Thứ sáu, 21 Tháng 7 2017 14:46

Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho người dân nói chung, công tác khám chữa bệnh và phục hồi chức năng nói riêng trong suốt thời gian qua luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước. Các đối tượng cần phục hồi chức năng ngày càng được mở rộng, bao gồm NKT, người bị bệnh nghề nghiệp, người bị các bệnh khác. Trong đó, việc chăm sóc sức khoẻ và phục hồi chức năng cho đối tượng là NKT được đặc biệt lưu tâm với nhiều chính sách ưu đãi và nhiều chương trình, hoạt động chuyên sâu đã và đang phát huy hiệu quả tích cực.

Cùng với Luật NKT, Quốc hội nước Việt Nam đã phê chuẩn Công ước quốc tế về quyền của NKT. Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký Quyết định số 1100/QĐ-TTg ngày 21/6/2016 phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của NKT. Trong đó nêu rõ các vấn đề về chăm sóc sức khỏe và phục hồi chức năng cho NKT như: tăng cường các biện pháp bảo đảm việc tiếp cận được các dịch vụ y tế đối với NKT tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; Bảo đảm cho NKT được hưởng các dịch vụ y tế có chất lượng; Xây dựng và áp dụng các chính sách ưu tiên, ưu đãi NKT về sử dụng dịch vụ y tế, về giá dịch vụ y tế tại cơ sở khám chữa bệnh.

72Anh 1

NKT luyện tập tại Trung tâm PHCN thành phố Hồ Chí Minh

 

Bên cạnh đó, kế hoạch thực hiện Công ước cũng tập trung hướng đến mục tiêu xây dựng, triển khai, cung cấp các dịch vụ y tế nhằm giảm thiểu và phòng ngừa khuyết tật, triển khai các dịch vụ phát hiện sớm khuyết tật ở trẻ trước khi sinh, trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tuổi, tuyên truyền, tư vấn và cung cấp dịch vụ về chăm sóc sức khỏe sinh sản, triển khai thực hiện chương trình can thiệp sớm, phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp NKT đặc biệt là tuyến y tế cơ sở. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn đối với cán bộ y tế chuyên ngành phục hồi chức năng, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở về các kỹ năng phát hiện sớm và can thiệp sớm.

Các đơn vị phục hồi chức năng tại các bệnh viện, trung tâm y tế tuyến tỉnh, huyện được củng cố và tăng cường nhân viên y tế chuyên trách phục hồi chức năng tại trạm y tế tuyến cơ sở. Triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng, tăng cường trang thiết bị và dụng cụ luyện tập phục hồi chức năng cho các cơ sở phục hồi chức năng.

Mạng lưới phục hồi chức năng không ngừng được phát triển

Hiện nay trên cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng, trong đó có 38 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc ngành y tế, có 25 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành khác. 100% các bệnh viện đa khoa và bệnh viện chuyên khoa tuyến trung ương có khoa phục hồi chức năng. Tại tuyến tỉnh có 90% các bệnh viện đa khoa, 40% các bệnh viện chuyên khoa có khoa/bộ phận phục hồi chức năng. Có 28/38 bệnh viện phục hồi chức năng hoàn thiện cơ cấu tổ chức, hoạt động theo quy định tại Thông tư số 46/TT-BYT.

Về lực lượng cán bộ phục hồi chức năng, theo thống kê hiện có 4.000 hội viên Hội phục hồi chức năng Việt Nam. Nhân lực trong các cơ sở phục hồi chức năng có các chức danh quy định tại Điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT có sự khác biệt giữa các tuyến: Tuyến trung ương gồm đầy đủ các chức danh quy định tại điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT và có nhiều nhân lực có trình độ cao. Trong khi tuyến tỉnh không có đầy đủ các chức danh quy định tại điều 4 Thông tư số 46/2013/TT-BYT. Đến tuyến huyện hầu như chưa có bác sĩ chuyên khoa phục hồi chức năng và đến tuyến xã thì cán bộ y tế mới chỉ được tập huấn về chương trình PHCN dựa vào cộng đồng, có các cộng tác viên

Năm 2015 Bộ Y tế triển khai chương trình phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng ở 10 tỉnh đại diện cho các vùng miền trên toàn quốc được giao kinh phí và chỉ tiêu thực hiện. Chương trình này đã thực hiện một số hoạt động quan trọng như: Điều tra, xác định khuyết tật và khám sàng lọc phát hiện nhu cầu phục hồi chức năng của NKT, phát hiện sớm, can thiệp sớm và phục hồi chức năng các dạng khuyết tật, phòng ngừa khuyết tật, quản lý thông tin về NKT bằng phần mềm tin học. Hiện nay, Bộ Y tế đang cùng với tổ chức VNAH đang nghiên cứu thực hiện nâng cấp phần mềm quản lý này đồng thời giám sát các hoạt động chương trình.

72Anh 2

PHCN giúp NKT tìm lại niềm vui và sự tự tin trong cuộc sống

 

Có thể nói, sự quan tâm, đầu tư cho chuyên ngành phục hồi chức năng, đặc biệt là phục hồi chức năng cho NKT thời gian gần đây đã mang lại những kết quả tích cực. Tuy nhiên, công tác này đến nay vẫn còn bộc lộ nhiều hạn chế như: thiếu kinh phí, nhân lực về phục hồi chức năng còn mỏng, nhất là nhân lực có trình độ cao, chuyên sâu còn hạn chế. Một số bệnh viện phục hồi chức năng và hầu hết các trung tâm điều dưỡng, phục hồi chức năng ở các vùng ven biển chưa phát triển kỹ thuật phục hồi chức năng mà chủ yếu làm công tác nghỉ dưỡng.

Để từng bước khắc phục những hạn chế này, nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng đặc biệt là với đối tượng NKT, trong thời gian tới, Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan cần tập trung: đẩy mạnh truyền thông, giáo dục sức khỏe về phục hồi chức năng, triển khai thực hiện Thông tư số 18/2016/TT-BYT. Triển khai thực hiện các nội dung của quyết định số 4039/QĐ-BYT ngày 6/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phê duyệt kế hoạch quốc gia phát triển phục hồi chức năng giai đoạn 2014-2020. Tiếp tục củng cố, kiện toàn mạng lưới bệnh viện chuyên khoa phục hồi chức năng trong toàn quốc theo quy định của Thông tư số 46/2014/TT-BYT của Bộ trưởng Bộ y tế... Triển khai phần mềm quản lý thông tin NKT. Bộ Y tế tăng cường kết hợp chặt chẽ với các bộ ngành liên quan để chỉ đạo các hoạt động phục hồi chức năng trên cả nước . Đẩy mạnh hoạt động phục hồi chức năng cho NKT dựa vào cộng đồng trong đó chú trọng nội dung phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật là trọng tâm.

Bên cạnh đó, cần nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ phục hồi chức năng, đặc biệt là cán bộ tuyến xã bằng việc tăng cường công tác chỉ đạo tuyến, chuyển giao kỹ thuật công nghệ y học hiện đại và đào tạo cán bộ cho tuyến trước, quy định về việc cập nhật kiến thức y khoa liên tục. Tăng cường sự tiếp cận của NKT với các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng bằng cách đưa các quy định về việc tiếp cận của NKT với các dịch vụ khám chữa bệnh, phục hồi chức năng vào bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện và các văn bản quy phạm pháp luật.

Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phục hồi chức năng, tranh thủ sự giúp đỡ về nguồn lực, chuyên môn, kỹ thuật của các nước, các tổ chức quốc tế để học hỏi kinh nghiệm và nâng cao trình độ chuyên môn. Định kỳ và đột xuất kiểm tra, giám sát về công tác phục hồi chức năng, kịp thời phát hiện những khó khăn, bất cập cần giải quyết, những thuận lợi và thành tích khen thưởng để kịp thời động viên, khích lệ các tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong công tác khám chữa bệnh, phục hồi chức năng.

Nhiều chính sách ưu đãi NKT trong chăm sóc sức khỏe, PHCN

Trong những năm qua, vấn đề NKT luôn được Đảng và Nhà nước ta quan tâm. Luật NKT được Quốc hội khóa XII thông qua tại kỳ họp thứ 7, ngày 17/6/2010 và Nghị định số 28/2010/NĐ-CP của Chính phủ quy định rõ trách nhiệm của gia đình, Nhà nước và xã hội đối với NKT, quyền và nghĩa vụ của NKT trên các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ nuôi dưỡng, học văn hóa, học nghề và việc làm, hoạt động văn hóa, thể dục thể thao và sử dụng công trình công cộng đối với NKT.

 

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi