Cứ nghĩ đến động từ "nhậu" là tôi lại tự sướng dù tôi chưa mua được chiếc điện thoại thông minh để tự chụp ảnh mình. Này nhé, tôi là công dân của một nước mỗi năm uống hết 3 tỉ lít bia, tương đương 3 tỉ đôla Mỹ; đứng hạng nhì, hạng ba châu Á. Nếu ta chưa hơn người ở nhiều phương diện khác thì ít ra ta cũng hơn người ở chuyện rượu bia. Mà hơn người là điều đáng để tự sướng rồi, dù là tự sướng hơi bậy bạ.
Bia được gọi là khí tửu - rượu có gas. Nó nhẹ độ hơn rượu nên người ta uống được nhiều; uống được nhiều nên tốn nhiều tiền và dễ say xỉn. Đất nước ta có nhiều hãng sản xuất bia, được tăng cường nhiều loại bia ngoại nhập nên chủng loại bia phong phú. Nếu rượu mạnh chỉ dám đưa một hàng chữ thương hiệu nho nhỏ hay để một cái chai trong tủ kiếng của các nhà hàng hạng sang nhằm né quy định cấm quảng cáo thì bia oai hùng hơn, được quảng cáo công khai trên báo chí, truyền hình.
Bởi được quảng cáo công khai nên bia bán rất tốt. Những câu thiệu cỡ như "Ai cũng muốn ngước nhìn bạn", "Niềm tự hào của miền Trung", "Xứng mặt nam nhi"... hấp dẫn người nghe, làm đông đảo thêm đội ngũ người uống. Bia tạo nên một não trạng khá buồn cười là ai uống được nhiều nhất thì mới được... kính trọng.
Cái ngộ nghĩnh nhất là ở thời điểm này người ta quảng cáo bia; sau đó 30 giây lại đưa thông tin một đám nhậu say chém người phải đưa đi nhà thương cấp cứu. Hai thứ dường như mâu thuẫn nhau, đáng lẽ chọn một cái và bỏ một cái; vậy nhưng chúng ta phải chọn cả hai; chọn bia để có tiền nộp vào ngân sách và chọn thái độ chống tội phạm hình sự do bia gây ra.
Cán bộ, công chức vào cơ quan không được phép có mùi bia rượu là quy định. Anh em chấp hành nghiêm, không uống buổi trưa. Bù lại, họ uống thả ga vào buổi chiều sau giờ hành chánh; uống đến lết bánh xe, què bánh lái; cứ cãi nhau chuyện Quảng Đông thuộc về Quảng Ngãi! Lương anh em có hạn nhưng cơ bản ngày nào cũng có tiệc nhậu thoải mái; mồi ngon, đùi tốt, váy ngắn, chân dài. Tiền đâu mà họ nhậu chăm chỉ vậy ta? Khi uống vào họ tự coi mình như ông vua, "ông vua bia" - dù chức danh họ chỉ là cán bộ phường, ủy viên xã.
Bia làm cho con người gần nhau mà cũng khiến cho con người dễ xa nhau. Xỉn bia, hai vị lãnh đạo hai ngành có thể cầm ly đập vào đầu nhau xem ly cứng hay đầu mày cứng. Xỉn, "ông vua bia" vừa ôm cô gái, vừa nghe ca cổ. Điều đáng tiếc là vua hiểu nhầm lẫn chữ "cổ", cứ nghĩ cổ là phần nối đầu và vai. Bài vọng cổ có sáu câu, họ chỉ ca được một câu, phần cổ và dưới cổ rờ tới năm lần. Vì vậy mà có loại virút mới "Hát một rờ năm" (H1R5) phơi nhiễm tứ xứ.
Theo TTO