị được trợ cấp.

 

Người mẹ già 93 tuổi sợ sống trong ngôi nhà của chính mình bởi những kỉ niệm về con

 

Nói chuyện với tôi, cụ Nguyễn Thị Khuy năm nay đã 93 tuổi chỉ chực trào nước mắt. Đôi tai không còn nghe rõ nữa, đôi mắt cũng cái còn, cái mất, ấy vậy mà đến những giọt nước mắt cuối cùng cụ cũng chắt cả để cho con.

 

Noi dau04.nhandao
Cụ Khuy thương con, nhớ cháu đến quặn lòng.

 

Cụ bảo: "Nhớ thằng cháu Hùng, nó ngoan lắm. Nhớ bố của nó là anh Đoan, anh ấy bỏ mẹ già đi 3 tháng nay rồi". Chỉ kịp nói có thể rồi cụ lại khóc, đôi tay nhăn nheo, yếu ớt ôm chặt tấm di ảnh của con. Chứng kiến cảnh tượng này, không ai cầm được nước mắt. Thương cụ, thương cả người con, người cháu xấu số đã vội vã ra đi bỏ lại người bà, mẹ già đêm ngày mòn mỏi khóc than.

 

Vì quá nhớ thương con, thương cháu nên cụ Khuy không chịu được cảm giác khi ở trong ngôi nhà – nơi mà trước đây đã từng là tổ ấm của cụ. Cô Phạm Thị Nhiên (con gái cụ Khuy) nghẹn lời kể chuyện mẹ: "Giờ cụ sang sống ở căn nhà bé tí ở bên kia kìa cháu. Cụ không có ai chăm sóc nên cô về đây chăm cụ. Giờ cụ già rồi, nhu cầu ăn uống hay sử dụng tiền bạc ít lắm, vậy mà các cô cũng không lo được cho cụ cháu ạ".

 

Noi dau05.nhandao
Hàng ngày cụ chỉ dám sang ngôi nhà cũ để nhìn di ảnh con trai và cháu trai rồi lại đi về.

 

Kể chuyện về gia đình cụ, chú Trần Khắc Nhượng – Trưởng thôn 11 ái ngại trình bày: "Gia đình cụ Khuy có hoàn cảnh hết sức khó khăn bởi có anh Đoan là trụ cột trong gia đình đã không còn nữa. Trước khi anh mất, căn bệnh ung thư khiến gia đình phải tiêu tốn rất nhiều tiền nên đến thời điểm này thì gia đình hoàn toàn chẳng có gì cả. Về cá nhân cụ Khuy chúng tôi chỉ mong được mọi người cho đủ bữa cơm hàng ngày là tốt rồi, còn về chị Lý địa phương chúng tôi tha thiết mong được mọi người giúp đỡ để chị có tiền đi viện chữa trị. Ngôi nhà này, cảnh tang tóc vốn đã đau thương, nhìn chị Lý tại tàn tật, trông càng tội mà chúng tôi lại không biết giúp gì cả".

 

Noi dau06.nhandao
Nỗi đau của mẹ, của bà khi người đầu bạc tiễn người đầu xanh.

 

Chia tay gia đình chị Lý trở về, trong lòng chúng tôi cũng ngổn ngang nhiều nỗi. Cuộc đời con người vẫn biết sẽ là những chuỗi ngày của hạnh phúc, khổ đau, buồn vui đủ cả nhưng sao với chị, với cụ Khuy đau buồn cứ thi nhau kéo đến, dồn dập để rồi như "trói lại vĩnh viễn" niềm vui, để lại toàn nước mắt. Một chút thôi, xin được mọi người chia sẻ để hai người đàn bà này có chút niềm tin để tiếp tục sống những ngày phía trước.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Phan Thị Lý và cụ Nguyễn Thị Khuy (thôn 11, xóm Thái Bình, xã Trực Khang, huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định

 

Theo Dân trí

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi