Thứ hai, 31 Tháng 8 2015 10:50

Khi đến rạp xem "Hy sinh đời trai", khán giả đã choáng váng vì không còn nhận ra bàn tay dựng phim tài ba của đạo diễn Lưu Huỳnh ngày nào. Từ một bậc thầy về cách kể chuyện hình ảnh qua "Áo lụa Hà Đông", Lưu Huỳnh của ngày hôm nay đã quá khác, thụt lùi và ngây ngô đến không ngờ. Hình như không chỉ riêng Lưu Huỳnh, có lần Charlie Nguyễn, Lê Hoàng và Cường Ngô – những tên tuổi lớn của điện ảnh trong nước cũng khiến người ta thất vọng không ngờ, khi rẽ hướng làm phim thị trường.

 

Những cuộc thay đổi theo chiều hướng thụt lùi

 

"Hy sinh đời trai" đang là phim Việt gây chú ý tại thời điểm này khi ung dung ở những suất chiếu hot nhất trên khắp các rạp. Vì phim có sự tập hợp của những cái tên: Đạo diễn Lưu Huỳnh, nhà sản xuất Trần Bảo Sơn, hàng loạt tên tuổi diễn viên đình đám: Tấn Beo, Lý Hùng, Phi Nhung, Phước Sang... và vai diễn khách mời không thể đẹp hơn: Hồ Ngọc Hà, Thái Hòa... Công bằng mà nói phim không "nhảm". Nhưng lại "nhàm" và "gây sốc". Khi xem, khán giả không tin nổi là thể loại phim ca nhạc hài tạp kỹ này, lại là sản phẩm của một bàn tay đạo diễn uy tín - Lưu Huỳnh.

 

Lưu Huỳnh trình làng điện ảnh Việt bằng một bộ phim quá "chất" - "Áo lụa Hà Đông". Đây là tác phẩm điện ảnh đưa tên tuổi Trương Ngọc Ánh lên hàng sao hạng A và giành giải Cánh diều vàng 2006 hạng mục "Phim truyện nhựa xuất sắc nhất" trước sự đồng thuận của không chỉ hội đồng giám khảo mà cả số đông khán giả. Năm 2009, Lưu Huỳnh tiếp tục sản xuất "Huyền thoại bất tử" và đưa tên tuổi Dustin Nguyễn lên tầm cao mới, đồng thời giới thiệu cho điện ảnh Việt một gương mặt mới vô cùng tài năng là Trần Bảo Sơn – thời điểm hiện tại, anh cũng đứng hàng sao hạng A của lĩnh vực nghệ thuật thứ 7. "Huyền thoại bất tử" đã giành tổng cộng 6 giải Cánh diều vàng, bao gồm giải thưởng dành cho "Phim xuất sắc nhất". Đó là một sự khẳng định vững chắc cho tên tuổi của Lưu Huỳnh trong dòng phim nghệ thuật. Năm 2012, Lưu Huỳnh làm phim "Lấy chồng người ta". Sau đó, anh hợp tác với Đàm Vĩnh Hưng cho ra tác phẩm "Hiệp sĩ mù". Và từ đó đến nay, anh mới có thêm "Hy sinh đời trai" hợp tác cùng TBS Entertaiment – một hãng phim của chính Trần Bảo Sơn, người được Lưu Huỳnh phát hiện.

 

HBT- NNT133

Sự kết hợp giữa đạo diễn Lưu Huỳnh và nhà sản xuất Trần Bảo Sơn khiến khán giả thất vọng. Ảnh: TL

 

Tiếc thay, "Hy sinh đời trai" với bao kỳ vọng đã khiến Lưu Huỳnh... hy sinh danh tiếng hơn 20 năm vất vả gây dựng. Với khán giả kỹ tính, khi xem phim, họ thấy một câu chuyện rời rạc với những cảnh quay thừa thãi và vô duyên. Phim của Lưu Huỳnh vốn có kết cấu chặt chẽ thì nay lại hoàn toàn biến mất. "Hy sinh đời trai" có những phân cảnh không hiểu từ đâu chui vào mạch phim và những đoạn hát múa gượng gạo đến kinh ngạc. Nhiều nhân vật có thoại khiên cưỡng, khiến người ta không thể hiểu nổi dấu ấn của Lưu Huỳnh và Trần Bảo Sơn ở đâu? Bởi ai cũng hy vọng rằng sự chỉn chu trong nghề của hai tên tuổi ấy sẽ đem đến cho khán giả một bộ phim chỉn chu nhưng tất cả lại thấp hơn sự kỳ vọng.

 

Lưu Huỳnh hình như cũng không phải là tên tuổi đạo diễn đầu tiên khiến người ta thất vọng khi chuyển sang làm phim thị trường. Trước đó, đạo diễn Lê Hoàng từng gây tiếng vang với "Gái nhảy" đã khiến người ta không còn nhận ra cá tính nghệ thuật của mình trong phim "Tối nay 8 giờ". Lê Hoàng bị sáo mòn trong câu chuyện Lọ Lem và Hoàng tử, bị khuôn mẫu bởi những yếu tố phim thị trường như: Nhà lầu, xe sang... Và không ai còn nhận ra tên tuổi đạo diễn nổi tiếng ngày nào nữa.

 

Charlie Nguyễn trình làng phim Việt bằng "Để mai tính", nâng tên tuổi của Thái Hòa lên sao hạng VIP của điện ảnh Việt. Sau khi "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu, Charlie Nguyễn cho rằng: Ở Việt Nam, an toàn nhất là làm phim hài nhảm. Vì vậy, anh tiếp tục đề tài thế mạnh của mình: Hài nhưng cách kể nhẹ nhàng với một kết cấu phim hấp dẫn. Tuy nhiên, hình như đã quá quen tay trong thể loại phim này, nên có lúc anh chểnh mảng, thiếu kỹ càng và để danh tiếng... thụt lùi đi trong lòng người hâm mộ. "Để mai tính 2" của Charlie Nguyễn khiến người xem tiếc nuối vì sự giảm sút về chuyên môn, sự lặp lại của những cách làm cũ mà thậm chí còn không được "duyên" và hấp dẫn như những phim trước đó. Ngay cả một đạo diễn Việt kiều khác là Cường Ngô cũng không tránh khỏi cú "dớp" lùi đi về chất lượng phim ảnh. Khi "Ngọc viễn đông" ra mắt, người ta hết lời khen ngợi Cường Ngô về tư duy phim ảnh. Nhưng đến "Hương Ga" thì mọi thứ đã khác. Phim của Cường Ngô có thể vẫn đẹp về cảnh quay, nhưng nội dung phim thì không đẹp như kỳ vọng lâu nay của khán giả nữa.

 

HBT- NNT133.1

Với phim "Hương Ga" đạo diễn Cường Ngô khiến khán giả thấy tiếc nuối

so với sản phẩm đầu tay mang tên "Ngọc viễn đông". Ảnh: TL

 

Danh tiếng phai vì vấn đề doanh thu

 

Phim thị trường mấy năm nay đã trở thành dòng phim "lấn át" trong bức tranh tổng thể về điện ảnh nước nhà. Bởi suy cho cùng, phim thị trường giải quyết vấn đề doanh thu. Với những hãng phát hành bỏ tiền làm phim, cái họ cần là số tiền thu về ít nhất phải đảm bào bù đắp được số tiền bỏ ra sản xuất phim, có lãi thì càng tốt. Vì thế, những cái tên là bảo chứng cho doanh thu phòng vé như: Hoài Linh, Thái Hòa, Jonny Trí Nguyễn... trở thành gương mặt hot khắp các rạp phim trong nước. Và vấn đề doanh thu, trở thành điều quan trọng hàng đầu với một phim ra rạp. Bởi vậy, các đơn vị sản xuất phải chọn dòng phim vốn được gọi là "thị trường" thay vì liều mình làm một bộ phim chỉn chu và có hơi hướng nghệ thuật nhưng có thể sẽ ế khách.

 

Một vấn đề nữa là sự kiểm duyệt phim của chúng ta hiện nay cũng còn nhiều điểm đáng nói. Khi "Bụi đời Chợ Lớn" bị cấm chiếu, người ta thấy nổ ra hàng loạt tranh cãi: Điện ảnh khai thác đề tài như thế nào mới được chấp nhận, hư cấu bao nhiêu, hành động thế nào... vì thế, các đạo diễn phải chọn kịch bản phim hài như một sự bảo chứng an toàn: Dù hay, dù dở sẽ vẫn được ra rạp.

 

Thị hiếu của khán giả Việt hiện nay cũng chưa rõ ràng. Khán giả thường bị kéo đến rạp xem phim bởi nhiều "mánh lới" của nhà sản xuất: Một là diễn viên phim đang gây chú ý, hai là PR bài bản, ba là tên tuổi của các đạo diễn... Họ bị ảnh hưởng bởi truyền thông và xu hướng cộng đồng hơn là có cho mình một gu thưởng thức phim riêng biệt theo sở thích.

 

Đó chính là những lý do khiến cho dòng phim thị trường lên ngôi, các đạo diễn tên tuổi cũng bị cuốn vào dòng phim đó. Chỉ có điều, vì phải đặt doanh thu lên hàng đầu nên chất lượng phim nhiều khi bị bỏ ngỏ. Phải đặt tiêu chí lấy doanh thu nên có những đạo diễn đã phải ... hy sinh cả bản sắc riêng trong phim ảnh của mình chỉ để tạo những tiếng cười nhàm chán. Theo đuổi dòng phim này, cũng có thể sẽ khiến họ hy sinh danh tiếng mất công gây dựng nhiều năm.

Theo PL&XH

Thêm bình luận


Mã an ninh
Làm tươi