Thứ hai, 21 Tháng 5 2018 10:47

Người chồng, trụ cột chính trong gia đình đột ngột qua đời vì lao lực, để lại cho chị Nguyễn Thị Bích Vân (49 tuổi, thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, Bình Định) 4 người con, trong đó 2 đứa mắc bệnh tâm thần, 2 con đang tuổi ăn tuổi học.

 

Gánh nặng đè lên vai góa phụ nghèo

 

Cầm lá đơn kêu cứu của chị Vân, chúng tôi tìm về thôn Thuận Thái với bao day dứt, xót xa cho số phận cùng cực của 5 mẹ con chị Vân. Chồng mất, chị Vân một tay nuôi 4 người con, trong đó có 2 người con gái đầu lại bị tâm thần. Hôm chúng tôi đến nhà chị, chị Vân cũng đang chuẩn bị hành lý đón xe vào Sài Gòn đi bán bánh dạo, kiếm tiền lo thuốc thang cho 2 đứa lớn bị tâm thần, rồi lo ăn học cho 2 đứa con út.

 

Chị Vân thường bỏ 2 đứa con bị tâm thần và 2 con nhỏ còn đang học lớp 1 và lớp 11 để vào tận TP. Hồ Chí Minh bán bánh dạo kiếm từng đồng bạc lẻ để lo cho 4 đứa con.
Chị Vân thường bỏ 2 đứa con bị tâm thần và 2 con nhỏ còn đang học lớp 1 và lớp 11 để vào tận TP. Hồ Chí Minh bán bánh dạo kiếm từng đồng bạc lẻ để lo cho 4 đứa con.
 

“Hết cách rồi chú ạ ! Tôi đành phải làm đơn kêu cứu gửi quý báo mong hãy cứu giúp lấy các con tôi. May mà chú ra hôm nay nên tôi còn ở nhà, chứ vài ngày nữa tôi lại phải vào Sài Gòn bán bánh để lo cho các con. Vì đường sá xa xôi, tiền tàu xe đi lại tốn kém nên mỗi lần đi phải 2-3 tháng tôi mới về một lần”, chị Vân chia sẻ.

 

Theo chị Vân kể, 5 năm trước, chồng chị đột ngột qua đời vì bạo bệnh. Từ ngày chồng mất, bao đêm nằm khóc thương chồng, chị Vân đã nghĩ đến viễn cảnh của sự nghèo khó, nỗi cùng cực sắp bủa vây lấy thân chị và những đứa con thơ dại. Đúng như những gì chị Vân lo lắng, khó khăn bắt đầu vây lấy 5 mẹ con chị. Không thể trông chờ vào 1 sào ruộng, chị Vân quyết định lân la hỏi đường, đón xe lên các thành phố lớn để bán bánh cam, bánh rán dạo, kiếm từng đồng tiền lẻ về nuôi các con.

 

“Có lần tôi phải đi biền biệt cả 3 tháng trời, 4 chị em ở nhà sống vất va vất vưởng, ra chợ xin thức ăn, hái rau vườn ăn cho qua bữa”, chị Vân nghẹn lời.

 

Khuôn mặt khắc khổ vì sương gió khiến chị Vân già hơn so với tuổi thật 49 của mình.
Khuôn mặt khắc khổ vì sương gió khiến chị Vân già hơn so với tuổi thật 49 của mình.
 

Song, có lẽ gánh nặng của chị Vân sẽ được sẻ chia phần nào nếu 2 cô con gái lớn của chị không mắc phải căn bệnh tâm thần. Đó là em Huỳnh Thị Bích Viên (26 tuổi) và Huỳnh Thị Bích Ơn (23 tuổi), đều bị thần kinh nặng, phải điều trị thuốc liên tục nhưng người thì ngày càng béo phì ra. Những lúc lên cơn, 2 chị em bức bối la ó, chửi bới, thậm chí lao vào cấu xé nhau như kẻ thù. “Con không muốn như vậy, nhưng cứ ra đường người ta lại hắt hủi, né tránh, nói con bị khùng nên về nhà con bức bối mới hay đánh nhau với em”, đó là lời độc thoại với chúng tôi, khi Bích Viên tỉnh táo.

 

2 con thơ trước nguy cơ thất học

 

Ngoài gánh nặng thuốc thang lo cho 2 người con lớn bị tâm thần, chị Vân còn phải lo cho 2 đứa con út, hiện vẫn đang học lớp 1 và một lớp 11. Những lúc mẹ đi làm biền biệt tận Sài Gòn, em Huỳnh Thị Bích Yến (đang học lớp 11) phải tự chăm sóc mình, lo cho em nhỏ dại và 2 người chị bị bệnh. Có lẽ, điều làm Yến buồn và chạnh lòng bởi giờ em đã là một thiếu nữ, em cũng cần sửa soạn. Nhưng vì hoàn cảnh gia đình đến sách vở học tập, mẹ còn chưa lo đủ nên em nào mơ mộng đến những bộ quần áo đẹp như đám bạn cùng lớp.

 

Cô con gái út học lớp một với ước mà làm bác sĩ để chữa bệnh cho 2 người chị bị tâm thần.
Cô con gái út học lớp một với ước mà làm bác sĩ để chữa bệnh cho 2 người chị bị tâm thần.
 

Mọi sự đều trông đợi vào “thân cò”, tiếng rao giữa trưa nắng đến tối khuya của người mẹ khốn khổ cứ vang đến từng con hẻm, góc phố chốn thị thành, nhưng số tiền chị kiếm chẳng được là bao. Tiền bán bánh mỗi ngày của chị Vân chỉ được 70.000 đến 80.000 đồng/ngày, trừ tiền xe đò, chi phí chẳng còn lại nhiều.

 

“Nhiều khi tôi gửi tiền về quê không kịp, các cháu ở nhà đi xin, rồi vay mượn của bà con hàng xóm. Khi tôi về chỉ đủ tiền trả nợ, rồi mẹ con ôm nhau khóc. Điều làm tôi buồn nhất là 2 đứa nhỏ đang học không có tiền đóng học. Nhà trường miễn học phí, còn tiền học thêm thì phải đóng. Đến tháng nộp tiền, tôi không kịp gửi về hoặc chưa có tiền đóng cháu phải nghỉ học. Thấy vậy, cô giáo có đến thăm nhà, khi biết hoàn cảnh gia đình như vậy nên cô giáo thương rồi miễn cả tiền học thêm. Tôi thường động viên cháu gắng học cho giỏi, nhưng cháu nói mẹ làm khổ vậy lo cho 2 chị còn không xong. Nếu con học đại học thì tiền đâu mẹ nuôi nổi. Thôi học xong lớp 12, con nghỉ học đi làm thuê phụ mẹ lo cho 2 chị”, chị Vân rớm nước mắt kể.

 

Chị Vân nghẹn lời kể tiếp: “Ngày chồng tôi còn sống, xin làm ở xưởng mộc, vợ chồng gồng gánh cũng sống tạm ổn qua ngày. Tiền thuốc cho con chưa đến tháng anh ấy đã lo, khi nào bí quá thì xin chủ được ứng tiền trước để chạy thuốc cho con. Có lẽ vì quá lao lực, lo lắng quá rồi đột quỵ mà chết đột ngột như thế… ”.

 

Vì hoàn cảnh khó khăn, 2 con bệnh tâm thần và 2 con thơ còn đi học nên chị Vân đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của toàn xã hội thông qua báo Dân trí.
 
Vì hoàn cảnh khó khăn, 2 con bệnh tâm thần và 2 con thơ còn đi học nên chị Vân đành phải nhờ đến sự giúp đỡ của toàn xã hội
 

Bao năm lặn lội mưu sinh nuôi con, giờ này chị Vân đã thấy người không được khỏe, sức cứ đuối dần, chân tay đau nhức. Thế nhưng, cứ nghĩ sau lưng còn các con, gương mặt khắc khổ của chị chợt gân guốc trở lại, rồi chị lại phải gắng gượng bước tiếp.

 

Nói về hoàn cảnh của gia đình chị Vân, ông Phan Long Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn An, xác nhận: “Hoàn cảnh chị Vân quá khó khăn, chồng mất sớm, một tay chị nuôi 4 con, nhưng 2 cháu lớn lại bị tâm thần. Về phía địa phương, bà con nhân dân cũng chỉ giúp đỡ được phần nào thôi. Tôi hi vọng, thông qua báo Dân trí, sẽ kêu gọi các mạnh thường quân trong và ngoài nước chung tay giúp đỡ gia đình chị Vân vượt qua khó khăn này”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Chị Nguyễn Thị Bích Vân (49 tuổi, thôn Thuận Thái, xã Nhơn An, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định).

Điện thoại: 01667.226.117.

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi