Thứ năm, 14 Tháng 12 2017 10:55

Với vai trò, trách nhiệm của một tổ chức hoạt động trong lĩnh vực trợ giúp người khuyết tật, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1019/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Trợ giúp người khuyết tật giai đoạn 2012 - 2020, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia thực hiện các nội dung của Đề án, góp phần thực hiện mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng; vươn lên tham gia bình đẳng vào các hoạt động kinh tế - xã hội, góp phần xây dựng cộng đồng và xã hội.

127Trung uong Hoi 2 nam

Tọa đàm Tư vấn, trợ giúp pháp lý cho NKT (tháng 10/2017)

Sau khi kết thúc giai đoạn 1 của Đề án Trợ giúp NKT (2012 - 2015), Trung ương Hội đã tổ chức hướng dẫn, chỉ đạo các tỉnh, thành Hội thực hiện các nội dung chủ yếu của Đề án ở giai đoạn 2 (2016 - 2020). Đồng thời, nắm bắt chủ trương, chính sách của Nhà nước có liên quan đến trợ giúp NKT, TMC như: Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới để chỉnh sửa, bổ sung chương trình, kế hoạch thực hiện Đề án của Hội trong giai đoạn này.

Trong 2 năm qua, Trung ương Hội và các tỉnh, thành Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thực hiện Đề án như: tập huấn trợ giúp pháp lý cho người làm công tác Hội; nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc, hỗ trợ NKT và giám sát, đánh giá công tác tuyên truyền pháp luật về NKT, xây dựng chương trình, giáo trình đào tạo, tập huấn trong lĩnh vực chăm sóc, hỗ trợ NKT... Tạp chí Người bảo trợ và trang thông tin điện tử của Hội đã kịp thời viết bài, đưa tin tuyên truyền về Đề án, phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội mở Chuyên trang “Truyền thông Đề án Trợ giúp NKT giai đoạn 2012 - 2020”, phản ánh khá đầy đủ, toàn diện nội dung và kết quả hoạt động trợ giúp NKT, TMC của các cấp Hội ở nhiều địa phương khác nhau, nhất là ở những xã xây dựng nông thôn mới và xã nghèo, cận nghèo.

Công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức và vận động thực hiện trợ giúp NKT, TMC được triển khai rộng khắp, nội dung phong phú, đa dạng. Điển hình như chương trình giao lưu “Một trái tim - Một thế giới” (năm 2016, 2017), “Hạnh phúc gia đình của người khuyết tật” (năm 2017). Các tỉnh, thành Hội cũng đã tích cực tổ chức hoạt động tuyên truyền cho Đề án với nhiều hình thức khác nhau, ngoài đưa tin, bài trên báo chí và các phương tiện truyền thông còn tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền như các chương trình giao lưu, gặp mặt, biểu dương

Trong hai năm 2016 - 2017, Trung ương Hội và các tỉnh, thành phố đã tích cực vận động, quyên góp được tổng số tiền và hiện vật quy tiền là gần 1.012 tỷ đồng. Với số tiền này, Hội đã tổ chức 7 hoạt động trợ giúp (trong số 9 hoạt động trợ giúp chủ yếu của Đề án) cho hơn 5 triệu lượt NKT, TMC tại các địa phương.

Hoạt động trợ giúp về y tế: Hội đã tổ chức phẫu thuật chỉnh hình cho 2.093 lượt NKT; phẫu thuật mắt thay thủy tinh thể cho 21.285 lượt người khiếm thị, trong đó người cao tuổi chiếm 45%; phẫu thuật tim 1.088 người, trong đó trẻ em chiếm 50%; cấp 25.252 xe lăn, xe lắc, dụng cụ trợ giúp trị giá 52 tỷ đồng, khám bệnh cấp thuốc miễn phí, tặng sổ BHYT, máy trợ thính cho 463.865 lượt người

Hoạt động trợ giúp về giáo dục: Hội đã tặng 10.734 xe đạp; 39.013 suất học bổng; tổ chức dạy văn hóa, dạy ngôn ngữ ký hiệu cho NKT.

Hoạt động trợ giúp dạy nghề, tạo việc làm: Đây là một trong những chương trình bảo trợ trọng tâm của Hội, trong 2 năm qua, Hội đã dạy nghề cho 3.722 NKT, tạo việc làm cho 2.042 người. Phương châm của Hội là dạy nghề cho NKT tại cộng đồng, lấy nông thôn làm địa bàn hoạt động chủ yếu, hướng vào doanh nghiệp nhỏ và cơ sở. Việc mở rộng mô hình dạy nghề tiếp nhận lao động NKT vào làm việc đã bảo đảm cho NKT được dạy nghề - có việc làm - có thu nhập.

Hoạt động trợ giúp tiếp cận và sử dụng các công trình xây dựng: Hội hỗ trợ xây dựng 1.407 đường tiếp cận tại nhà ở NKT và tại UBND, trạm xá, nhà văn hóa thôn, xã; hỗ trợ xây dựng 1.132 công trình vệ sinh; hỗ trợ cải thiện 450 hệ thống nước sinh hoạt...

Hoạt động tham gia góp ý xây dựng chính sách, phản biện xã hội và trợ giúp pháp lý cho NKT: Hội đã tham gia góp ý, xây dựng, phản biện xã hội đối với một số dự thảo văn bản luật liên quan đến NKT, như: Kế hoạch thực hiện Đề án phát triển nghề CTXH giai đoạn 2016 - 2020; Luật Trợ giúp pháp lý; Luật về Hội...; can thiệp giải quyết những vụ việc xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của NKT; tổ chức Tọa đàm tư vấn, trợ giúp pháp lý cho NKT, giải đáp những thắc mắc về pháp luật cho NKT để giúp họ hiểu hơn về quyền và nghĩa vụ của mình, nâng cao nhận thức xã hội về trách nhiệm tham gia hỗ trợ NKT.

Hỗ trợ NKT về hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch: Một số tỉnh, thành Hội như: Khánh Hòa, Thừa Thiên Huế, TP.HCM, Kon Tum..v..v.. đã tổ chức các hoạt động vui chơi, giao lưu, nâng cao đời sống tinh thần cho NKT, TMC. Các tỉnh Sơn La, Trà Vinh, Gia Lai, Hải Dương..v..v.. đã phối hợp với các ngành liên quan tổ chức giải thể thao NKT toàn tỉnh, lựa chọn vận động viên tham dự Giải thể thao NKT toàn quốc, bồi dưỡng vận động viên đi thi đấu quốc tế.

Hoạt động hỗ trợ nâng cao nhận thức, năng lực chăm sóc và hỗ trợ NKT: Đây là hoạt động được các cấp Hội hết sức quan tâm và tổ chức hỗ trợ theo nhiều hình thức: Trung ương Hội tổ chức Hội nghị tập huấn thực hiện Đề án 1019 về trợ giúp pháp lý cho người làm công tác Hội. ở địa phương các tỉnh, thành Hội đã tổ chức các cuộc tập huấn về tiếp cận cho NKT; Tập huấn giáo dục truyền thông về sức khỏe sinh sản và phòng tránh lạm dụng tình dục trẻ khuyết tật vị thành niên; tập huấn phòng chống biến đổi khí hậu và rủi ro thiên tai cho NKT

Qua hai năm thực hiện giai đoạn 2 Đề án Trợ giúp NKT, các chỉ tiêu Hội đề ra cho hoạt động từng năm đã được thực hiện với kết quả năm sau cao hơn năm trước và vượt so với các năm ở giai đoạn 2012 - 2015. Có được kết quả trên, trong quá trình hoạt động, Hội đã luôn bám sát nội dung Đề án và nắm bắt kịp thời chủ trương và các chính sách của Nhà nước có liên quan trực tiếp đến hoạt động của Hội như Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, phối hợp, lồng ghép các hoạt động để mang kết quả cao. Trung ương Hội đã quan tâm và chủ động phối hợp với các bộ, ngành, nhất là Bộ LĐ-TB&XH và 46 tỉnh, thành Hội trong hoạt động trợ giúp, đảm bảo đúng đối tượng và yêu cầu của họ, nên đã tránh được lãng phí kinh phí và thời gian hoạt động. Trong các năm 2018 - 2020, Hội sẽ tiếp tục huy động các nguồn lực xã hội để duy trì và mở rộng các hoạt động hỗ trợ NKT theo các nội dung hoạt động của Đề án 1019, với mục tiêu hỗ trợ cho hơn 5 triệu lượt NKT, TMC, trong đó có ít nhất 2.000 hộ gia đình có NKT, TMC thoát nghèo, thoát cận nghèo.  

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi