Thứ tư, 02 Tháng 6 2021 15:50

"Thằng bé quá kỳ truyền máu vài tuần, nhưng không xoay được tiền nên em chưa cho con đi viện", người mẹ ngấn lệ nhìn lên khoa ngoại, nơi đứa con gái 9 tuổi vừa phẫu thuật cắt lách vẫn đang nằm đó.

 

Những đứa trẻ sinh ra mang số phận bất hạnh 

Con gái bất ngờ kêu đau dữ dội, bụng chướng căng, môi tím tái rồi ngất lịm, vợ chồng Hiệp tất tưởi sang hàng xóm vay mượn đưa con đi cấp cứu nhưng cũng chỉ được vài trăm nghìn để thuê xe.

Con trai thứ 2 cũng đã quá kỳ truyền máu vài tuần nay, thở không ra hơi. Thế rồi, cả nhà lại phải đưa nhau xuống Bệnh viện Nhi Thanh Hóa.

Sinh ra 2 đứa con thì cả 2 đều phải sống nhờ máu của người khác bởi căn bệnh tan máu bẩm sinh, vì thế suốt 9 năm qua, vợ chồng Hoàng Thị Hiệp (SN 1993, người dân tộc Thái, thôn Bầm, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa), sống chung với cảnh mỗi tháng đều phải cắp con đến bệnh viện.

Trước đó 2 năm, con gái đầu của Hiệp đã từng phải phẫu thuật cắt lách, lần này là xoắn lách phụ, bác sĩ phải phẫu thuật can thiệp cắt toàn bộ lách phụ để cứu tính mạng con.

Đã quen với cảnh đưa con đi viện và xác định căn bệnh quái ác mà cả hai đứa con tội nghiệp đang mang. Đối mặt với việc con đứng trước nguy cơ tử thần cướp đi mạng sống, lòng người mẹ trẻ đau như có trăm nghìn mũi kim đâm vào.

Đã mấy ngày nay, vợ chồng Hiệp cầm cự bằng cách chia nhau một suất cơm từ thiện của bệnh viện, trắng đêm không ngủ vì con khiến em gần như kiệt sức.

Sau lớp khẩu trang, tôi hình dung một khuôn mặt hốc hác, đôi mắt mỏi mệt, đến từng tiếng nói cũng đứt đoạn. Em ngồi chờ truyền máu cho con trai nhưng chốc chốc lại ngóng lên dãy nhà cao tầng phía bên kia. Ở nơi đó, chồng em đang chăm con gái sau ca phẫu thuật.

"Thằng bé đã quá kỳ truyền máu vài tuần nay rồi nhưng không xoay xở được tiền nên em chưa cho con đi được. Lần này, con chị đi cấp cứu nên em mang con xuống để truyền luôn. Bao nhiêu năm con ốm đau, nợ nần chồng chất đến mức giờ không biết phải vay ai…", nói đến đó, người mẹ trẻ vội quệt ngang dòng nước mắt như sợ thằng bé con nhìn thấy.

Cậu bé Lò Mạnh Trung, năm nay 6 tuổi nhưng cơ thể nhỏ thó, yếu ớt và mệt mỏi nên cứ gục mặt vào vai mẹ. Người mẹ dù kiệt sức vẫn bế đứa con trên tay đi đi lại lại vỗ về như để con bớt mệt, bớt đau.

Hiệp kể, con gái đầu 2 tuổi thì phát hiện có biểu hiện vàng da, yếu ớt. Nhà cách bệnh viện cả trăm cây số, lại khó khăn nên lần lữa mãi không mang con đi. Cho đến một ngày con khó thở, kiệt sức dần, vợ chồng Hiệp mới mang con xuống viện thì được chẩn đoán con mắc bệnh "tan máu bẩm sinh".

Người mẹ dân tộc lần đầu tiên nghe căn bệnh của con cũng không hiểu, cho đến khi bác sĩ giải thích rằng để sống được phải truyền máu cả đời, thì mới hình dung căn bệnh ấy đáng sợ như thế nào.

Thương bé gái 9 tuổi bị cắt lách, em trai đối diện tử thần cầu cứu sự sống - 4

Ở Khoa Ngoại, chồng Hiệp cũng đang phải chăm con gái vừa phẫu thuật xong.

 

"Nhìn gia cảnh các cháu, chúng tôi rất đau lòng!"

Tưởng rằng đứa con thứ 2 sẽ khỏe mạnh bình thường, nhưng không, bất hạnh lại một lần nữa giáng xuống đôi vợ chồng trẻ. Con trai thứ hai cũng mang căn bệnh giống như chị nó. Đó là án tử treo lơ lửng trên đầu đối với cả hai đứa con khiến trái tim người mẹ thêm một lần chết lặng.

"Con ốm đau nên em không đi làm được, chỉ có chồng em thì ai thuê gì làm nấy. Gia đình em thuộc hộ nghèo nên được ngân hàng cho vay 50 triệu đồng, anh em họ hàng cũng gần 50 triệu đồng nữa. Ở đất miền núi hẻo lánh, từng ấy tiền là khủng khiếp lắm rồi. Đến giờ em cũng không biết xoay xở đâu để trả.  

Mỗi lần đưa con đi viện, chúng lại hỏi bao giờ thì con không còn phải đi viện, bao giờ thì không phải đưa máu vào người, bao giờ thì hết phải tiêm...? Bệnh tật, nghèo đói, cùng đường, nhiều lúc nghĩ quẩn chỉ muốn ôm con mà chết quách cho xong". Hiệp trải lòng trong nỗi đau đớn cùng cực, nước mắt lã chã rơi thấm ướt chiếc khẩu trang dày che gần hết khuôn mặt.

Rời Khoa Máu - Thận, tôi gặp chồng của Hiệp là Lò Văn Tươi đang chăm con ở Khoa Ngoại. Người cha gầy nhẳng, chân đi đôi dép tổ ong đã chằng vá nhiều chỗ khiến tôi không khỏi nghẹn lòng. Như để vỗ về, an ủi cô con gái đáng thương, Tươi đưa bàn tay thô ráp của mình nắm bàn tay bé nhỏ của con, bé con yếu ớt với cơ thể gầy guộc chằng chịt vết băng sau ca phẫu thuật, đôi mắt ngân ngấn nước.

Người cha trẻ nước mắt ứa ra khi nghe tôi hỏi về gia cảnh: "Em tưởng không còn có thể cứu được con em. Nó bất ngờ đau dữ dội, khó thở rồi lăn đùng ra. Em đi làm thuê mấy ngày nay nhưng chưa được nhận tiền công nên trong nhà không còn đồng nào. Em cứ thế mang con đi mà không biết sẽ phải bấu víu vào đâu…". Nói đến đó thì người cha trẻ không kìm chế được nữa, bật khóc. Những giọt nước mắt cay đắng của người cha bất lực khi đã đi hỏi vay từng đồng ở khắp nơi. 

Chừng ấy năm cơ cực, nhọc nhằn sống chung với bệnh cùng con, nhưng không có hy vọng, chỉ là đeo bám sự sống khiến người đàn ông trụ cột gia đình chỉ nghĩ thôi đã gục ngã.

"Nếu ông trời để em chết mà các con em khỏe mạnh thì em cũng cam lòng". Từng câu nói được người cha ấy chắt ra là bấy nhiêu nỗi khổ đau trong tận đáy lòng.

Chia sẻ về hoàn cảnh của hai bệnh nhân là chị em trong một gia đình, bác sĩ Trịnh Đạt Dực, Trưởng Khoa Máu - Thận, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa cho biết: "Cháu Lò Thị Thanh Huyền và Lò Mạnh Trung là bệnh nhân lâu năm ở khoa, bệnh đã ở mức độ nặng. Được biết gia cảnh quá khó khăn lại cách bệnh viện hơn 100km nên nhiều khi đến kỳ truyền máu vẫn chưa thấy cha mẹ đưa xuống. Lần nào xuống bệnh nhân cũng trong tình trạng suy kiệt.

Ái ngại cho gia đình nên khi bệnh nhân đến, chúng tôi cũng cố gắng làm sao để bệnh nhân được truyền máu càng sớm càng tốt, sớm được ra viện, bớt đi các chi phí cho gia đình".

"Cháu Huyền lần này là phẫu thuật lần thứ 2, 2 năm trước đã cắt lách một lần. Bệnh nhân Trung tới đây cũng sẽ có chỉ định cắt lách. Tuy nhiên, xác định cắt lách chỉ là giải pháp tạm thời, chưa có cách nào để chữa triệt để căn bệnh này. Chúng tôi rất mong bạn đọc chung tay giúp đỡ để gia đình phần nào bớt khó khăn hơn, nhìn gia cảnh bệnh nhân như vậy, chúng tôi thật sự rất đau lòng", bác sĩ Dực chia sẻ thêm.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Hoàng Thị Hiệp.

Thôn Bầm, xã Thành Lâm, huyện Bá Thước, Thanh Hóa

Điện thoại: 035.3900.730

(Hiện em Hiệp đang chăm con tại Khoa Ngoại, Bệnh viện Nhi Thanh Hóa

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi