Thứ hai, 01 Tháng 8 2016 16:13

Sáu tháng đầu năm 2016, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các tổ chức thành viên của Hội đã nỗ lực sáng tạo, tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các hoạt động vận động tài trợ, các chương trình trợ giúp, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu, kế hoạch đề ra.

+ Tổ chức thành công nhiều hoạt động tuyên truyền, văn hóa, thể thao nổi bật:

Nhân ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4, Hội đã phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức thành công Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc lần thứ V từ ngày 6-8/4/2016 tại Hà Nội. Tham dự Hội nghị có 388 đại biểu NKT, TMC và người bảo trợ được lựa chọn từ 63 tỉnh, thành và các cơ quan, đơn vị ở Trung ương, các tổ chức của người khuyết tật và 200 lãnh đạo và cán bộ của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, lãnh đạo các tỉnh, thành Hội trong cả nước. Hội nghị vinh dự được đón đồng chí Vũ Đức Đam - ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đến dự và phát biểu chỉ đạo, động viên.

Trong khuổn khổ Hội nghị có Chương trình truyền hình trực tiếp “Một trái tim - Một thế giới” lần thứ XIII với sự tham dự của khoảng 1.000 khán giả. Chương trình đã biểu dương những tấm gương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu, đồng thời tri ân các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đã đồng hành cùng hoạt động Hội. Chương trình đã công bố tổng số tiền và hiện vật quy tiền ủng hộ quỹ Hội là hơn 22 tỷ đồng kể từ sau tháng 4/2015 đến ngày diễn ra chương trình.

TDTS - 6 thang dau nam - Chuong trinh MTT-MTG

Chương trình “Một trái tim – Một thế giới” lần thứ 13 tiếp tục vinh danh các nhà tài trợ cho hoạt động Hội

Cùng với hoạt động của Trung ương Hội, nhân ngày 18/4, các tỉnh, thành Hội đều triển khai mạnh mẽ các hoạt động tuyên truyền, trợ giúp NKT. Hình thức tuyên truyền rất đa dạng như: treo băng rôn, khẩu hiệu, tổ chức Hội nghị, tọa đàm, giao lưu, biểu dương, phát thư mời ủng hộ, tờ rơi giới thiệu các hoạt động của Hội, phát phóng sự trên Đài Truyền hình... Một số tỉnh, thành Hội đã lồng ghép tuyên truyền có hiệu quả nhân dịp tổ chức kỷ niệm ngày thành lập, Hội nghị Biểu dương người khuyết tật, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu, Đại hội nhiệm kỳ.

Hưởng ứng Tháng Hành động vì trẻ em, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia các hoạt động chung của cả nước cũng như từng địa phương, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức thiết thực các hoạt động thăm hỏi, tặng xe đạp, học bổng, phẫu thuật tim, phẫu thuật dị tật môi - hở vòm miệng, giải thể thao, tham quan du lịch…. cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tạp chí Người bảo trợ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền hoạt động Hội ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt đã bám sát và tuyên truyền có hiệu quả các hoạt động nhân kỷ niệm ngày Người khuyết tật Việt Nam 18/4. Trang thông tin điện tử của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam (Nhandao.net.vn và ASVHO.vn; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam trên mạng xã hội Facebook) và các tỉnh, thành Hội tiếp tục phát huy tốt tiện ích của công nghệ thông tin, tuyên truyền kịp thời về chủ trương chính sách, nâng cao nhận thức về vấn đề quyền của NKT, TMC, hoạt động của Hội góp phần vào công tác vận động quỹ Hội, tổ chức hoạt động trợ giúp thiết thực, hiệu quả.

+ Vận động quỹ Hội đạt 237 tỷ đồng

6 tháng đầu năm, Trung ương Hội và các tổ chức thành viên đã trực tiếp vận động, chủ trì, điều phối hoạt động với số tiền và hiện vật quy tiền ủng hộ là 237 tỷ đồng (vượt so với cùng kỳ năm 2015 là 9 tỷ đồng), hoạt động phối hợp với đơn vị khác là 28 tỷ đồng. Một số tỉnh, thành Hội có mức vận động quỹ và điều phối hoạt động đạt cao như: Vĩnh Long 30 tỷ; An Giang 27 tỷ; Lâm Đồng 23 tỷ; Đồng Tháp 14 tỷ; Tiền Giang 13 tỷ; Bình Thuận 10 tỷ; Cà Mau, Trà Vinh 9 tỷ; Tây Ninh 8 tỷ... Bên cạnh đó, một số tỉnh Hội thuộc địa bàn kinh tế, đời sống cư dân còn nhiều khó khăn nhưng cũng đã vận động quỹ hội đạt kết quả đáng khích lệ.

Từ nguồn quỹ trên đây, các tổ chức Hội từ Trung ương đến địa phương đã triển khai thực hiện 6 chương trình trọng tâm và nhiều hoạt động khác thiết thực, hiệu quả, trợ giúp cho 1.821.000 lượt NKT, TMC, BNN. Tổng số tiền và hiện vật quy ra tiền đã chi cho hoạt động mà Hội trực tiếp chủ trì, điều phối là 213 tỷ đồng.

+ Hoạt động bảo trợ:

Hoạt động trợ giúp về y tế đã tổ chức phẫu thuật thay thủy tinh thể cho 6.992 người mù với tổng số tiền là 14,8 tỷ đồng; phẫu thuật chỉnh hình phục hồi chức năng cho 349 người khuyết tật với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng và phẫu thuật tim cho 184 người với tổng số tiền là 9,7 tỷ đồng; khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 80.000 lượt người với tổng số tiền là 11 tỷ đồng; cấp thẻ BHYT cho 10.387 người với tổng số tiền là 1,7 tỷ đồng.

Hoạt động trợ giúp về phương tiện đi lại: Hội đã tặng 6.823 xe lăn, xe lắc, xe bại não, dụng cụ trợ giúp khác cho người khuyết tật với tổng số tiền là 13,7 tỷ đồng; tặng 2.450 xe đạp, trị giá 3,6 tỷ đồng.

Hoạt động trợ giúp cải thiện sinh hoạt khác: Xây mới, sửa chữa 647 nhà tình thương, nhà đại đoàn kết với tổng số tiền 18,3 tỷ đồng; Hỗ trợ xây dựng 19 đường tiếp cận, trị giá 23 triệu đồng; Hỗ trợ xây dựng 172 công trình vệ sinh, trị giá 745 triệu đồng; Hỗ trợ cải thiện 83 hệ thống nước sinh hoạt, trị giá 361 triệu đồng; tặng 5.700 suất học bổng, trị giá 4,9 tỷ đồng; Trợ cấp thường xuyên cho 12.800 người, với tổng số tiền là 5,8 tỷ đồng; Thăm hỏi, tặng quà cho 484.000 lượt người, với số tiền là 88,7 tỷ đồng.

TDTS - 6 thang dau nam - Lam Dong

Tỉnh Hội Lâm Đồng tổ chức khám tầm soát tim mạch và chỉ định phẫu thuật tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo

Hoạt động trợ giúp sinh kế, giảm nghèo: Các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 964 người, kinh phí là 4,4 tỷ đồng; Hỗ trợ vốn để làm kinh tế cho 851 người, trị giá 2,6 tỷ đồng; Hỗ trợ vật nuôi cho 174 hộ gia đình, trị giá 1,5 tỷ đồng

Chương trình hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới đã được nhiều tỉnh, thành Hội như An Giang, Bình Định, Bình Dương, Bình Phước, Cao Bằng, Đắk Lắk, Hà Tĩnh, Hải Dương, Kon Tum, Thái Bình, Thanh Hóa, Tuyên Quang, Trà Vinh.... tích cực triển khai, trợ giúp NKT, TMC cải thiện điều kiện sinh hoạt và giảm nghèo tại 20 xã, với 1.100 lượt đối tượng được hưởng lợi, tổng số tiền là 1,9 tỷ đồng, góp phần thực hiện một số tiêu chí xã xây dựng nông thôn mới.

Bên cạnh đó, các tỉnh, thành Hội còn tổ chức nhiều hoạt động trợ giúp xã hội khác như trợ cấp đột xuất, dạy chữ, dạy văn hóa, cứu trợ thiên tai, trợ giúp bệnh nhân nghèo, bếp ăn tình thương, xây cầu nông thôn, xây trường, góc học tập... với trị giá khoảng 26,7 tỷ đồng.

Kết quả cho thấy, hoạt động bảo trợ trong 6 tháng đầu năm có nhiều chương trình vượt so với cùng kỳ năm 2015. Đối tượng trẻ mồ côi đã được quan tâm chú ý hơn thể hiện qua chương trình xe đạp, học bổng đều tăng so với cùng kỳ năm ngoái. Nhiều tỉnh, thành Hội thể hiện rõ sự năng động, sáng tạo, hiệu quả trong công tác vận động quỹ cũng như triển khai các chương trình trợ giúp mang tính bền vững, đi vào nhu cầu thiết thực của đối tượng. Các tỉnh, thành Hội đã có sự chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau, đây là điều hết sức đáng quý, vừa tăng cường tình đoàn kết, gắn bó trong tổ chức Hội, vừa giúp hoạt động trợ giúp của Hội đến với đối tượng một cách đồng đều và rộng khắp hơn.

+ Tham gia xây dựng và phản biện cơ chế, chính sách

Trong 6 tháng đầu năm, Hội tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, tham gia xây dựng chính sách, pháp luật, góp ý các dự thảo: Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2016 - 2020; Thông tư liên tịch sửa đổi Thông tư liên tịch số 29/2014 –BLĐTBXH-BTC ngày 24/10/2014 của Liên bộ LĐTBXH và Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội; Luật trợ giúp pháp lý... Hội đã phát huy quyền làm chủ, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Hội và các tổ chức thành viên đã trả lời, chuyển đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết nhiều đơn thư, kiến nghị của người khuyết tật, trẻ mồ côi; tư vấn, giải đáp các thắc mắc, băn khoăn của đối tượng qua điện thoại và khi đối tượng đến gặp trực tiếp tại Hội.

+ Về công tác xây dựng và phát triển tổ chức: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Điện Biên đã được thành lập và được công nhận là tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, nâng tổng số lên 46 hội cấp tỉnh, thành. Ban Chấp hành tiếp tục hoạt động đi vào nề nếp; Ban Thường vụ, Thường trực và người đứng đầu tổ chức các Hội thành viên đã tích cực gắn kết trong việc chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ năm 2016 cũng như những định hướng mà Đại hội IV của Hội đã đề ra, đặc biệt là trong chỉ đạo vận động quỹ, tổ chức các hoạt động trợ giúp mang tính bền vững...

Bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động Hội 6 tháng đầu năm vẫn còn một số tồn tại cần được khắc phục. Đó là hoạt động tuyên truyền, tư vấn, trợ giúp pháp lý cho người khuyết tật, trẻ mồ côi chưa được thực hiện thường xuyên. Tạp chí Người bảo trợ phát hành chưa rộng rãi, trang thông tin điện tử chỉ mới được thành lập ở Trung ương và một số ít địa phương, nội dung chưa phong phú, nên chưa thu hút được bạn đọc.

Tuy đã có sự chuyển hướng hoạt động hỗ trợ, cải thiện điều kiện sinh hoạt và trợ giúp mang tính bền vững đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi theo Nghị quyết Đại hội IV và kế hoạch, chiến lược phát triển của Hội nhưng chưa thể hiện cụ thể trong chương trình hoạt động của một số Hội địa phương; có nơi còn lúng túng trong tổ chức, phối hợp, chỉ đạo thực hiện. Một số chương trình trọng điểm như: vận động quỹ, công tác dạy nghề, hỗ trợ sinh kế, phẫu thuật chỉnh hình... ở một số tổ chức Hội chưa được tập trung triển khai thực hiện. Tỷ lệ hoạt động khác ngoài 6 chương trình trọng tâm còn chiếm tỷ trọng lớn.

Phấn đấu thực hiện vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2016

Sáu tháng cuối năm, Hội tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động đã đề ra cho năm 2016. Theo đó, Hội sẽ tập trung vào các hoạt động như: Làm đường tiếp cận tại nhà ở gắn với việc tặng xe lăn, xe lắc; Hỗ trợ xây dựng, cải tạo công trình nước sạch, công trình vệ sinh; xây mới, sửa chữa nhà ở; mở rộng các mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho người khuyết tật, hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới. Mở rộng hoạt động hỗ trợ giúp người khuyết tật, trẻ mồ côi thuộc hộ cận nghèo, hộ còn khó khăn về kinh tế có thẻ Bảo hiểm y tế, góp phần đạt mức bao phủ Bảo hiểm y tế theo chủ trương của Chính phủ.

Các cấp Hội quan tâm đẩy mạnh triển khai các hoạt động tuyên truyền hướng tới kỷ niệm ngày Quốc tế người khuyết tật 3/12; mở rộng việc lập trang thông tin điện tử ở các tỉnh, thành hội và cung cấp Tạp chí Người bảo trợ đến các tổ chức thành viên. Tham gia tích cực vào hoạt động giám sát, phản biện, thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật, trẻ mồ côi. Kiến nghị các cơ quan quản lý Nhà nước liên quan ở Trung ương và địa phương tiếp tục giao cho Hội tham gia thực hiện một số nội dung của Đề án Trợ giúp NKT, chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình xây dựng nông thôn mới liên quan đến NKT, TMC...  



Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

 

 

PLG_CONTENT_SHOWTAGS_TITLE hoạt động hội

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi