Thứ năm, 17 Tháng 9 2015 08:16

Bảo Yến sau nhiều năm im hơi lặng tiếng, trở lại với liveshow Dấu ấn vào năm ngoái và 20/9 tới chị sẽ tri ân khán giả Hà Nội bằng đêm nhạc Đường xưa, nằm trong chuỗi chương trình Vàng son một thuở. Đây là lần đầu tiên, đêm nhạc riêng của Bảo Yến tổ chức tại thủ đô.

 

Đặc biệt chương trình do ê-kip gia đình gồm chồng, em trai và hai con trai của nữ danh ca thực hiện.

 

Chị còn dự án làm đĩa, làm show hoặc cộng tác với nghệ sĩ, ê-kip nào trong thời gian tới?

 

Tôi có dự án làm CD 10 bài hát mới với Phương Nam Phim có thể cuối tháng 9 này sẽ phát hành. Đĩa tôi vẫn làm lâu dài. Một hai năm nữa có thể không hát nhưng thu âm thì tôi vẫn duy trì để giọng hát của mình tiếp tục đến với khán giả. Đến ngày nào thấy không còn hát hay như ý mình muốn, tôi sẽ chấm dứt.

 

NNT51

Bảo Yến cùng con trai tập luyện tại nhà cho đêm nhạc "Đường xưa"

 

Được biết "Dấu ấn" (2014) là liveshow riêng đầu tiên của chị. Điều gì ngăn trở chị không làm liveshow riêng từ trước?

 

Vì trước đây tôi nhận thấy ánh sáng và âm thanh chưa đạt, tôi chưa hài lòng. Hát trên sân khấu tôi thấy ánh sáng còn mờ lắm, không chất lượng như bên ngoại quốc. Nhưng gần đây đội ngũ làm ánh sáng, âm thanh tốt hơn hẳn và BTC Dấu ấn cũng hứa hẹn làm cho Bảo Yến thật hoành tráng, thật rực rỡ thì tôi mới nhận lời.

 

Có điều gì chị tiếc đã không làm được trong thời kỳ bận rộn nhất của nghề nghiệp?

 

Không! Tôi rất thỏa mãn. Việc ca hát của tôi không còn một điều gì để tôi còn khao khát, ước mơ nữa. Tôi muốn ra thăm khán giả Hà Nội lần này. Có thể sang năm còn khỏe tôi sẽ ra thăm nữa, còn nếu không, có thể đây là lần cuối cùng. Nói chung cuộc đời ca hát của tôi trên sân khấu suốt 35 năm nay rất mỹ mãn. Khán giả cũng rất yêu tôi từ trước đến nay. Vậy là quá hạnh phúc rồi.

 

Vậy còn đời sống hôn nhân và gia đình, liệu có điều gì khiến chị phải hối tiếc?

 

Tôi cũng không có gì hối tiếc. Hiện tại cuộc sống của gia đình tôi rất viên mãn. Chồng con luôn bên cạnh. Các con ngoan và đều là những nhạc sĩ có tài.

 

Chị có bí quyết và phương châm gì để giữ gìn giọng hát và đam mê nghệ thuật?

 

Tôi là một đệ tử của Phật, không bao giờ ăn chơi, không bao giờ thức khuya đi ngoài đường. Đi hát xong là về nhà, suốt ngày ở trong nhà thôi. Ngoài thời gian học hát ra, tôi xem kinh, niệm Phật, ngoài ra tôi không bạn gái bạn trai, không đàn đúm hội hè ở đâu hết. Tôi sống rất khép kín, do đó không bị hao sức bởi những chuyện phù phiếm, hoặc đi chơi tản mạn bên ngoài nọ kia. Tôi giữ được là vì không bị phung phí sức lực ở ngoài đời. Trong gia đình cũng vậy, tôi sống rất mẫu mực. Đúng mười giờ, mười rưỡi là đi ngủ, không thức khuya, không ăn quá nhiều mà cũng siêng tập thể dục nữa.

 

Là giọng hát giành được tình cảm của nhiều thế hệ người nghe, chị có thể chia sẻ một kỷ niệm đáng nhớ về tình cảm người hâm mộ dành cho chị?

 

Có nhiều người cất những cassette, CD từ ngày tôi mới đi hát đem tặng tôi. Tôi đi nước ngoài cũng vậy, có những băng đĩa khán giả tặng mà tôi không có nữa. Vậy mà khán giả đem một bọc tới, cả những hình ảnh đăng báo từ ngày tôi còn trẻ măng 25, 26. Tôi cất từ đó đến giờ, tờ báo cũ kỹ nhưng tôi quý lắm, để dành đôi khi đọc lại, những kỷ niệm ngày xưa sống lại khiến tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì người ta thương mình quá. Có lúc nghĩ lại cũng buồn vì thời gian đó tôi thăng trầm lắm, cực khổ lắm. Lúc đó phải đi hát nhiều, mệt lắm, khàn cả tiếng.

 

Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, từ nhỏ chị đã được nuôi dưỡng đam mê âm nhạc như thế nào; và đến lượt chị, đã định hướng cho con cái như thế nào trên con đường nghệ thuật?

 

Ba tôi - nhạc sĩ Thủy Triều dạy nhạc cho ba chị em. Một thời gian sau, ba tôi mời một thầy ở Campuchia về dạy violon cho Kim Tuấn với Nhã Phương, còn tôi ba bảo: "Thôi nặng tiền lắm rồi, một khóa như vậy ba cây vàng, ba trả hết nổi. Con hy sinh cho em học". Cho nên tôi không được học đàn, chỉ học nhạc do ba dạy thôi. Sau này đi hát, có điều kiện hơn ba ngày xưa, tôi cho con học piano từ 6 tuổi, cả hai đứa. Cho nên tụi nó thành nhạc sĩ chuyên nghiệp rất giỏi. Chúng nó may mắn hơn tôi. Do ngày xưa ba mẹ không được dư dả nên tôi hơi bị thiệt thòi, không sử dụng được nhạc cụ. Nhưng nhạc lý thì ba tôi đã dạy căn bản. Ba đi sưu tập tất cả băng đĩa ngoại quốc từ thập niên 1950, nhạc Mỹ, nhạc Pháp tôi hấp thu trong người từ nhỏ. Tôi học được nhiều cách hát qua những băng đĩa đó. Tôi trì trí nên thành công như vậy thôi, còn tôi vẫn thiệt thòi nhất trong gia đình ba chị em.

 

Chị từng nói nếu được trẻ thêm thì cũng để tu chứ không phải để hát. Vậy "tu" theo ý chị là gì? Phải chăng đã hát thì không thể tu được nữa?

 

Đúng, đã hát là không tu được, không thể tịnh tâm được. Càng tiếp xúc ngoài đời càng khó tu. Cuộc đời bên ngoài có tiền đấy, nhưng cứ lên voi xuống chó, biết bao điều không cho mình bình an. Tôi bắt đầu tu từ 30 tuổi, trong đó 15 năm không màng đến chuyện đời. Đó là thời gian không tham sân si, tôi cảm thấy rất sung sướng. Đi hát bao năm cay đắng ngọt bùi cũng đủ rồi. Tròn 60 tuổi (2017) tôi sẽ chấm dứt, không hát nữa, ăn chay trường, khóa cửa, không bạn bè. Tu hoàn toàn cho đến khi về cõi Phật.

Theo Tiền phong

 

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi