Thứ ba, 27 Tháng 2 2018 13:38

Bé trai vừa chào đời được 6 tháng thì mẹ rơi vào nguy kịch vì viêm não Nhật Bản. Gia cảnh khốn khó đẩy sinh mạng người mẹ trẻ đến ranh giới giữa sự sống và cái chết, khiến đứa trẻ vô tội phải chịu cảnh khát sữa, thiếu hơi ấm của tình mẫu tử.

 

Di chứng của bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, bác sĩ chưa thể đánh giá hết
Di chứng của bệnh sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến thần kinh, bác sĩ chưa thể đánh giá hết

 

Viêm não Nhật Bản quật ngã người mẹ

 

Mái tóc dài của thiếu phụ buộc phải cạo sạch, trên giường bệnh, cơ thể nhỏ thó liên tục lên cơ co gồng khiến toàn thân co quắp. Người bệnh trẻ là chị Nguyễn Thị Thảo (19 tuổi, ngụ tại tỉnh Sóc Trăng). Sau quá trình điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, chị đã được chuyển sang Bệnh viện Điều trị Bệnh nghề nghiệp và Phục hồi chức năng (Quận 8, TPHCM).

 

Bị viêm não Nhật Bản tấn công, người mẹ trẻ phải đối mặt với tử thần
Bị viêm não Nhật Bản tấn công, người mẹ trẻ phải đối mặt với tử thần
 

Thông tin chuyên môn từ TS.BS Nguyễn Hoan Phú, Quyền Trưởng khoa Nhiễm Việt - Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, TPHCM cho hay: Bệnh nhân được bệnh viện Đa khoa tỉnh Sóc Trăng chuyển đến ngày 3/1/2018 ở ngày thứ 4 của bệnh với chẩn đoán ban đầu nhiễm nấm não. Tại Nhiệt Đới qua khai thác bệnh sử ghi nhận, trước khi vào viện bệnh nhân bị sốt cao, nhức đầu, nôn ói, ho khan, rối loạn tri giác, cổ cứng gồng tay chân, đồng tử mắt hai bên không đều, có dấu thần kinh khu trú.

 

“Sau khi thăm khám, thực hiện các xét nghiệm, kiểm tra dịch não tủy, chúng tôi xác định bệnh nhân bị viêm não Nhật Bản. Kết quả chụp CT-Scan ghi nhận nhiều tổn thương ở não với tiên lượng rất nặng”. Sau quá trình hồi sức, điều trị nội khoa tích cực kết hợp thở máy, bệnh nhân dần bình phục nên được chuyển điều trị phục hồi chức năng. Tuy nhiên, việc điều trị còn kéo dài, chi phí tốn kém, chưa thể đánh giá được khả năng phục hồi của bệnh nhân.

 


 

Cũng theo TS.BS Hoan Phú, Viêm não Nhật Bản là bệnh truyền nhiễm thường xuất hiện ở khu vực nông thôn. Vi rút gây bệnh ký sinh trên heo và chim lây cho con người qua vật chủ trung gian là loài muỗi ruộng. Hiện loại bệnh này đã có vắc xin chủng ngừa, tuy nhiên do điều kiện kinh tế khó khăn lại thiếu kiến thức y tế để tự bảo vệ mình nên bệnh nhân chưa chủng ngừa khiến cơ thể bị vi rút gây bệnh tấn công.

 

Con thơ khát sữa, thiếu hơi âm của mẹ cha

 

Bên giường bệnh của vợ, anh Trương Văn Nghi (22 tuổi) chỉ biết đứng nhìn vợ trong đau đớn, bất lực. Qua tâm sự của Nghi được biết, hơn 1 năm trước anh đi làm công nhân ở TPHCM, tình cờ gặp Thảo theo các chị đi làm mướn. Qua thời gian quen biết, cả hai mang lòng yêu thương nhau, sau đám cưới đạm bạc họ nên vợ thành chồng.

 


Mới cưới nhau được thời gian ngắn, căn bệnh hiểm ác đang hủy hoại hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ

Mới cưới nhau được thời gian ngắn, căn bệnh hiểm ác đang hủy hoại hạnh phúc của cặp vợ chồng trẻ

 

“Gia đình nội ngoại đều nghèo nên sau khi lập gia đình vợ chồng em phải tự xoay xở để lo cho cuộc sống. Sau khi cưới, vợ em mang thai, để vợ có sức khỏe tốt nhất trong giai đoạn thai nghén và sinh nở, em đưa vợ về quê sống cùng bố mẹ, sau đó em quay lại Sài Gòn làm công nhân”. Cũng theo lời Nghi do kinh tế khó khăn và không ý thức được sự cần thiết phải tiêm phòng nên trong giai đoạn mang thai chị Thảo chỉ đi khám định kỳ, không chủng ngừa.

 

Gần 8 tháng trước, bé trai Trương Nguyễn Ngọc Thiên Ân chào đời trong niềm vui của cha mẹ và gia đình nội ngoại. Cậu bé kháu khỉnh đang lớn nhanh nhờ bầu sữa mẹ thì tai họa bất ngờ giáng xuống khi mẹ lâm trọng bệnh. Mẹ nhập viện trong tình cảnh thập tử nhất sinh, bé Thiên Ân cũng đột ngột phải xa rời bầu sữa. Tiếng khóc ngằn ngặt của cậu bé khi phải đối mặt với những cơn đói và xa hơi ấm của mẹ như nhát dao sắc lẹm cắt vào lòng ông bà nội ngoại.

 

Bé trai kháu khỉnh đang thiếu hơi ấm của tình mẫu tử
Bé trai kháu khỉnh đang thiếu hơi ấm của tình mẫu tử
 

Trong lúc mọi chi phí đều phải dồn vào việc cứu chữa cho con dâu, bà Lê Thị Lệ buộc lòng phải “nuôi bộ” đứa cháu còn đang phải bế ngửa bằng những bữa nước cháo hoặc những hộp sữa ít ỏi có được nhờ sự giúp đỡ của anh em trong nhà và bà con lối xóm. Gần 2 tháng trôi qua, khi những khoản nợ của gia đình ngày càng lớn thì cơ thể của bé Thiên Ân mỗi ngày một gầy hao.

 

Bà Lệ từng ngày phải nuôi bộ đứa cháu bằng những phần sữa ít ỏi và nước cơm, nước cháo
Bà Lệ từng ngày phải nuôi bộ đứa cháu bằng những phần sữa ít ỏi và nước cơm, nước cháo
 

May mắn có Bảo hiểm Y tế “phòng thân” nhưng khoản viện phí hàng chục triệu đồng của chị Thảo tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt Đới, anh Nghi vẫn chưa biết cách nào để thanh toán. Nghi nghẹn ngào: “Vợ em mới chuyển sang Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng được 3 ngày nhưng chi phí bệnh viện yêu cầu đóng tạm ứng lên tới gần 8 triệu đồng. Biết em không còn tiền nên trước khi vợ chuyển viện, cô bác đi nuôi bệnh tại Nhiệt Đới giúp cho gần 2 triệu đồng, em đã đóng tạm ứng nhưng không đủ, ở đây họ không cho thiếu viện phí. Tình trạng bệnh của vợ em vẫn nặng, gọi hỏi còn lơ mơ chưa đáp ứng. Bác sĩ nói vợ em còn phải điều trị lâu dài, đến nay mọi nguồn vay mượn đều không được em chẳng biết phải làm thế nào để tiếp tục điều trị cho vợ”.

 

Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:

Anh Trương Văn Nghi (chồng chị Thảo), khoa Thần kinh Sọ não, Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi Chức năng (quận 8, TPHCM).

Điện thoại: 0971155002

Hoặc: bà Lê Thị Lệ (mẹ chồng bệnh nhân) ấp Sóc Tháo, xã Phú Tâm, huyện Châu Thành, tỉnh Sóc Trăng

Điện thoại: 01626364908

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi