Năm 2013, trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam phối hợp cùng tỉnh Hội Hà Tĩnh tổ chức thí điểm mô hình xe lăn và đường tiếp cận cho người khuyết tật tại hai xã Cẩm Thành và Cẩm Lĩnh (huyện Cẩm Xuyên). Sau 3 năm triển khai, từ hiệu quả của chương trình, đến nay, cuộc sống của các đối tượng nơi đây đã được cải thiện rõ rệt, nhiều người có thêm niềm vui, sự tự tin trong hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi tới thăm gia đình em Hoàng Đình Dũng (thôn Đồng Bàu, xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh) - (ảnh trên) vào một buổi chiều hè. Cái nắng nóng gay gắt của miền Trung không làm giảm bớt niềm vui nồng hậu và thân tình của khách và chủ nhà. Nhà có 3 anh chị em, Dũng không may mắn khi vừa sinh ra đã mang khiếm khuyết, không thể đi lại được. Chị Trần Thị Hồng, mẹ của Dũng chia sẻ: “Trước đây bố cháu đi làm xa, một mình tôi ở nhà lo cày cấy, chăm sóc ba đứa nhỏ rất vất vả. Dũng không đi được, các em không đủ sức bế bồng anh nên mỗi khi đi làm tôi đặt cháu ở giường chơi một mình hoặc lê la trong nhà. May mắn cho gia đình tôi khi năm 2014, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi xã tặng cho cháu một chiếc xe lăn, lại hỗ trợ gia đình xây dựng đường tiếp cận để dễ dàng đưa cháu lên xuống. Có xe, có đường đi, hàng ngày tôi bồng cháu lên xe, đưa cháu xuống sân là cháu có thể tự đẩy nhẹ nhàng quanh sân, ra đầu ngõ hóng gió, ngắm nhìn cánh đồng trước mặt và trò chuyện cùng bà con làng xóm. Với chiếc xe lăn này, các em cháu cũng có thể đẩy anh đi chơi, trông nom anh mỗi khi tôi đi làm đồng. Gia đình tôi hết sức phấn khởi và biết ơn các bác trong Hội”. Đối với Dũng, dù không nói được nhiều, nhưng em biết cách thể hiện niềm vui, niềm cảm ơn của mình bằng những nụ cười, bằng cái bắt tay đầy hào hứng.
Đường tiếp cận cho NKT trụ sở UBND xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Xuyên
Còn với chị Trần Thị Cầm (thôn 5, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên), chiếc xe lăn cùng hai đường tiếp cận như một “nhân lực” mới trong gia đình. Con gái chị là Trần Thị Thủy (sinh năm 1996) bị khuyết tật bẩm sinh từ nhỏ, không tự chủ được sinh hoạt hàng ngày. Chồng đi làm thuê ở xa cả tháng mới về một lần, một mình chị vừa lo sản xuất, vừa lo cho đứa con khiếm khuyết. Khẽ khàng lau giọt nước mắt lăn trên gương mặt đen sạm đi vì nắng gió và khó khăn của cuộc đời, chị Cầm chia sẻ “Căn nhà ông bà để lại cho vợ chồng tôi gian buồng lại cao lên hẳn một bậc so với gian nhà chính. Thành thử, mỗi lần muốn đưa cháu ra ngoài, tôi lại phải bồng con hai lần cầu thang rất vất vả. Nhờ sự quan tâm của tổ chức Hội, gia đình tôi được cấp 1 xe lăn và làm 2 đường tiếp cận, tôi có thể tắm rửa, chăm sóc cháu, đưa cháu đi dạo được dễ dàng hơn. Cháu được ra ngoài thường xuyên nên rất phấn khởi”.
Gia đình Hoàng Đình Dũng và Trần Thị Thủy chỉ là hai trong hàng chục người khuyết tật vận động được hưởng lợi từ chương trình xe lăn và đường tiếp cận của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam thực hiện thí điểm tại hai xã Cẩm Thành và Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên. Ông Nguyễn Phi Hòa, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi xã Cẩm Thành cho biết từ khi tiếp nhận chương trình của Trung ương Hội, được sự chỉ đạo của tỉnh Hội Hà Tĩnh, huyện Hội Cẩm Xuyên, Hội đã tổ chức trao tặng 18 xe lăn cho người khuyết tật vận động trong xã (chưa tính 2 xe được cấp ngoài chương trình của Hội) và hỗ trợ xây dựng 15 đường tiếp cận tại gia đình các đối tượng. Cùng với đó, toàn bộ công trình nhà văn hóa của 9 thôn, hội trường, trụ sở UBND, trạm xá, trường học, nhà văn hóa xã đều có đường tiếp cận.
Theo đánh giá của UBND xã Cẩm Thành, đây là một ưu tiên đặc biệt của các cấp Hội trung ương, tỉnh Hội, huyện Hội với xã Cẩm Thành. Nhờ có chương trình của Hội, mấy năm nay, thế giới của người khuyết tật vận động đã mở rộng ra khỏi bốn bức tường, hàng ngày họ không chỉ được hít thở không khí trong lành, được ngắm nhìn bầu trời trong xanh trên quê hương mình mà còn được gặp gỡ, đón nhận sự quan tâm, chia sẻ của hàng xóm, láng giềng, được tham gia vào các hoạt động của địa phương, góp phần giảm bớt gánh nặng cho gia đình và xã hội.
Còn đối với xã bãi ngang Cẩm Lĩnh, ý nghĩa của chương trình càng thể hiện rõ nét. Bởi đây là xã được đánh giá là nghèo nhất huyện Cẩm Xuyên, đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi đông. Trước năm 2015 xã vẫn gần như bị cô lập do hệ thống giao thông bị ngăn cách. Người dân nơi đây sống chủ yếu bằng nghề đi biển, một phần sản xuất nông nghiệp và sản xuất muối. Thực hiện dự án hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, chương trình xe lăn và đường tiếp cận tại xã đã sớm được triển khai. Đến nay, xã đã cấp được 23 xe lăn, làm 15 đường tiếp cận tại gia đình và 20 đường tiếp cận tại các công trình công cộng đảm bảo điều kiện cho người khuyết tật hòa nhập cộng đồng xã hội.
Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn của địa phương khi thực hiện chương trình, ông Phạm Văn Thiết, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Chương trình xe lăn và đường tiếp cận cho người khuyết tật có ý nghĩa nhân văn to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, của các tổ chức xã hội với đối tượng yếu thế đồng thời cũng khẳng định sự bình đẳng trong việc thụ hưởng các thành quả của xã hội. Vì vậy, khi thực hiện chương trình này, Hội đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ rất lớn từ Trung ương Hội, sự theo dõi, chỉ đạo sát sao của tỉnh Hội Hà Tĩnh, huyện Hội Cẩm Xuyên cũng như sự đồng thuận của chính quyền địa phương và bà con nhân dân. Nhờ đó, tiến độ và chất lượng các công trình được đảm bảo. Tuy nhiên, do số lượng đối tượng có sự thay đổi so với khảo sát ban đầu nên hiện nay tại xã Cẩm Lĩnh vẫn còn 8 đối tượng đã được cấp xe lăn nhưng chưa được xây dựng đường tiếp cận do kinh phí của cấp Hội cơ sở còn khó khăn mà gia đình không có khả năng tự thực hiện. Chúng tôi rất mong Trung ương Hội, các cấp Hội và các nhà tài trợ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ các gia đình đối tượng này”.
Đường tiếp cận tại Nhà Văn hóa thôn 5, xã Cẩm Lĩnh, huyện Cẩm Xuyên
Ghi nhận những nỗ lực, cố gắng và lắng nghe chia sẻ về những vướng mắc của các địa phương trong việc thực hiện chương trình, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu cho biết: Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen về tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, góp phần thay đổi đời sống của người khuyết tật, trẻ mồ côi. Điều đó thể hiện Chính phủ đánh giá rất cao sự tham gia của Hội vào chương trình này. Hiện nay, trong phạm vi toàn quốc chỉ tập trung vào hai chương trình mục tiêu quốc gia là giảm nghèo bền vững và xây dựng nông thôn mới. Vì vậy, các cấp Hội cần tiếp tục tập trung đẩy mạnh chương trình này, làm sao phát huy hiệu quả tích cực, để đến năm 2020, có thể thấy rõ được sự thay đổi trong đời sống của các đối tượng yếu thế, làm sao để các đối tượng đều được thụ hưởng thành quả xây dựng nông thôn mới một cách công bằng, bình đẳng.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Vĩnh Phúc: Khám bệnh, phẫu thuật chỉnh hình miễn phí cho người khuyết tật vận động - 22/06/2016 03:34
- Tỉnh Hội Vĩnh Long: Trao 30 xe đạp, 37 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi - 22/06/2016 03:33
- Tỉnh Hội Đồng Tháp: Tặng 929 thẻ Bảo hiểm y tế cho người thuộc hộ cận nghèo - 22/06/2016 03:32
- Tỉnh Hội Quảng Ninh: Thành Hội Cẩm Phả trao 20 suất quà, xe đạp cho người khuyết tật, trẻ mồ côi - 22/06/2016 03:30
- Tỉnh Hội An Giang: Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 82 người mù nghèo - 22/06/2016 03:29
Các tin khác
- Liên hoan đại biểu trẻ em các làng SOS Việt Nam lần thứ VII - 14/06/2016 04:55
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Khám tầm soát tim mạch và chỉ định phẫu thuật cho bệnh nhân tim bẩm sinh - 08/06/2016 03:57
- Tỉnh Hội Bình Phước: Huyện Hội Lộc Ninh tặng 250 suất quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi - 08/06/2016 03:55
- Tỉnh Hội Sơn La: Trao 50 xe lăn cho người khuyết tật - 08/06/2016 03:53
- Tỉnh Hội Đắk Lắc: Hỗ trợ vốn sinh kế, xe đạp và học bổng cho NKT, TMC nghèo - 08/06/2016 03:51