Tham gia các hoạt động xã hội từ thiện là một phần không thể thiếu của mọi tôn giáo. Hoạt động này của các tổ chức tôn giáo rất đa dạng với nhiều loại hình và cấp độ khác nhau đã góp phần chia sẻ gánh nặng, giải quyết vấn đề xã hội với Nhà nước. Tuy nhiên, bên cạnh những yếu tố tích cực, sự tham gia của tôn giáo vào lĩnh vực này hiện vẫn còn nhiều bất cập. Làm thế nào để hoạt động này có thể phát huy hết những yếu tố tích cực của nó, đóng góp được nhiều hơn cho xã hội rất cần sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, các tín đồ và cả cộng đồng xã hội.
Trẻ khuyết tật, mồ côi được nuôi dưỡng tại Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Thiên Phước, thành phố Hồ Chí Minh
Tích cực tham gia bảo trợ xã hội
Tại Việt Nam, các hình thức tôn giáo khá đa dạng, trong đó Phật giáo có lượng tín đồ đông đảo nhất, tiếp đến là Công giáo và một số tôn giáo khác. Những năm gần đây, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến nên các tôn giáo có nhiều thay đổi để phù hợp thực tiễn, bộc lộ rõ xu hướng thế tục hoá, hướng vào phục vụ đời. Các tôn giáo nói chung được Nhà nước tạo điều kiện hoạt động thuận lợi. Nhiều chính sách ban hành nhằm bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng tôn giáo của người dân. Trong bối cảnh đó các hoạt động xã hội từ thiện của các tín đồ là tổ chức, cá nhân cũng làm cho đời sống tôn giáo càng trở nên sôi động.
Có thể nói, chăm lo cho người già không nơi nương tựa, người khuyết tật, mồ côi, người lang thang cơ nhỡ là một trong những hoạt động từ thiện xã hội quan trọng của các giáo hội. Trong điều kiện các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước luôn trong tình trạng quá tải, các cơ sở nuôi dưỡng do các tổ chức tôn giáo mở ra đã phần nào đáp ứng nhu cầu của xã hội, góp phần giảm bớt gánh nặng xã hội cho Nhà nước.
Hiện trong hệ thống các tổ chức phật giáo đã có hàng chục nhà dưỡng lão, nuôi dưỡng trên 1.000 cụ già neo đơn, không nơi nương tựa. Riêng tại thành phố Hồ Chí Minh, nhà dưỡng lão có tại các chùa Pháp Quang, Lâm Quang (quận 8), Kỳ Quang 2 (quận Gò Vấp), Diệu Pháp (quận Bình Thạnh), Hoằng Pháp (huyện Hóc môn)… đã nuôi dưỡng trên 500 cụ. Tỉnh Thừa Thiên - Huế có nhà dưỡng lão Tịnh Đức, Diệu Viên… Các tổ chức Công giáo hiện có trên 150 nhà nuôi dưỡng người khuyết tật, cô nhi, người cao tuổi không nơi nương tựa.
Lớp học tình thương chùa Hương Lan, Hà Nội
Cùng với các nhà dưỡng lão, rất nhiều các trung tâm, cơ sở nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật, mồ côi được thành lập bởi các tổ chức tôn giáo, trở thành mái ấm gia đình của các em, là nơi cho các em tìm được niềm tin, tình yêu và hi vọng. Có thể kể đến cơ sở Nuôi dưỡng trẻ em khuyết tật Thiên Phước (TP. Hồ Chí Minh) do Linh mục Phan Khắc Từ làm Giám đốc, hiện đang chăm sóc và nuôi dưỡng trên 100 trẻ khuyết tật, nhiễm chất độc da cam; Tu viện An Lạc Hành (xã An Phước, huyện Long Thành, Đồng Nai), Cô nhi viện Thánh An Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định), Mái ấm Mai Linh (Hội dòng nữ tu Bác ái Vinh Sơn, thành phố Hồ Chí Minh). Trong hệ thống Phật giáo có Nhà tình thương Diệu Pháp (Đồng Nai) nuôi dạy trên 100 trẻ mồ côi, bất hạnh, Nhà tình thương chùa Diệu Giác (quận 2, thành phố Hồ Chí Minh)….và hàng ngàn cơ sở nuôi dưỡng từ vài chục đến hàng trăm trẻ khuyết tật, mồ côi, trẻ bị bỏ rơi….
Thực hiện lý tưởng hành đạo “mang lại cái phước lợi cho toàn thể chúng sanh” lấy việc thiện - xã hội làm hoạt động nhân đạo, các hình thức từ thiện của các tổ chức tôn giáo luôn phát huy hiệu quả tích cực, trong đó có các bếp cơm từ thiện. Từ năm 2009, các gia đình phật tử chùa Liên Hoa (thôn Triều Dương xã Tam Thanh, huyện đảo Phú Quý, Bình Thuận) đã lựa chọn mô hình bếp cơm chay từ thiện, nhằm chia sẻ một phần khó khăn cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn huyện. Bếp cơm phục vụ 4 ngày trong tháng (ngày 30, mùng 1, 14 và 15 âm lịch). Bình quân mỗi ngày bếp cơm phục vụ khoảng 138 suất, 12.000 đồng/suất). Cùng với chùa Liên Hoa, rất nhiều bếp cơm từ thiện đã được mở ra, phục vụ cho người nghèo, người lang thang cơ nhỡ và những bệnh nhân nghèo trong các bệnh viện như bếp cơm của chùa Kỳ Viên (Thanh Khê, Đà Nẵng), chùa Phước Thiện (thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa), chùa Linh Sơn (Thanh Nhàn, Hà Nội), chùa Vĩnh Tường (quận 9, thành phố Hồ Chí Minh)… Dù giá trị mỗi suất cơm không nhiều, nhưng với tinh thần lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no, tấm lòng thiện nguyện, phát tâm của các đơn vị và các mạnh thường quân đã động viên tinh thần người dân, góp phần vào an sinh xã hội của đất nước.
Trong tình hình đời sống kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn, trẻ em nghèo, khuyết tật, mồ côi, lang thang cơ nhỡ đến tuổi nhưng không có điều kiện tới trường công lập, tư thục thì các lớp học tình thương do các tổ chức tôn giáo thành lập là sự lựa chọn phù hợp. Theo ước tính, riêng hệ thống Công giáo đã có trên 1.000 nhà trẻ, mẫu giáo, lớp học tình thương và một số trường cấp I (thuộc các giáo phận) do các tu sĩ phụ trách. Riêng giáo phận Bùi Chu đã có trên 100 trung tâm đào tạo văn hóa. Các lớp học tình thương thuộc các nhà chùa trên cả nước cũng có khoảng hơn 1.000. Trong đó, chùa Kỳ Quang 2 (Gò Vấp, thành phố Hồ Chí Minh) là một địa chỉ nhiều năm nay tổ chức các lớp học tình thương cho các cháu với số lượng từ vài chục đến 100 học sinh mỗi năm học, chùa Hương Lan (Chương Mỹ, Hà Nội), lớp học tình thương chùa Kim Sơn (Nha Trang, Khánh Hòa).
Mở rộng hình thức hỗ trợ mang tính bền vững
Ngoài bảo trợ xã hội, thực hiện giáo lý của mình các tổ chức tôn giáo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội cộng đồng khác như: nỗ lực vận động tài chính, vật phẩm cứu trợ đồng bào bị thiên tai, ủng hộ xây dựng nhà tình nghĩa, ủng hộ nuôi dưỡng bà mẹ Việt nam anh hùng, trợ cấp học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, xây dựng đường xá, bắc cầu, thăm hỏi và động viên, hỗ trợ các thương binh, bệnh binh, bệnh nhân nghèo tại các bệnh viện, trại phong, trại tâm thần, nhà dưỡng lão….
Sự đóng góp của các phật tử chùa Cẩm Phong, Tây Ninh, đã giúp cho hàng ngàn người mù nghèo trong cả nước thấy được ánh sáng
Nếu trước đây, các hoạt động từ thiện về y tế của các tổ chức tôn giáo chủ yếu là khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí thông qua các Tuệ Tĩnh Đường (Phật giáo), các phòng y tế (Ki tô giáo) thì trong thời gian gần đây, hoạt động này đã được chuyển hướng mang tính bền vững hơn như phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho người mù nghèo, phục hồi chức năng cho người khuyết tật… Không chỉ nuôi dưỡng người già, trẻ em mồ côi, khuyết tật, Chùa Cẩm Phong (huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh) và Thượng tọa Thích Định Tánh còn được người nghèo nhiều tỉnh thành trong cả nước biết đến với các hoạt động xã hội từ thiện khác như cứu trợ lũ lụt, thăm hỏi, tặng quà, làm cầu, đặc biệt là phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho người mù nghèo. Trong vài năm trở lại đây, sự phối hợp giữa chùa Cẩm Phong, Tây Ninh và Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi VIệt Nam đã đem lại ánh sáng cho hàng ngàn người nghèo trên khắp cả nước với kinh phí lên tới hàng tỷ đồng. Tham gia vào lĩnh vực này còn có chùa Phước Tường, quận 9, thành phố Hồ Chí Minh và một số đơn vị khác.
Để các đối tượng yếu thế có cuộc sống ổn định bền vững, một số tôn giáo còn tổ chức các lớp dạy nghề, tạo việc miễn phí cho gia đình lao động nghèo, người khuyết tật…
Những vấn đề đặt ra
Có thể nói, các tôn giáo đã tham gia vào các công tác từ thiện xã hội một cách thiết thực thể hiện tinh thần đạo pháp và dân tộc. Các hoạt động từ thiện xã hội của các tôn giáo có ảnh hưởng đáng kể trong đời sống xã hội. Về y tế, hệ thống phòng khám chữa bệnh của các tôn giáo đã góp phần tăng cường lực lượng y tế địa phương để chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ cho người dân trên địa bàn. Về bảo trợ xã hội, nhìn chung, các cơ sở bảo trợ xã hội được thành lập đều hoạt động khá tốt, các cháu được nuôi dưỡng tốt, nguồn kinh phí của các cơ sở khá ổn định, mức nuôi dưỡng các cháu bằng hoặc cao hơn mức ở các cơ sở bảo trợ xã hội của Nhà nước, có cơ sở còn có khả năng tự mua, cấp bảo hiểm y tế cho các cháu đang đi học, có nhiều cháu đã trưởng thành trở thành công dân tốt, hoà nhập cộng đồng. Theo đánh giá của các ngành chức năng và dư luận xã hội, các hoạt động xã hội từ thiện của tôn giáo có nhiều mặt tích cực.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực đó, trong góc độ quản lý Nhà nước của các ngành chức năng, hoạt động từ thiện xã hội của tôn giáo vẫn còn những mặt tồn tại. Công tác chuyên môn y tế của một bộ phận cơ sở còn hạn chế, việc cấp phát thuốc chưa được quản lý chặt chẽ, khó khăn vướng mắc trong việc tổ chức cho các đoàn nhân đạo nước ngoài đến khám chữa bệnh ở các vùng sâu, vùng xa… Các trường lớp mầm non cơ sở vật chất của một số trường chưa đảm bảo đúng quy chế mà ngành giáo dục quy định, nhiều lớp mang tính chất “lớp học tình thương” nên giáo viên chủ yếu là tình nguyện, trình độ chuyên môn còn hạn chế, số học sinh quá đông, thuộc nhiều độ tuổi, khả năng tiếp thu khác nhau nên chất lượng chưa cao. Các cơ sở dạy nghề còn phân tán, nhỏ bé về quy mô, nghèo nàn về cơ sở vật chất, trang thiết bị chủ yếu là đào tạo các ngành nghề ngắn hạn, giản đơn…Nhìn chung các cơ sở đào tạo nghề của tôn giáo chưa có khả năng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề để đủ sức cạnh tranh trên thị trường lao động.
Trong hoạt động bảo trợ xã hội, trong thời gian vừa qua, do thiếu hiểu biết, thiếu sự phối kết hợp với các ban ngành địa phương nên đã có cơ sở nuôi dạy trẻ mồ côi, khuyết tật thuộc các tổ chức tôn giáo bị lợi dụng, dẫn đến các hoạt động vi phạm pháp luật. Điều này đã ảnh hưởng không nhỏ đến uy tín của các tổ chức tôn giáo nói chung và các hoạt động xã hội từ thiện nói riêng. Để tránh xảy ra những trường hợp đáng tiếc này, trong thời gian tới, cần thiết phải có sự chỉ đạo, phối hợp của các ngành chức năng (y tế, giáo dục, lao động, thương binh và xã hội…) để định hướng, giúp đỡ các tổ chức tôn giáo trong việc thực hiện các hoạt động xã hội từ thiện trong các lĩnh vực liên quan theo đúng quy định của pháp luật. Về phía Nhà nước, cần có những chủ trương, chính sách về vấn đề xã hội từ thiện của các tổ chức tôn giáo và hình thành những văn bản quy phạm pháp luật cụ thể, tạo hành lang pháp lý cho các tổ chức, cá nhân tôn giáo được hoạt động thuận lợi hơn trong lĩnh vực này. Cùng với đó, sự hướng dẫn, giúp đỡ, phối hợp của chính quyền địa phương, các tổ chức xã hội có nhiều kinh nghiệm trong các vấn đề liên quan sẽ giúp cho hoạt động của các tổ chức tôn giáo phát huy hiệu quả tích cực hơn.
* * *
Trong tôn giáo, các chức sắc tôn giáo đều làm việc bằng trí tuệ, đạo tâm và đạo lực vốn có của mình, họ làm việc bằng tinh thần tự nguyện, nhiệt tình mong muốn đem lại niềm vui cho đồng bào. Sức ảnh hưởng to lớn của tôn giáo trong đời sống tín ngưỡng của người dân cũng tạo điều kiện cho các tổ chức này tạo nên sức lan tỏa trong cộng đồng bằng những việc làm thiện nguyện. Với những thuận lợi đó, tin rằng, với sự nhìn nhận đúng đắn từ phía chính quyền các cấp, các ngành, các đoàn thể xã hội, sự quan tâm chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể, chi tiết các hoạt động xã hội từ thiện của tôn giáo sẽ được phát huy và đóng góp nhiều hơn nữa cho xã hội.
Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ
Tin mới
- Tỉnh Hội Đắc Lắk: Tặng quà cho NKT và TMC nghèo xã Krông Jing (huyện M’ Drăk) - 26/06/2015 03:49
- Thành Hội Vinh: Tặng 60 xe lăn cho người khuyết tật - 05/06/2015 02:52
- Tỉnh Hội Thừa Thiên – Huế: Trao 40 suất học bổng cho học sinh khuyết tật, mồ côi - 05/06/2015 02:44
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho 300 bệnh nhân nghèo - 05/06/2015 02:41
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Nâng cao tính chủ động cho người khuyết tật và cán bộ Hội trong ứng phó với thiên tai - 05/06/2015 02:34
Các tin khác
- Tỉnh Hội An Giang: Phẫu thuật thay thủy tinh thể cho người mù nghèo - 03/06/2015 03:03
- Tỉnh Hội Nghệ An: Lễ phát động ủng hộ quỹ “Vì người khuyết tật và trẻ mồ côi” - 03/06/2015 02:55
- Tỉnh Hội Tiền Giang: Trao 100 suất quà cho trẻ khuyết tật, mồ côi nghèo - 03/06/2015 02:40
- Tỉnh Hội Lâm Đồng: Phẫu thuật mắt, thay thủy tinh thể cho 420 người nghèo - 03/06/2015 02:37
- Phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho người mù nghèo tỉnh Vĩnh Phúc - 02/06/2015 04:31