Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi thành phố Hà Nội vừa tổ chức tọa đàm Nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ NKT, TMC trên địa bàn thành phố Hà Nội sau năm năm thực hiện Luật NKT. Tại buổi tọa đàm, các đại biểu đã cùng thảo luận về những kết quả hoạt động, những vướng mắc cũng như kiến nghị đề xuất cho quá trình thực hiện Luật NKT... Tham gia đóng góp ý kiến tại buổi tọa đàm không chỉ có cán bộ Hội, đại diện cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức nước ngoài mà còn có cả NKT, đại diện các trung tâm nuôi dưỡng, Trung tâm dạy nghề cho NKT, TMC trên địa bàn thành phố Hà Nội. Tạp chí Người bảo trợ trân trọng giới thiệu một số ý kiến phát biểu tại buổi Tọa đàm.
Ông Đinh Hạnh, Chủ tịch danh dự thành Hội:
Sau 5 năm triển khai Luật NKT, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, Hội Bảo trợ NKT và TMC thành phố Hà Nội đã huy động được nguồn lực lớn từ nhiều thành phần trong xã hội (doanh nhân, phật tử, người lao động, học sinh sinh viên, tổ chức trong nước và quốc tế..) ở tất cả các cấp độ (từ nhỏ tới lớn), gồm cả tiền và hiện vật. Hội đã biết tập hợp sự tâm huyết, lòng nhiệt tình của các mạnh thường quân, sử dụng quỹ rõ ràng, minh bạch, hình thức tặng quà đa dạng, phát huy tổ chức tốt hoạt động dạy nghề, mổ mắt… Từ đó, chăm lo tốt đời sống vật chất, tinh thần cho NKT trên địa bàn Hà Nội, đồng thời mở rộng hoạt động ra các địa phương khác (như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Quảng Bình, Hà Tĩnh, Cao Bằng, Sơn La…), tăng cường sức hút, tạo mối quan hệ tốt với các tỉnh, thành Hội bạn.
Từ thực tiễn hoạt động, bài học mà Hội cần rút ra để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác bảo trợ NKT, TMC trong thời gian tới đó là: cần công khai minh bạch nguồn quỹ, cách phân công công việc giữa các thành viên BCH làm sao tăng cường các thành phần hội viên (đại gia, đặc thù, doanh nghiệp…) từ đó hình thành các Hội viên “ruột”, giúp đỡ có hiệu quả cho hoạt động Hội. Bên cạnh đó cần tiếp tục mở rộng hoạt động ra các tỉnh bạn, phát huy vai trò của thủ đô, không nhiều nhưng thể hiện vị thế của Hội.
Bà Nguyễn Thị Thu Thương - Chủ cơ sở sản xuất Thương Thương
Khó khăn của NKT là sản phẩm làm ra chất lượng không thua kém gì sản phẩm của người không khuyết tật nhưng không thể cạnh tranh được với thị trường. Sản phẩm của NKT không chỉ đẹp mà còn mang ý nghĩa với xã hội. Cơ sở của chúng tôi ngoài dạy nghề, tạo việc làm cho NKT còn trích 20% lợi nhuận để ủng hộ các quỹ phúc lợi xã hội xây trường… Chúng tôi mong muốn nhà nước, các tổ chức xã hội, Hội Bảo trợ NKT, TMC tạo điều kiện, kết nối các cơ sở sản xuất của NKT với các doanh nghiệp xã hội để giúp tiêu thụ sản phẩm cho NKT, giúp NKT có thu nhập ổn định cuộc sống.
Bà Anneta Devet, đại diện tổ chức HSCV
Tổ chức Hỗ trợ nhân đạo cho trẻ em Việt Nam có sứ mệnh cung cấp, tăng cường hỗ trợ tới trẻ em sống trong nghèo đói. Cùng với đó, thông qua các chương trình của mình, chúng tôi đã hỗ trợ học phí, chăm sóc y tế cho trẻ em, hỗ trợ 34.000 xe lăn cho NKT trên khắp Việt Nam, trong đó có 3.400 xe trao tặng cho các đối tượng tại Hà Nội. Là một tổ chức phi chính phủ quốc tế, chúng tôi không thể nào có được những hoạt động này nếu không có sự hỗ trợ, hợp tác của các tổ chức xã hội tại Việt Nam như Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam, thành Hội Hà Nội, Hội chữ thập đỏ… Thông qua các tổ chức này hoạt động hỗ trợ của chúng tôi đã mang lại hiệu quả tốt hơn.
Ngoài cung cấp xe lăn, chúng tôi còn hướng dẫn NKT sử dụng xe hiệu quả, cung cấp dụng cụ thay thế để có thể kéo dài tuổi thọ của xe lăn, phục vụ tốt cho nhu cầu sử dụng của NKT. Chúng tôi cũng có chương trình hỗ trợ cho các gia đình tại các địa phương, với phương pháp hiệu quả nhất là tìm hiểu về hoàn cảnh và nhu cầu của các gia đình và hỗ trợ họ chứ không hỗ trợ đại trà, cùng với đó là cấp học phí cho trẻ mồ côi đến trường, hỗ trợ xe đạp, dụng cụ học tập… Theo tôi, các chính sách hỗ trợ NKT ở Việt Nam đã tương đối đầy đủ, tuy nhiên, để những chính sách này đi vào thực tiễn, thì tất cả mọi công dân trong đó có NKT cần nói lên tiếng nói của mình để cải thiện luật pháp cho phù hợp và HSCV sẽ luôn nỗ lực đồng hành cùng Hội và NKT Việt Nam trong hành trình này.
Bà Hoàng Hồng Kiên, NKT Hà Nội
Từ 2012, vợ chồng tôi vinh dự được Hội Bảo trợ NKT, TMC thành phố Hà Nội chọn là một trong 20 cặp vợ chồng khuyết tật tham gia chương trình Hạnh phúc vợ chồng NKT, được nhận Bằng khen của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam. Liên tiếp sau đó, vợ chồng tôi được các cô trong Hội động viên, tạo điều kiện tham gia các buổi sinh hoạt văn hóa, có buổi học nâng cao kỹ năng bảo vệ mình, giao lưu… Họ quan tâm chúng tôi như những người mẹ, nếu không có tình yêu, trái tim thật sự họ đã không làm được như vậy.
Điều tôi mong muốn trong tương lai là các lớp dạy nghề thực sự cho NKT. Nếu cho chúng tôi một trăm, một triệu khi đói thì chúng tôi có thể tiêu hết luôn, nhưng nếu tạo cho chúng tôi một cái nghề bền vững thì chúng tôi có thể tự sống. Nhưng hiện nay hoạt động này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Tôi cũng mong sao hệ thống giao thông công cộng tại Việt Nam dễ tiếp cận hơn với NKT, nhà nước, các cơ quan chức năng tạo điều kiện cho NKT tiếp cận các chính sách ưu đãi, cải cách thủ tục hành chính cho phù hợp với nhu cầu và khả năng của NKT.
Ông Nguyễn Sĩ Tuấn, đại diện Sở Tư pháp Hà Nội
Trong 5 năm qua, Sở Tư pháp với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng trợ giúp pháp lý của thành phố đã luôn quan tâm đến việc tuyên truyền pháp luật về NKT và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Sở đã phối hợp cùng Hội Bảo trợ NKT, TMC thành phố tổ chức 10 hội nghị tập huấn, tuyên truyền, quán triệt Luật NKT và các chỉ thị, nghị quyết của Đảng, các chủ trương, chính sách của chính phủ đối với NKT… Tổ chức các buổi trợ giúp pháp lý lưu động cho NKT, sinh hoạt CLB trợ giúp pháp lý có nội dung liên quan đến NKT với trên 2.000 người được tư vấn. Tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng để bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho trên 60 NKT, tổ chức đợt khảo sát nhu cầu trợ giúp pháp lý của NKT tại 11 quận, huyện với hơn 1.000 NKT tham gia, biên soạn, phát hành 2.000 tờ gấp pháp luật dành cho NKT có nuội dung phổ biến, truyền thông về quyền được trợ giúp pháp lý và các quyền, nghĩa vụ khác của NKT..
Để nâng cao hiệu quả trợ giúp pháp lý cho NKT, các cấp ủy đảng và người đứng đầu cần thực sự coi trọng công tác này, coi đây là một giải pháp tổ chức thực hiện có hiệu quả Luật NKT. Việc tuyên truyền, phổ biến cần đổi mới về hình thức, phong phú về nội dung (ví dụ tổ chức cuộc thi viết về tấm gương trong lao động, học tập, công tác của NKT), tăng cường sự phối hợp giữa Hội Bảo trợ NKT, TMC thành phố, Sở tư pháp cùng các Sở, ban ngành liên quan đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về NKT, thu hút các lực lượng, nguồn lực cho công tác này.
Nguồn: Tạp chí Người Bảo trợ
Tin cùng chủ đề
Tin mới
- Tỉnh Hội Trà Vinh: Tặng 300 suất quà cho bệnh nhân nghèo - 04/01/2017 03:25
- Tỉnh Hội Đắc Lắk: Trao tặng xe lăn, xe lắc cho NKT - 04/01/2017 03:24
- Tỉnh Hội Bình Phước: Tổ chức Đại hội lần thứ III nhiệm kỳ 2016 – 2021 - 03/01/2017 06:41
- Phật tử chùa Cẩm Phong trao 600 suất quà cho người dân vùng lũ hai tỉnh Bình Định, Phú Yên. - 03/01/2017 03:00
- Trung ương Hội gặp gỡ báo chí - 03/01/2017 02:51
Các tin khác
- Trung ương Hội: Thăm, tặng quà cho người khuyết tật, trẻ mồ côi tỉnh Điện Biên - 20/12/2016 08:24
- Tỉnh Hội Quảng Ninh: Tặng 15 xe đạp và 2 dàn máy vi tính cho học sinh mồ côi, người khiếm thị - 20/12/2016 07:50
- Thành Hội Hải Phòng: Hơn 4,1 tỷ đồng hỗ trợ người khuyết tật, trẻ mồ côI tại chương trình “Trái tim nhân hậu” lần thứ V - 20/12/2016 07:33
- Tỉnh Hội Quảng Bình: Hỗ trợ sinh kế cho người dân vùng lũ - 20/12/2016 07:30
- Tỉnh Hội Tây Ninh: Trao 60 suất học bổng, xe lắc, xe đạp cho người khuyết tật, học sinh mồ côi nghèo - 20/12/2016 07:28