Thứ hai, 04 Tháng 5 2015 10:07

Hưởng ứng Năm quốc tế của người tàn tật do Liên hợp quốc phát động với lời kêu gọi: hãy dành sự quan tâm để người tàn tật được hòa nhập bình đẳng với xã hội, ngày 18/4/1981, Chính phủ Việt Nam đã thành lập ủy ban Quốc gia của Việt Nam về Năm quốc tế người tàn tật. Đến  ngày 30/7/1998 UBTV Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh về Người tàn tật và ngày 18/4 hàng năm là Ngày Bảo vệ, chăm sóc người tàn tật Việt Nam. Năm 2010, Luật về Người khuyết tật được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ 01/01/2011 và quy định ngày 18/4 hàng năm là Ngày Người khuyết tật Việt Nam.

Việc người khuyết tật Việt Nam có một ngày dành riêng cho mình đã thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cả hệ thống chính trị. Đảng, Nhà nước đã dành nhiều nỗ lực xây dựng và hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật nhằm bảo đảm các quyền của người khuyết tật, cải thiện chất lượng cuộc sống để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng ngày càng tốt hơn. Việt Nam cũng tích cực tham gia vào các sáng kiến quốc tế để thúc đẩy quyền con người nói chung và quyền của người khuyết tật nói riêng. Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, nhiều chính sách, pháp luật liên quan đến NKT, TMC đã đi vào cuộc sống. Việc ban hành Luật NKT, Đề án Trợ giúp NKT, Chương trình Quốc gia Bảo vệ trẻ em đã tạo hành lang pháp lý nhằm bảo vệ, trợ giúp NKT, TMC, giúp họ hòa nhập vào mọi hoạt động của đời sống xã hội. Mới đây nhất, sự kiện Quốc hội khóa XII phê chuẩn Công ước của Liên Hợp Quốc về Quyền của người khuyết tật tại kỳ họp thứ 8 (ngày 28/11/2014) chính là cam kết chính trị mạnh mẽ của Việt Nam trong việc bảo vệ và thúc đẩy sự phát triển vì lợi ích của người khuyết tật. Đây là một trong những căn cứ pháp lý để Việt Nam khẳng định quan điểm của mình trong lĩnh vực người khuyết tật nói riêng và quyền con người nói chung

Cùng với Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; trong những năm qua, với vai trò là tổ chức xã hội hoạt động trong lĩnh vực bảo trợ người khuyết tật, trẻ mồ côi; Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã có nhiều hoạt động góp phần tích cực nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhóm đối tượng này, tạo điều kiện tốt nhất để họ được hòa nhập cộng đồng một cách hoàn toàn.

Trong quá trình xây dựng chương trình hoạt động, Hội luôn gắn với nhiệm vụ của Nhà nước. Nắm bắt kịp thời Luật NKT, nhu cầu của NKT, Hội đã xác định phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 4 của Hội (2012 - 2017) và xây dựng Chiến lược phát triển Hội giai đoạn 2012 - 2017 với phương thức hoạt động chủ yếu là bảo đảm thực hiện quyền cho NKT.

Tham gia thực hiện Luật NKT, Hội đã tích cực tổ chức các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú với nhiều chương trình, hoạt động được tổ chức từ Trung ương đến địa phương: Trung ương Hội có chương trình thường niên “Một trái tim - Một thế giới”, Hội nghị Biểu dương NKT, trẻ mồ côi và người bảo trợ tiêu biểu toàn quốc định kỳ 3 năm một lần, chương trình đi bộ vì NKT tại thành phố Hồ Chí Minh với chủ đề “Chung bước yêu thương - trao niềm hy vọng” và tại thành phố Hà Nội với chủ đề “Vì một thế giới hòa nhập cho người khuyết tật”. Các tỉnh, thành Hội cũng tổ chức nhiều chương trình văn hóa nghệ thuật, thể thao, Hội nghị Biểu dương, Hội nghị Chuyên đề… Thông qua các hoạt động tuyên truyền và bằng những hiệu quả trong hoạt động bảo trợ người khuyết tật, Hội đã nhận được sự ủng hộ, đóng góp, chia sẻ của nhiều tổ chức, cá nhân để thực hiện các chương trình trợ giúp cho NKT. Từ năm 2011 đến hết 2014, quỹ Hội trong các tổ chức thành viên đã tiếp nhận số tiền và hiện vật quy ra tiền là 1.177 tỷ đồng. Từ nguồn quỹ này, Hội đã thực hiện nhiều hoạt động trợ giúp, góp phần cải thiện cuộc sống của 3,9 triệu lượt NKT.

Hội đã phối hợp tổ chức phẫu thuật, PHCN, trợ giúp tiếp cận các dịch vụ y tế và cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật với 44.412 ca phẫu thuật thay thủy tinh thể, chủ yếu là người cao tuổi; phẫu thuật chỉnh hình PHCN cho 6.846 ca, cung cấp 30.283 xe lăn, xe lắc, xe bại não, hàng nghìn dụng cụ trợ giúp khác và xây dựng hàng nghìn đường tiếp cận cho NKT tại nhà ở và hỗ trợ xây dựng tại trụ sở UBND, trạm xá, nhà văn hóa xã, giúp bảo đảm tiếp cận đối với NKT. Trong đó đã dành sự quan tâm đến NKT ở các tỉnh miền núi khó khăn (Hà Giang, Kon Tum, Cao Bằng, Bắc Kạn,…);  khám chữa bệnh, cấp thuốc, trợ giúp mua thẻ BHYT, thực hiện các dự án về chăm sóc sức khỏe sinh sản cho NKT, trợ giúp 899.000 lượt NKT tiếp cận các dịch vụ y tế, thực hiện được 2.604 ca phẫu thuật tim, chủ yếu là trẻ em.

Xác định, dạy nghề và tạo việc làm là hướng trợ giúp NKT mang lại hiệu quả bền vững, Hội đặt ra dạy nghề, việc làm và thu nhập cho NKT là chương trình trọng tâm trong hoạt động của mình. Từ năm 2011 đến năm 2014, Hội đã tổ chức dạy nghề cho 8.515 NKT (trong đó hơn 60% là phụ nữ khuyết tật), tạo việc làm cho khoảng 70% NKT sau học nghề. Có việc làm, có thể giúp NKT phục hồi chức năng, xóa bớt mặc cảm, tự ty, thậm chí là thất vọng, cô đơn, đem lại niềm vui trong cuộc sống; góp phần giảm bớt chi phí của Nhà nước, xã hội; tạo ra cơ hội cho họ hòa nhập với cộng đồng và tham gia đóng góp cho xã hội.

Bên cạnh việc tổ chức thực hiện các hoạt động theo nhiệm vụ của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ của Hội trong việc thực hiện lĩnh vực an sinh xã hội đối với NKT,  Hội còn tổ chức thí điểm xây dựng mô hình hỗ trợ cải thiện điều kiện sinh hoạt và giảm nghèo (hỗ trợ sinh kế) trực tiếp đối với NKT trên địa bàn xã, trong đó cụ thể hóa các chỉ tiêu, hoạt động chủ yếu của Đề án trợ giúp NKT (Đề án 1019), các tiêu chí xây dựng nông thôn mới, các xã nghèo phù hợp với các chương trình hoạt động của Hội.

anh bai trang 4 - 5 - Trao tang trau sinh san trong Chuong trinh Ho tro sinh ke cho NKT tai thanh pho Hai Phong


Lãnh đạo Trung ương Hội trao trâu cho gia đình có NKT, TMC tại Hải Phòng

Hoạt động hỗ trợ sinh kế đã mở ra một hướng đi mới của Hội trong công tác trợ giúp NKT. Với sự tham gia, hỗ trợ trực tiếp của Hội, phát huy thế mạnh, điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương, sự tham gia của chính quyền, các tổ chức, nhân dân dựa trên khả năng, điều kiện, nhu cầu cụ thể của NKT và gia đình họ. Trên cơ sở thí điểm xây dựng mô hình này, năm 2012, Hội đã hoàn thành Đề tài nghiên cứu khoa học do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội giao “Nghiên cứu mô hình hỗ trợ sinh kế cho NKT tại cộng đồng” và nhân rộng trên nhiều địa bàn xã trong cả nước.

4 năm qua, Hội đã hỗ trợ cho hơn 22.700 lượt NKT thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo tại 248 xã, trong đó có 202 xã xây dựng nông thôn mới; qua kiểm tra khảo sát cuối năm 2013 tại 579 hộ gia đình nghèo có NKT được hỗ trợ sinh kế đã có 116 hộ thoát nghèo, chiếm 20%.

Bên cạnh các hoạt động trên, Hội bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam còn tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ người khuyết tật khác như: dạy văn hóa, dạy ngôn ngữ ký hiệu; tham gia ý kiến và phản biện chính sách liên quan đến NKT; trợ giúp pháp lý cho NKT khi tham gia giao thông; xây dựng, duy trì, phát huy trang thông tin điện tử của Trung ương Hội và các tổ chức thành viên, duy trì, phát triển Tạp chí Người bảo trợ; tổ chức đợt sáng tác ca khúc “Chung một tấm lòng” năm 2012 và Hội thi tiếng hát NKT toàn quốc năm 2014 với chủ đề “Những trái tim khát vọng”.

Có thể nói, với những hoạt động của mình trong suốt 23 năm qua, Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam đã và đang đóng góp vai trò tích cực, chủ động trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khuyết tật. Trải dài theo quá trình hoạt động của mình, các chương trình của Hội đã góp phần nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho đối tượng và giờ đây Hội tiếp tục đẩy mạnh thực hiện việc hỗ trợ đối tượng theo hướng tiếp cận dựa trên quyền, phù hợp với xu thế cũng như yêu cầu, nhu cầu trợ giúp người khuyết tật trong thời điểm hiện nay.   

 

Nguồn: Tạp Chí Người Bảo Trợ

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi