Thứ năm, 02 Tháng 3 2017 10:35

Thực hiện Kế hoạch tổ chức Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam lần thứ V, nhiệm kỳ 2017 - 2022 của Ban Chấp hành Trung ương Hội; Ban Thường trực Trung ương Hội đã gửi đến các tỉnh, thành Hội các văn bản dự thảo: Nghị quyết về đổi tên Hội, Điều lệ Hội và Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV, phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ V đề nghị nghiên cứu, tham gia góp ý kiến. Sau đây là một số nội dung cơ bản các ý kiến tỉnh, thành Hội đã góp ý vào các bản dự thảo nói trên; Tạp chí Người bảo trợ tổng hợp, giới thiệu cùng bạn đọc..

 

3IMG 2694

Hình minh họa

 

Thứ nhất, về cơ bản các ý kiến đều nhất trí với dự thảo đổi tên Hội và Điều lệ Hội.

 

Về đổi tên Hội:

 

Ngày 17 tháng 6 năm 2010, Quốc hội khóa XII, kỳ họp khóa 7 đã thông qua Luật người khuyết tật. Theo đó, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IV Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam ngày 14 tháng 4 năm 2012 đã quyết định đổi tên Hội thành “Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam”. Nhưng theo Quyết định số: 725/QĐ-BNV ngày 10 tháng 8 năm 2012 của Bộ Nội vụ phê duyệt Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) thì vẫn giữ tên gọi là Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và các Điều, Khoản của Điều lệ nhóm đối tượng đều được ghi là “người khuyết tật”. Ngày 28 tháng 11 năm 2014, Quốc hội khóa XII kỳ họp thứ 8 đã ra Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật.

 

Vì vậy, để phù hợp với tên gọi theo Luật Người khuyết tật và Nghị quyết phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc nêu trên, các ý kiến đã thống nhất cao việc đề nghị đổi tên “Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam” thành “Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam”, một số tỉnh, thành Hội trong cả nước cũng đã đổi tên gọi của Hội, vì thế việc đổi tên của Trung ương Hội cũng phù hợp.

 

Về sửa đổi Điều lệ Hội:

 

Ngày 16/4/2013, Bộ Nội vụ ban hành mẫu Điều lệ hội kèm theo Thông tư số 03/2013, vì vậy hầu hết các Điều, Khoản của Điều lệ hiện hành cần được thay đổi hoặc bãi bỏ. Mặt khác cần bổ sung vào Điều lệ một số quy định đã được ghi trong hướng dẫn thi hành Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) của Ban Chấp hành TW Hội (số 30/HĐ-TWH ngày 28/2/2013). Đồng thời, một số Điều, Khoản trong Điều lệ hiện hành còn trùng lặp, thừa, thiếu cần được sắp xếp và viết lại cho phù hợp và rõ ràng hơn.

 

Tên hội ghi trong Điều lệ được đề nghị gọi là: Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Do đó tên gọi của Điều lệ sẽ là Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi Việt Nam.

 

Điều lệ hiện hành có 08 (tám) chương, 31 (ba mươi mốt) Điều; nếu Điều lệ dự thảo trình Đại hội nhiệm kỳ 2017 - 2022 được thông qua thì Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) có 08 (tám) chương, 29 (hai mươi chín) Điều.

 

Báo cáo góp ý của các tỉnh, thành Hội cơ bản nhất trí với dự thảo Điều lệ (sửa đổi, bổ sung) được trình bày ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thực hiện; ý kiến tham gia đề nghị chỉnh sửa, bổ sung đã được ban soạn thảo tiếp thu, nghiên cứu và hoàn chỉnh một số bước.

 

Về báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV và phương hướng nhiệm kỳ V:

 

Ý kiến của các tỉnh, thành Hội cơ bản nhất trí với chủ đề Đại hội và bố cục của Báo cáo. Dự thảo Báo cáo kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV (2012 - 2017) và phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ V (2017 - 2022) với chủ đề xuyên suốt là “Tiếp tục đổi mới nhận thức, chuyển hướng mạnh sang hoạt động trợ giúp bền vững, bảo đảm quyền của NKT, trẻ mồ côi và đối tượng yếu thế khác”. Báo cáo đã đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ giai đoạn 2012 - 2017, những kết quả đã đạt được, hạn chế, tồn tại và những bài học kinh nghiệm đồng thời đưa ra phương hướng, mục tiêu hoạt động từ nay đến 2022.

 

Để báo cáo đầy đủ, hoàn thiện hơn, một số ý kiến đề nghị bổ sung, sửa đổi như sau:

 

Đề nghị cần làm rõ, đầy đủ, cụ thể hơn các nội dung nêu trong báo cáo, đặc biệt là những kết quả hoạt động mà Hội đã đạt được, khẳng định vai trò và tính tích cực của Hội trong việc góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội.

 

Về kết quả hoạt động nhiệm kỳ IV, đề nghị bổ sung tên các địa phương làm tốt, những khó khăn trong quá trình thực hiện hỗ trợ NKT khi chính sách chưa phù hợp với thực tiễn; hoạt động nổi bật của địa phương, của toàn hệ thống Hội nhưng chưa được nêu trong báo cáo như: Bình Dương làm tốt việc tổ chức tốt hoạt động tư vấn trợ giúp pháp lý miễn phí lưu động và tham gia phản biện các chính sách trợ giúp cho NKT. Tỉnh Hội Trà Vinh đề nghị bổ sung một số hoạt động tuyên truyền, thể thao, văn hóa nổi bật mà Trung ương Hội đã thực hiện trong nhiệm kỳ qua; bổ sung nội dung “Hội tham gia ứng phó biến đổi khí hậu” vào phần báo cáo về công tác hỗ trợ NKT, TMC tại xã xây dựng nông thôn mới.

 

Tỉnh Hội Thái Bình, Thừa Thiên -Huế đề nghị cần đề cập đến nội dung khen thưởng động viên phong trào một cách kịp thời và nên có hình thức tặng cờ thi đua cho những đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ công tác Hội hàng năm theo khu vực, cụm thi đua để tạo điều kiện cho các tỉnh đề nghị khen thưởng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Huân chương của Chủ tịch nước.

 

Về phương hướng nhiệm vụ nhiệm kỳ V (2017 - 2022): Theo báo cáo góp ý của các tỉnh Hội Tiền Giang, Thừa Thiên Huế, Thái Bình, Bình Thuận đề nghị cần hài hòa dung lượng giữa các phần của báo cáo hơn. Theo đó, nội dung phần phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, biện pháp hoạt động nhiệm kỳ V còn ngắn (2 trang/8,5 trang), cần nghiên cứu, bổ sung một cách thỏa đáng, cụ thể hơn một số hoạt động chủ yếu của Hội trong 5 năm tới. Tỉnh Hội Thái Bình đề nghị dựa vào kết quả 7 nội dung hoạt động của nhiệm kỳ IV để đề ra các chương trình hoạt động nhiệm kỳ V cho phù hợp với tình hình thực tế hiện nay. Tỉnh Hội Tiền Giang đề nghị nêu lại cụ thể tên 6 chương trình trọng tâm có sự đổi mới để các hội thành viên mới được công nhận (hoặc sẽ được công nhận) biết và thực hiện.

 

Tỉnh Hội Quảng Ninh đề nghị phần phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp thực hiện trong nhiệm kỳ V cần đề cập sâu hơn về việc bảo trợ NKT, TMC gắn với xây dựng nông thôn mới và khu phố văn minh. Quan tâm hỗ trợ học sinh khuyết tật và mồ côi nghèo, thiếu nguồn nuôi dưỡng gắn với xây dựng xã hội học tập, đón đầu các vấn đề xã hội về NKT và TMC, nhất là về công tác dạy nghề gắn với tạo việc làm và thu nhập

Báo cáo góp ý của các tỉnh, thành Hội đều cơ bản tán thành các nội dung văn kiện Ban Tổ chức Đại hội chuẩn bị, đồng thời đánh giá Dự thảo các văn bản đã có sự chuẩn bị chu đáo, có cơ sở pháp lý và thực tiễn hoạt động của Hội trong nhiệm kỳ qua nên nội dung bám sát thực tế. Thường trực Trung ương Hội sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh dự thảo các văn bản trình Ban Thường vụ, Ban Chấp hành và báo cáo Bộ Nội vụ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trước khi trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ V nghiên cứu, thảo luận, cho ý kiến và thông qua.  

 

Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi