Thứ hai, 27 Tháng 10 2014 09:32

Với mong muốn tổ chức một sân chơi về văn hóa nghệ thuật để người khuyết tật thể hiện khả năng của mình, Trong khuôn khổ Hội thị tiếng hát người khuyết tật toàn quốc lần thứ Nhất, năm 2014, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi tỉnh Vĩnh Phúc phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Nội vụ, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và truyền hình tỉnh tổ chức Hội thi tiếng hát người khuyết tật tỉnh Vĩnh Phúc lần thứ Nhất năm 2014 với chủ đề "Những trái tim khát vọng". Sau thời gian chuẩn bị khẩn trương, tuyên truyền, phổ biến rộng khắp đến 9 đơn vị huyện, thành thị, đông đảo người khuyết tật trong toàn tỉnh, ngày 21/10, Hội thi đã chính thức diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

Hội thi hân hoan đón tiếp ông Lương Phan Cừ, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, ông Lê Văn Thều, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, ông Hoàng Văn Toàn, tỉnh Ủy viên, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc, đại diện các Sở, ban ngành và 45 nam nữ diễn viên là người khuyết tật, đại diện cho hàng ngàn người khuyết tật trong tỉnh Vĩnh Phúc.

Khai mạc Hội thi, ông Đặng Huy Hảo, Chủ tịch tỉnh Hội khẳng định: Trong cuộc sống không phải ai ngay từ khi sinh ra cũng được may mắn hưởng đầy đủ vật chất, tinh thần, thân thể. Với người khuyết tật, họ vẫn luôn có một trái tim nóng bỏng, một nghị lực phi thường và một niềm tin mãnh liệt vào cuộc sống để vượt qua mặc cảm, họ luôn khát khao vươn lên, khát vọng thể hiện bản thân mình, muốn hòa nhập cộng đồng và là một phần trong đó. Hội thi Tiếng hát người khuyết tật được tổ chức thực sự là ngày hội giao lưu văn hóa, nghệ thuật quần chúng của người khuyết tật. Đây là hoạt động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nhằm cổ vũ, động viên người khuyết tật phát huy tài năng sáng tác, biểu diễn nghệ thuật của mình, tích cực thúc đẩy phong trào văn hóa, văn nghệ của người khuyết tật trong tỉnh.

Dù thời gian triển khai Hội thi không dài, song với sự hưởng ứng nhiệt tình của người khuyết tật trong tỉnh, sự quan tâm ủng hộ của các cấp Ủy, chính quyền, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể, những nhà hảo tâm... 9 huyện, thành thị trong tỉnh đã tuyển chọn được 45 nam, nữ diễn viên, thể hiện 51 tiết mục tại 7 thể loại nghệ thuật tham gia Hội thi. Trong đó có tiết mục thuộc thể loại đơn ca, song ca, tốp ca, ngâm thơ, hát chèo, tấu hài, tấu nhạc cụ... Nội dung các tiết mục tập trung ca ngợi Đảng, Bác Hồ vĩ đại (Đảng đã cho tôi sáng mắt, sáng lòng - Đỗ Văn Chính, thành phố Vĩnh Yên; Bác Hồ một tình yêu bao la - Nguyễn Xuân Khang, huyện Sông Lô; Trông cây lại nhớ tới Người - Nguyễn Xuân Đủ, huyện Lập Thạch... ). Ca ngợi quê hương đất nước và quê nhà Vĩnh Phúc: Đường chúng ta đi, Đất nước trọn niềm vui – Trần Mạnh Dũng, huyện Yên Lạc, Trở về Vĩnh Phúc hôm nay – Trần Xuân Ích, huyện Tam Dương,... Ca ngợi những người lính đảo như Nơi đảo xa – Nguyễn Mạnh Toàn, huyện Lập Thạch, hát chèo Canh giữ đảo xa ... và nhiều tiết mục ca ngợi tình yêu đôi lứa, tình yêu đất nước... Đặc biệt, các diễn viên người khuyết tật còn đem đến Hội thi nhiều tiết mục tự biên, tự diễn, bày tỏ tâm tư, tình cảm, khát vọng vươn lên của mình như bài hát Những bà mẹ Việt Nam anh hùng của anh Đặng Quang Minh đến từ huyện Yên Lạc, bài thơ Tâm tình của người khuyết tật của ông Trần Xuân Ích, đơn vị huyện Tam Dương, tiết mục hát chèo Mùa thu nhớ Bác của bà Lê Thị Hồng, huyện Tam Dương, bài hát chèo Tình yêu sông Lô của tác giả Khổng Gia Long, huyện Sông Lô...

Dù chưa có nhiều thời gian chuẩn bị, một số tiết mục còn lệch nhạc, quên lời, nhưng theo dõi suốt Hội thi, ban giám khảo cùng khán giả đều thấy rõ sự nỗ lực, cố gắng và tài năng của mỗi người khuyết tật. Các tiết mục đã chạm vào trái tim của khán giả. Trên sâu khấu, các diễn viên có người phải ngồi xe lăn, có người bước đi tập tễnh, có người phải nhờ sự giúp đỡ của cha mẹ, người thân... nhưng trước ánh đèn sân khấu, họ vẫn cất cao tiếng hát từ chính trái tim mình, từ chính những ước mơ trong cuộc đời của họ.

Tại Hội thi, ban tổ chức cũng đã tiếp nhận những chia sẻ của các diễn viên, các bậc phụ huynh có con em tham gia biểu diễn. Chị Cao Thị Kim Lan, mẹ của bé Đặng Thị Thanh Thư – diễn viên nhỏ tuổi nhất, đến từ huyện Vĩnh Tường chia sẻ: cháu rất thích ca hát, khi được thông báo về Hội thi thì phấn khởi lắm. Hôm nay, để cổ vũ cho cháu, bố mẹ cùng bác, các anh chị của cháu đều thu xếp công việc để đến đây cổ vũ. Giải thưởng không quan trọng bằng việc cháu được gặp gỡ, giao lưu với nhiều người đồng cảnh, thể hiện năng khiếu của mình. Còn người chị dâu của diễn viên Dương Thị Nga, huyện Phúc Yên thì chia sẻ: cô ấy cả ngày chỉ ở nhà, không được đi đâu, cũng không gặp gỡ ai nên rất mặc cảm. Biết về Hội thi, gia đình cũng đã động viên rất nhiều để cô ấy tham gia. Những dịp như thế này sẽ giúp cô ấy tự tin hơn trong giao tiếp và hòa nhập cuộc sống.

Kết thúc Hội thi, Ban tổ chức đã trao giải Nhất đơn ca cho diễn viên Trần Mạnh Dũng, khiếm thị, huyện Yên Lạc, 02 giải Nhì đơn ca cho Nguyễn Mạnh Hùng, khuyết tật vận động huyện Bình Xuyên và Nguyễn Mạnh Toàn, khiếm thị huyện Lập Thạch. Giải Nhất tập thể thuộc về huyện Yên Lạc, các giải Nhì, Ba lần lượt thuộc về Bình Xuyên và Lập Thạch. Điều đặc biệt tại Hội thi là các thí sinh tham gia biểu diễn đều nhận được giải và sự động viên, khuyến khích của ban tổ chức Hội thi.

Dưới đây là một số hình ảnh tại hội thi:

Hoang Dung

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi