Thứ ba, 30 Tháng 6 2015 12:40

Là vùng đất vốn chịu nhiều hậu quả nặng nề trong các cuộc chiến tranh bảo vệ tổ quốc, di chứng để lại cho nhân dân tỉnh Quảng Trị đến nay vẫn còn nhiều nỗi nhức nhối. Số người khuyết tật, nạn nhân bom mìn cao, đời sống còn gặp muôn vàn khó khăn. Trước tình cảnh ấy, với vai trò của một tổ chức xã hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị đã không ngừng nỗ lực, thực hiện nhiều biện pháp tích cực, cải thiện đời sống của nhóm đối tượng này. Hiệu quả từ chương trình Hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi do tỉnh Hội thực hiện từ 5 năm nay là một trong những minh chứng rõ nét nhất.

 

Chuẩn xác từ khâu lựa chọn địa bàn thực hiện

 

Là tổ chức thành viên của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, trong những năm qua nhiều hoạt động của Hội Bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Quảng Trị được triển khai theo sự chỉ đạo của Trung ương Hội, có sự sáng tạo của tỉnh Hội. Nhờ đó, công tác bảo trợ, chăm sóc cho đối tượng trên địa bàn tỉnh không ngừng phát huy hiệu quả, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người khuyết tật, trẻ mồ côi. Cùng với các hoạt động truyền thống như cấp phát xe lăn, xe đạp, trao tặng học bổng, thăm hỏi tặng quà… từ năm 2011, thực hiện chỉ đạo của trung ương Hội về hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã điểm xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hội Quảng Trị đã lựa chọn, triển khai tại 2 xã Hải Thượng (huyện Hải Lăng) và xã Cam Thủy (huyện Cam Lộ). Đây là 2/8 xã được UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo điểm thực hiện xây dựng mô hình nông thôn mới.

 

Quang Tri

Lãnh đạo tỉnh Hội và nhà tài trợ trao xe cho học sinh mồ côi

 

Có thể nói đây là những xã điển hình, đại diện cho hai khu vực đồng bằng (Hải Thượng) và trung du (Cam Lộ) của tỉnh Quảng Trị. Hai xã dù có những điểm khác nhau về dân số, điều kiện kinh tế, nhưng đều là những xã có tỷ lệ người khuyết tật, trẻ mồ côi đông. Trong đó, xã Hải Thượng, huyện Hải Lăng có 129 người khuyết tật (trong đó có 29 người bị tâm thần, 30 người bị khuyết tật nghe nhìn, 50 người bị khuyết tật vận động và một số dạng khuyết tật khác), trẻ mồ côi có 32 em. Đặc biệt là xã Cam Lộ, vốn là vùng bị chiến tranh tàn phá nặng nề, hậu quả của chất độc da cam trầm trọng nên số người khuyết tật trong xã vào loại lớn nhất trong huyện, có tới 235 người (chiếm 4,56% dân số), 57 trẻ mồ côi. Hầu hết đời sống các đối tượng tại hai xã này đều hết sức khó khăn, rất cần sự hỗ trợ kịp thời để vươn lên tự chủ trong cuộc sống.

 

Theo ông Văn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Hội Quảng Trị: Để xây dựng được một phương thức hỗ trợ thực sự hiệu quả, phù hợp cho nhóm đối tượng này, tỉnh Hội Quảng Trị đã tổ chức khảo sát, phân loại và đánh giá nhu cầu của người khuyết tật, trẻ mồ côi tại hai xã được chọn. Qua khảo sát, tỉnh Hội nhận thấy: với mỗi đối tượng khác nhau, nhu cầu hỗ trợ cũng khác nhau. Có người cần hỗ trợ phương tiện đi lại, dụng cụ trợ giúp, có người cần học bổng, xe đạp, có gia đình cần hỗ trợ xây dựng công trình vệ sinh, nước sạch đảm bảo sinh hoạt… Đặc biệt, những người trong độ tuổi lao động và còn khả năng lao động lại bày tỏ mong muốn được tạo điều kiện vay vốn để chăn nuôi, phát triển sản xuất tạo cơ hội để thoát nghèo. Từ đó, kế hoạch hỗ trợ được Hội xây dựng, triển khai.

 

Những chuyển biến tích cực

 

Trên cơ sở kế hoạch chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới, tỉnh Hội Quảng Trị đã tổ chức huy động nhiều nguồn lực khác nhau để triển khai hoạt động này. Sau thời gian triển khai, tổng kinh phí tỉnh Hội đã huy động được để hỗ trợ đối tượng người khuyết tật, trẻ mồ côi tại 2 xã xây dựng nông thôn mới là 378.500.000 đồng. Trong đó có nguồn ngân sách nhà nước cấp, nguồn trung ương Hội hỗ trợ, nguồn ủng hộ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh cùng sự đóng góp của thân nhân, dòng họ người khuyết tật, bà con nhân dân.

 

Sự chung sức, đồng lòng của cộng đồng xã hội đã cùng với tỉnh Hội thực hiện hỗ trợ cho đối tượng tại xã Hải Thượng: 01 xe lắc, 05 xe lăn, 15 xe đạp, 27 suất học bổng (15 suất 1 triệu đồng, 12 suất 1,2 triệu đồng). Tỉnh Hội cũng phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giải quyết chế độ bảo trợ xã hội cho 3 gia đình nhận nuôi dưỡng trẻ mồ côi, 16 hộ gia đình đơn thân nuôi con dưới 16 tuổi và 5 trẻ khuyết tật nặng. Hưởng ứng cuộc vận động “Mỗi tổ chức, cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”, tỉnh Hội đã vận động được 7 đơn vị nhận đỡ đầu cho 7 trẻ mồ côi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn, mức hỗ trợ 100.000 đồng/em/tháng, hỗ trợ 20 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn nhân dịp đầu năm học mới, trị giá 5 triệu đồng. Sự tham gia của tỉnh Hội cũng góp phần đưa hầu hết hộ gia đình có người khuyết tật trong xã có công trình vệ sinh tự hoại, bán tự hoại, 94,7% số hộ được sử dụng nước sạch.

 

Tại xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, ngoài hỗ trợ công trình nước sạch, phương tiện đi lại cũng như giải quyết chế độ xã hội, chương trình hỗ trợ sinh kế do tỉnh Hội chủ trì đã góp phần thành lập nên Câu lạc bộ Người khuyết tật và gia đình người khuyết tật của xã với 29 hộ gia đình và người khuyết tật tham gia. 20 hộ gia đình người khuyết tật trong xã được hỗ trợ vốn chăn nuôi, phát triển sản xuất với số tiền hỗ trợ đến hơn 110 triệu đồng. Trong đó, Trường Đại học Y khoa Huế hỗ trợ cho 9 hộ gia đình vay vốn chăn nuôi lợn (28 triệu đồng), Trung ương Hội hỗ trợ vốn chăn nuôi bò cho 10 hộ (kinh phí 80 triệu đồng) và tỉnh Hội hỗ trợ 01 hộ chăn nuôi bò số tiền 5 triệu đồng để sửa chữa chuồng trại. Ngoài ra, 3 máy trợ thính cũng đã được trao tặng cho trẻ em có khuyết tật về nghe trên địa bàn xã.

 

Không chỉ tác động trực tiếp đến đối tượng, chương trình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi của tỉnh Hội Quảng Trị còn góp phần vào quá trình bê tông hóa đường giao thông nông thôn, đảm bảo tiêu chí tiếp cận cho người khuyết tật tại các công trình công cộng, nhà văn hóa, trạm y tế, trụ sở UBND xã…

 

Sau 5 năm triển khai mô hình hỗ trợ sinh kế đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi tại xã xây dựng nông thôn mới, tuy kinh phí hỗ trợ không nhiều, nhưng các hoạt động trợ giúp của tỉnh Hội Quảng Trị đã từng bước phát huy hiệu quả, đem lại cơ hội thoát nghèo, vươn lên trong học tập, lập nghiệp cho đối tượng trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò giống sinh sản đã chứng tỏ hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện điều kiện sống, nâng cao thu nhập cho gia đình người khuyết tật (hiện đàn bò của các hộ gia đình đã lên đến 22 con, tăng 12 con so với ban đầu).

 

Theo ông Văn Ngọc Hùng - Phó Chủ tịch tỉnh Hội: “Điều có ý nghĩa hơn cả là với sự khơi dậy, vào cuộc của Hội, nhận thức, hành động của những người xung quanh đối với người khuyết tật, trẻ mồ côi đã có những chuyển biến mạnh mẽ. Họ không chỉ cảm thông với hoàn cảnh, số phận không may mắn của người khuyết tật, trẻ mồ côi mà còn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ. Chính hoạt động của Hội đã kết nối cộng đồng cùng chung tay vì sự hòa nhập, phát triển của người khuyết tật, trẻ mồ côi”. Với ý nghĩa đó, ông Văn Ngọc Hùng cũng đồng thời khẳng định: “Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, đặc biệt là mô hình hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản cần được tiếp tục đầu tư kinh phí và mở rộng trong thời gian tới”.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo Trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi