Thứ hai, 03 Tháng 10 2016 11:11

Vừa qua, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam tổ chức Tập huấn về trợ giúp pháp lý theo Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 và nâng cao năng lực cán bộ Hội. Chỉ đạo Hội nghị có Ban Thường trực TW Hội, cùng sự tham gia của gần 80 học viên là lãnh đạo, cán bộ Trung ương Hội, 18 tỉnh, thành Hội phía Nam và đại diện một số tổ chức tự lực của NKT trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Hoi nghi tap huan 1019 - anh 1 2

Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu phát biểu khai mạc Hội nghị

 

Với hai nội dung trợ giúp pháp lý cho NKT và nâng cao năng lực cán bộ Hội, các học viên đã được lãnh đạo Trung ương Hội truyền đạt các nội dung về chính sách, kỹ năng trợ giúp pháp lý cho NKT, sự tham gia của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vào hoạt động trợ giúp pháp lý; giới thiệu tổ chức, hoạt động, các chương trình trọng tâm của Hội và một số kỹ năng tổ chức sự kiện nhằm tuyên truyền, vận động Quỹ Hội.

Nhu cầu trợ giúp pháp lý của NKT ngày càng cao

Theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý, người khuyết tật là một trong những đối tượng được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình, nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức tôn trọng và chấp hành pháp luật. Với số lượng 6,7 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 7,8% dân số) và hiện đang có xu hướng gia tăng cũng có nghĩa là nhu cầu trợ giúp pháp lý của NKT sẽ ngày càng lớn, đặc biệt trong điều kiện 87% NKT nước ta sống ở vùng nông thôn, trình độ văn hóa còn thấp, nhiều người thuộc hộ nghèo, cận nghèo, không có việc làm, thu nhập, ít giao tiếp xã hội… điều đó dẫn đến NKT phải đối diện với những định kiến xã hội, hạ tầng cơ sở chưa phù hợp và họ sẽ khó có thể vượt qua để hòa nhập xã hội một cách bình đẳng nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước và xã hội. Ngoài việc được thực hiện và bảo vệ quyền, nghĩa vụ như mọi người bình thường khác thì họ cần được bảo vệ các quyền và những ưu tiên dành riêng cho họ. Trong thực tế đã có rất nhiều vụ vi phạm nghiêm trọng về quyền của NKT, nhưng do đặc điểm tâm, sinh lý NKT, trình độ nhận thức còn thấp nên họ không hoặc chưa biết đến quyền được trợ giúp pháp lý của mình.

Từ thực tế và qua hoạt động Hội cho thấy, vấn đề trợ giúp pháp lý nói riêng, các lĩnh vực trợ giúp NKT nói chung đã và đang đặt ra những yêu cầu bức thiết cần giải quyết để pháp luật, chính sách về NKT sớm hiện thức hóa. Với tư cách là một tổ chức xã hội đặc thù, hoạt động gắn với việc thực hiện các nhiệm vụ của Nhà nước, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NKT, Hội xác định vai trò, trách nhiệm của mình cần phải là đơn vị tích cực, chủ động tham gia đóng góp, hỗ trợ các hoạt động trợ giúp pháp lý, giúp NKT được tiếp cận và hưởng thụ đầy đủ các chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Dù chưa nằm trong các tổ chức tham gia trợ giúp pháp lý được quy định tại Luật trợ giúp pháp lý nhưng Hội Bảo trợ NTT&TMC Việt Nam với tư cách là thành viên của MTTQ Việt Nam vẫn chủ động tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ, tư vấn pháp luật cho đối tượng trong khả năng (theo mục 2, Điều 6 Luật Trợ giúp pháp lý). Qua bề dày kinh nghiệm hoạt động gần 25 năm qua, Hội được nhiều người khuyết tật biết đến và tin tưởng lựa chọn đề nghị hỗ trợ pháp lý. Hội cũng có sự am hiểu về tâm sinh lý, dạng tật của từng đối tượng nên thuận lợi trong việc tiếp cận, trợ giúp cho đối tượng phù hợp và hiệu quả.

Nâng cao chất lượng công tác Hội đáp ứng nhu cầu đối tượng

Nhu cầu và yêu cầu trợ giúp của người khuyết tật ngày càng đa dạng, điều đó đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ cán bộ Hội là phải được trang bị, nâng cao kiến thức pháp luật, chính sách và những vấn đề có liên quan để đảm bảo việc trợ giúp đối tượng được chính xác, hiệu quả. Với mục tiêu nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội, các giảng viên đã tập trung truyền đạt nội dung về tổ chức, hoạt động Hội và một số vấn đề đặt ra trong giai đoạn hiện nay.

Bên cạnh những vấn đề cơ bản về tổ chức, hoạt động Hội, các học viên đã được nắm bắt kiến thức về nội dung, phương châm, phương pháp hoạt động gắn với việc thực hiện pháp luật, chính sách kinh tế, xã hội của Nhà nước, Công ước Quốc tế về người khuyết tật và phù hợp với nhiệm vụ, quyền hạn của Hội. Đây chính là vấn đề then chốt để Hội xác định và định hướng các hoạt động trọng tâm, bởi hướng đi này phù hợp với xu thế tiếp cận vấn đề khuyết tật theo hướng dựa trên quyền của đối tượng.

6 nhiệm vụ trọng tâm mà Hội đang thực hiện hiện nay đã có sự đón đầu chủ trương, chính sách; bám sát và thực hiện các nhiệm vụ Nhà nước thông qua việc tham gia thực hiện một số mục tiêu được thể hiện trong các văn bản, chính sách về hai nhóm đối tượng như: Công ước của LHQ về Quyền NKT, Luật NKT; Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020; Kế hoạch thực hiện Công ước của LHQ về Quyền của NKT; Đề án “Chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt dựa vào cộng đồng giai đoạn 2013 - 2020”; Mục tiêu “Thị giác 2020 - Quyền được nhìn thấy”; Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh… Bước đi và cách thực hiện các chương trình trọng tâm của Hội phải luôn dựa trên nguyên tắc tôn trọng quyền tự quyết và nhu cầu được trợ giúp của NKT, TMC; đưa hoạt động bảo trợ theo cách tiếp cận dựa trên quyền đi vào chiều sâu, mang tính bền vững, dần thay thế cách trợ giúp theo chiều rộng, mang tính từ thiện, nhân đạo đơn thuần.

* * *

Tại lớp tập huấn, các học viên đã được truyền đạt kiến thức chung về trợ giúp pháp lý, chính sách trợ giúp pháp lý cho NKT, những khó khăn, thách thức trong công tác trợ giúp pháp lý cho NKT hiện nay và sự tham gia của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam vào hoạt động này. Với những câu chuyện, tình huống thực tế, các giảng viên đã phân tích, làm rõ những nội dung hoạt động trợ giúp pháp lý mà Hội có thể tham gia. Đồng thời, cũng tại lớp tập huấn này, các học viên cũng được trang bị kỹ năng tổ chức sự kiện tuyên truyền, kinh nghiệm tiếp cận nhà tài trợ và vận động NKT tham gia hoạt động. Đây là những kỹ năng quan trọng, có sự gắn bó và tác động tới sự thành công của hoạt động Hội bởi tuyên truyền hiệu quả mới góp phần nâng cao nhận thức xã hội; thu hút sự ủng hộ nguồn lực cho Quỹ Hội; khích lệ và thu hút đối tượng tham gia những sự kiện, hoạt động do Hội tổ chức. Bằng những ví dụ sinh động, giảng viên đã mang đến những kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn dễ tiếp thu và áp dụng trong việc lên kế hoạch, phối hợp, lồng ghép tổ chức để hoạt động tuyên truyền, vận động Quỹ và hỗ trợ đối tượng ngày càng đa dạng về nội dung, phong phú về hình thức đồng thời mang lại hiệu quả cao nhất.

Hội nghị Tập huấn cũng đã dành thời gian để các học viên trao đổi, thảo luận, làm rõ một số vấn đề liên quan đến công tác trợ giúp pháp lý và những khó khăn, trăn trở của bản thân đối tượng và người làm công tác bảo trợ khi tiếp cận, thực hiện hoạt động này. Bên cạnh đó, một số vấn đề đặt ra trong công tác, hoạt động Hội như kỹ năng, phương pháp tổ chức sự kiện, huy động nguồn lực; việc triển khai các chương trình trọng tâm mà Hội đã và đang thực hiện cũng được các đại biểu nêu ý kiến và trao đổi, thông tin nhiều kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của mình.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Chủ tịch Trung ương Hội Nguyễn Đình Liêu đánh giá: Hội nghị tập huấn trợ giúp pháp lý và nâng cao năng lực cán bộ lần này là một trong những hoạt động quan trọng để cán bộ Hội các cấp tiếp cận và tham gia thực hiện nhiều hơn nữa vào các lĩnh vực, chỉ tiêu trợ giúp NKT mà Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020 đề ra. Trong thời gian tới, toàn hệ thống Hội cần tích cực, chủ động tham gia giám sát, phản biện chính sách; kịp thời can thiệp, kiến nghị với các cơ quan chức năng về những vấn đề liên quan đến NKT, trong đó có quyền được trợ giúp pháp lý. Các tỉnh, thành Hội tiếp tục quan tâm việc đào tạo nâng cao năng lực cán bộ Hội, sáng tạo trong việc huy động nguồn lực thực hiện các chương trình trọng tâm của Hội. Đặc biệt, chú ý quan tâm thực hiện chương trình hỗ trợ sinh kế cho NKT, TMC và chương trình đào tạo nghề cho NKT vì đây là hai chương trình có ý nghĩa quan trọng trong việc chuyển hướng tiếp cận dựa trên quyền mà Hội đã xác định, thể hiện trách nhiệm, sự nỗ lực của Hội trong việc góp phần tham gia thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đối với NKT, TMC.  

 

Nguồn: Tạp chí Người bảo trợ

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi