Thứ hai, 21 Tháng 11 2016 15:56

Mẹ bỏ đi khi người anh chưa đầy 2 tuổi, đứa em vừa tròn 9 tháng. Hai anh em cứ thế lớn lên mà thiếu vắng tình thương của mẹ. 

 

Mồ côi khổ lắm ai ơi...
Từ ngày cha mất, một mình Hải phải làm 3 sào ruộng, 6 sào cà phê để nuôi em - Ảnh: THÁI THỊNH

 

Những ngày đầu năm 2016 cha cũng mất vì căn bệnh ung thư, ấy là ngày mà hai anh em chợt nhận ra mình là trẻ mồ côi bơ vơ giữa đời. Đó là hoàn cảnh thương tâm của hai anh em Hồ Ngọc Hải (16 tuổi) và Hồ Ngọc Phi (13 tuổi), thôn 7, xã Cư M’Gar (huyện Cư M’Gar, tỉnh Đắk Lắk).

 

Thiếu hơi ấm của mẹ

 

Một buổi trưa hè nắng cháy, trên cánh đồng lúa vàng rực vào vụ gặt, Hải đang oằn mình dang hai tay vác bì lúa nặng trĩu trên vai để đưa về nhà cách đó gần 2km.

 

Anh Nguyễn Đình Năng, một người dân trong thôn, nhìn Hải xót xa nói: “Từ ngày cha mất, một mình nó phải làm 3 sào ruộng, 6 sào cà phê để nuôi em. Học được một năm, vì không có tiền đóng học phí nên thằng Phi (em Hải) cũng chỉ học đến lớp 6 rồi nghỉ đi làm thuê cho một người họ hàng xa mãi tận huyện Buôn Đôn”.

 

“Với điều kiện trường lớp còn khó khăn, học sinh hầu hết là con em đồng bào dân tộc thiểu số nghèo khó nên việc tìm ra nguồn kinh phí hỗ trợ là rất gian nan. Trường đã đưa hoàn cảnh của anh em Hải lên xã, hi vọng thời gian sắp tới sẽ tìm biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho các em trở lại trường

Thầy Nguyễn Văn Hiền

 

Dẫn chúng tôi vào căn nhà ọp ẹp đóng bằng những tấm gỗ cũ kỹ, lỉnh kỉnh đồ đạc bám đầy bụi do lâu ngày thiếu bàn tay lau chùi, sau đó hớt hải chạy qua nhà hàng xóm mượn mấy chiếc cốc về rót nước mời khách, Hải tâm sự cho đến tận bây giờ trong ký ức của hai anh em không có hình ảnh về mẹ.

 

“Khi mẹ bỏ đi chúng tôi còn quá nhỏ, thằng Phi vừa tròn 9 tháng không có sữa bú khóc ré lên. Mỗi lần như thế cha lại ôm Phi chạy khắp xóm xin sữa bú nhờ” - Hải kể.

 

Để dành cơ hội cho đứa em được tới trường, Hải phải bỏ học từ năm lớp 8 theo cha lên rẫy làm cà phê, vào rừng bẻ măng đem bán. Ông Hồ Văn Tưởng (cha của Hải) có lúc chán ngán cảnh gà trống nuôi con đã sinh ra rượu chè, bán rẫy để đổ hết vào bài bạc.

 

Và trong một lần say rượu đã đánh và đuổi Hải ra khỏi nhà: “Vì tức cha, tôi bỏ qua nhà người bạn sống được ba tháng, sau đó qua huyện Buôn Đôn đi chăm cà, hái ớt thuê. Nhiều lần cha tới tìm, bảo về nhưng tôi cương quyết không và định rằng sẽ không bao giờ trở về căn nhà đó nữa” - Hải kể.

 

Ngày nghe tin cha mất, Hải đang hái ớt thuê ở huyện Buôn Đôn. Lúc chạy về thì đã thấy người ta phủ một tấm vải trắng lên người cha, đứa em trai đang cầm chặt lấy tay cha khóc nức nở.

 

Hải đứng chết lặng trước cửa nhà, người bác ruột đẩy vào: “Nhanh đi Hải, vào nhìn cha lần cuối đi con, trước khi mất ông ấy nhắc tới mày nhiều lắm đó”. Hải chạy nhào đến, quỳ bệt dưới đất. Hối hận vì đã bỏ nhà đi, Hải ôm lấy cha mà khóc đến lịm.

 

Bà con chòm xóm kể từ ngày mẹ Hải bỏ đi, nó sống khép kín, không bạn bè, cứ thui thủi một mình. Bị đánh hay tai nạn đau đến cỡ nào Hải chưa bao giờ khóc một tiếng.

 

Ngày ông Tưởng mất cũng là lần đầu tiên họ thấy Hải khóc. Số tiền 20 triệu đồng dành dụm từ việc đi làm thuê suốt tám tháng, Hải dành hết để lo mai táng cho cha.

 

Nhường cho em giấc mơ đến trường

 

Sau ngày cha mất, Hải trở thành lao động chính trong nhà, thay cha làm ruộng, chăm rẫy cà phê nuôi em. Rồi con đường tới trường của Phi cũng đứt đoạn khi hai anh em làm chẳng đủ ăn, không có tiền đóng học phí nên đành bỏ học.

 

Trong căn nhà của Hải có hai chiếc giường gỗ cũ mà chăn màn luôn được gấp tươm tất. Điều đặc biệt là Hải không ngủ ở đó mà chọn cho mình một góc, trải chiếu cói ngủ dưới nền nhà lạnh ngắt.

 

“Hồi đi làm thuê tôi quen nằm dưới đất rồi nên giờ ngủ trên giường thấy khó ngủ. Với lại đây là hai chiếc giường cha tôi thường nằm, cứ mỗi khi ngủ trên đó tôi lại khóc” - Hải kể.

 

Thầy Nguyễn Văn Hiền, từng là giáo viên chủ nhiệm năm lớp 7 của Hải, cho biết Hải là một học sinh ngoan, chăm học nhưng ít nói, khó hòa đồng.

 

Sau khi nghe tin Hải bỏ học đi làm thuê, thầy cô trong trường nhiều lần vào vận động Hải đi học trở lại. Hải rất muốn đến trường nhưng hoàn cảnh gia đình không cho phép.

 

“Tôi nghỉ học đã bốn năm nay, nhiều lúc muốn đi học cái nghề nhưng bằng cấp II cũng chưa có. Giờ tôi chỉ mong sao có tiền cho thằng Phi đi học lại để bằng bạn bằng bè, không phải lang bạt như tôi” - Hải từ tốn nói.

 

Mong ước anh em được đoàn tụ

 

Nói về những dự định sắp tới, Hải bảo điều mong muốn nhất lúc này là kiếm nhiều tiền để dựng lại căn nhà ấm cúng, đón Phi về ở chung, anh em được đoàn tụ. Bởi căn nhà đang ở đã hư hỏng, mục ruỗng, mỗi khi mưa xuống chỉ biết ngồi co ro một mình nhìn nhà dột tứ phía.

 

 

Nguồn: tuoitre.vn

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi