Thứ hai, 19 Tháng 10 2020 13:35

13 tuổi, cô bé chỉ ước có gạo để nấu cơm, có sữa cho em uống, tiếp tục được đến trường. Hiền không có bố, tính khí mẹ thì bất thường, mỗi lần mẹ về thì thì chị em Hiền lĩnh đủ những trận đòn vô cớ.

Cô bé lớp 8 thay mẹ nuôi em

Hơn 12h, Nguyễn Thị Hiền (SN 2007, xóm An Hòa, xã Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An) mới đạp xe về nhà. Cô em gái Nguyễn Thị Ngọc (14 tháng tuổi) ngồi lọt thỏm trong giỏ xe. “Trước nay con bế em đi bộ lên trường, bữa nào xin được đi nhờ xe của bạn thì đỡ mệt hơn. Xe đạp này con mới được cho hôm kia”, Hiền khoe.

 

Hiền bế em trèo qua cái dốc thoai thoải để lên nhà. Cái quần được ai đó cho, quá rộng với thân hình gầy còm, ốm nhom. Hiền lấy thắt lưng để rút cạp cho nó vừa với cái bụng mà dạ dày như thể dính vào sau lưng. Lâu lắm rồi Hiền không biết mùi của chiếc áo mới. Bộ quần áo mới cuối cùng mẹ mua cho Hiền hình như đã mấy năm trước, hồi đó mẹ còn tỉnh táo, đi làm thuê được.

 

Lúc lắc trước giỏ xe nên em Ngọc buồn ngủ. Hiền dỗ em ngủ, đặt xuống tấm giát giường giữa nhà rồi đi nấu cơm. Hôm qua hai chị em vừa được một đoàn hảo tâm cho mấy cân gạo, một ít sữa và bọc quần áo cũ.

Đây đã là hôm thức 3 mẹ chưa về nhà

 

“Nhiều hôm con phải đặt em giữa nhà chơi với 2 con chó để nấu cơm. Có bữa con mải làm, quên trông em, em bò ra thềm rồi bò lên đồi, may mà không lăn xuống. Con vừa chạy đi tìm em, vừa tìm vừa khóc. Em ngồi trong bụi cỏ trên đồi tràm, 2 đầu gối bò trên đất đá, tướp cả máu”, Hiền vừa làm vừa kể.

Hiền không biết bố mình là ai, em lớn lên với bà. Bà già yếu lắm rồi, lại hay đau ốm. Năm 2018, chị Nguyễn Thị Tuyến (SN 1978) - mẹ Hiền về nhà sau một thời gian đi biền biệt và "đòi" lại con. Người đàn bà không được khôn ngoan ấy không chịu ở chung với mẹ và gia đình em trai. Một căn nhà 2 gian được xây trên sườn đồi này trở thành chỗ trú ngụ của Hiền và mẹ.

Rồi mẹ Hiền mang bầu, cũng chẳng biết tác giả cái thai là ai. Lúc đó Hiền mới học lớp 6. Mang thai, tính khí của mẹ Hiền càng bất ổn hơn. Chị bỏ nhà đi suốt, khi về cứ lẩm bẩm chửi, đổ lỗi cái sự khổ của mình là do đứa con trong bụng và tuyên bố “đẻ xong thì vứt”. Hiền sợ quá, vội vàng nói, mẹ đừng vứt em. Mẹ đẻ rồi con nuôi cho. Cô gái nói vậy khi đang là đứa trẻ 11 tuổi, ấy vậy mà nó vận vào cuộc đời Hiền.

 

Em Ngọc không được hưởng hơi ấm tình thương của mẹ. Cũng bởi mẹ tính khí bình thường nên em phải dứt sữa sớm. Chị Tuyết không vứt con nhưng cũng chẳng mấy yêu thương, lo lắng cho đứa con đỏ hỏn này. Vậy là việc chăm em một mình Hiền lo liệu.

Hôm nào mẹ tỉnh táo thì đi làm thuê, tối về nhà vẫn biết nựng yêu hai đứa con gái của mình. Cũng có khi chị đi biệt mấy ngày đêm, về nổi giận chửi bới.

“Mẹ chửi Hiền, đánh Hiền thì Hiền chạy. Mẹ không đánh được Hiền thì đánh em Ngọc. Tối nào mẹ về thì em Ngọc đều không ngủ được, Hiền phải thức suốt đêm với em.

 

Nhiều khi Hiền nghĩ tại sao mình lại sinh ra trong căn nhà thế này, tại sao lại có một người mẹ thế này? Ông trời bất công không cho Hiền sống trong ngôi nhà có cha, có mẹ. Hiền nghĩ thế rồi nước mắt cứ chảy ra. May lúc đó em Ngọc với hai con chó bò lại, thế là Hiền quên đi...”, cô bé suy nghĩ lớn hơn tuổi 13 của mình.

Ngôi nhà của Hiền chưa có điện. Ngày cô bé mang đèn pin sang nhà hàng xóm sạc điện nhờ, tối đóng cửa, bật đèn cho em chơi. Mùa hè, Hiền quạt cho em ngủ, giờ thời tiết chuyển lạnh thì đỡ hơn. Nhà có 1 cái giường, 1 cái giát giường nhưng chẳng vừa nhau, thành thử mỗi cái vứt mỗi nơi. Hôm nào mẹ không về, hai chị em được ngủ trên cái giát giường gỗ ấy. “Mẹ về, mẹ nói chân em Ngọc bẩn, không cho lên nằm”, Hiền kể mà như khóc.

Đêm tối, nỗi sợ hãi bủa vây cô bé 13 tuổi này bởi căn nhà cửa nẻo cũng không lấy gì làm chắc chắn, chơ vơ một mình trên sườn đồi. Chỉ cần ánh sáng của những người soi cá ngoài đồng lọt qua khe gỗ vào nhà cũng khiến Hiền giật mình thon thót, ôm chặt lấy em cho đỡ sợ.

Nhói lòng cảnh cô bé 13 tuổi không cha thay mẹ chăm em - 5

Mà Hiền nhiều nỗi sợ lắm. Hiền sợ em bị bệnh, sợ mẹ đánh em, sợ những bữa đói quay quắt, sợ không còn được đến trường...

Giấc mơ của Hiền

Trước đây, khi bà ngoại chưa đau yếu, sáng Hiền bế em đi bộ qua cánh đồng gửi bà trông hộ. Khoảng nửa năm nay, bà bị đau xương khớp, đi lại khó khăn nên Hiền cũng không dám gửi em cho bà. Vào đầu năm học, không có ai trông em cho, Hiền đành phải bế theo em đến trường.

Bà Phạm Thị Năm, hơn 80 tuổi, ngồi ở góc sân, muốn xuống thăm cháu cũng chịu vì phía dưới người ta đã đào đất xây móng, chuẩn bị xây nhà tình nghĩa cho bà, chỉ chừa 1 lối đi nhỏ xíu, dốc đứng. "Mẹ hắn ngất ngất, bỏ đi suốt. Mấy lần đưa đi viện khám mà toàn trốn khỏi viện. Tôi thì già rồi, hồi trước con Ngọc chưa biết bò thì còn trông được, giờ không dám trông, sợ cháu ngã. Thương con Hiền, khéo nó phải bỏ học mất thôi", người bà khốn khổ lo lắng. Bà có 3 đứa con, đứa thì tai nạn chết, 2 đứa con lại thì chẳng được khôn ngoan...

Nhói lòng cảnh cô bé 13 tuổi không cha thay mẹ chăm em - 6

Đã lâu lắm rồi Hiền không biết đến mùi quần áo mới. Bộ quần áo mới cuối cùng mẹ mua cho Hiền đã mấy năm trước.

Đường đến trường hơn 4 cây số, Hiền vai mang cặp, tay bế em, phải đi thật sớm mới kịp giờ lên lớp. Hôm nào ngồi nhờ được xe của bạn thì đỡ hơn. Không có ai trông em, Hiền đành nhờ một người phụ nữ bán bánh mỳ gần cổng trường trông hộ.

Ông Nguyễn Sỹ Chung - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thanh An cho biết: "Hoàn cảnh em Hiền rất bi đát. Nhà trường miễn giảm các khoản học phí, học thêm cho em, động viên em đi học đều đặn, nhưng nhiều hôm em cũng không thể đến lớp. Vừa rồi tôi cũng đề xuất với trường bên mầm non nhận em của Hiền nhưng cháu chưa đủ độ tuổi ra lớp nên cũng khó. Hiện nhà trường đang kêu gọi giáo viên, học sinh toàn trường quyên góp, hỗ trợ để Hiền có thể tiếp tục tới trường".

Bà Nguyễn Thị Bình (xóm An Phong, xã Thanh An) - người phụ nữ tốt bụng nọ, kể: “Đầu năm học, cháu Hiền nhờ trải tấm ni lông ở quán tôi cho em ngồi chơi rồi nhấp nhổm nhìn vào trường. Nó bảo không ai trông em cho nên tôi nói để đấy bà trông giúp cho vào mà học. Mỗi tội con bé Ngọc quấn chị, lại đói sữa, chơi 1 lúc lại khóc ngặt nghẽo, tôi phải nhờ người kêu Hiền ra dỗ em, thành thử có hôm nó học được vài tiết, có hôm chỉ học được 1 tiết rồi ra trông em, tội lắm”.

Tranh thủ những lúc em chịu ngồi chơi một mình thì Hiền làm bài tập. Việc học của em phải hoàn tất trước khi trời tối bởi nhà không có điện thắp sáng.

Cũng bởi học trong tâm trạng thẩp thỏm lo em khóc nên Hiền phải viết “tốc ký” nhưng những khi em chịu ngồi chơi một mình, cô bé vẫn cố gắng hoàn thành bài tập của mình. Hiền sợ con đường học hành của mình phải dừng lại giữa chừng nên bất cứ lúc nào em cũng phải cố để học.

Hiền sợ em bị ốm, sợ không có gạo nấu cơm, sợ sự học của mình phải dừng lại...

Vắng bàn tay và sự yêu thương, chăm sóc của cha mẹ nhưng bù lại Hiền có những người hàng xóm tốt bụng. Mỗi người một ít, xúm tay sửa sang căn nhà khi bị lốc cuốn phăng mái tôn. Có những hôm nhà không còn hạt gạo nào, dì Huê hàng xóm lại gọi Hiền sang ăn cơm. Ở quê, thêm 1 miệng ăn là cả một vấn đề lớn...

“Nhà tôi ăn gì thì chị em Hiền ăn nấy. Thương con bé Ngọc, không được ăn uống đầy đủ nên 14 tháng mà mới được 7 kg, đi chưa vững”, chị Nguyễn Thị Huê chép miệng.

“Hiền chỉ ước hai chị em có đủ gạo ăn, em Ngọc có sữa để uống. Khi nào em lớn, Hiền có thể thi đậu vào cấp 3. Hiền sợ phải nghỉ học lắm...”, Hiền ôm chặt lấy em, nói như khóc.

Nhói lòng cảnh cô bé 13 tuổi không cha thay mẹ chăm em - 9

Chiếc xe đạp vừa được một nhà hảo tâm tặng giúp quãng đường từ nhà tới trường của Hiền bớt nhọc nhằn hơn.

Ông Nguyễn Cảnh Nam - Chủ tịch UBND xã Thanh An cho biết: "Chị Nguyễn Thị Tuyến cũng không được khôn ngoan như người ta và hiện đang hưởng chế độ trợ cấp đơn thân nuôi con nhỏ, thuộc diện hộ nghèo của xã. Thời gian qua, chính quyền địa phương cũng hết sức quan tâm, khi có các nguồn hỗ trợ đều ưu tiên gia đình chị Tuyến trước tiên.

Tuy nhiên, sự giúp đỡ cũng có hạn, rất cần hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân để cháu Hiền và cháu Ngọc có điều kiện được chăm sóc tốt hơn. Hiện xã cũng đã giao cho nhà trường tạo điều kiện tốt nhất cho cháu Hiền để cháu có thể yên tâm đến lớp".

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

 Em Nguyễn Thị Hiền.

Học sinh lớp 8B, Trường THCS Thanh An, xã Thanh An, Thanh Chương, Nghệ An.

SĐT: 0963057234 (thầy Nguyễn Sỹ Chung, Phó hiệu trưởng Trường THCS Thanh AN)

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi